Tôn trọng tín ngưỡng nhưng không để lợi dụng công đức

(Dân trí) - Một loạt các câu hỏi như có nên đặt khái niệm “quản lý” đối với các cơ sở đã được nhà nước công nhận? Nếu có ban quản lý, ban đó sẽ hoạt động như thế nào? Kinh phí để “nuôi” ban lấy từ đâu? Có nên hành chính hóa việc quản lý công đức?

Tôn trọng tín ngưỡng nhưng không để lợi dụng công đức

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức Hội thảo “Tăng cường nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng”, nội dung quan trọng nhất là việc giới thiệu thông tư về quản lý tiền công đức. Tại hội thảo, ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo phát biểu: “Rải tiền lẻ tràn lan gây phản cảm, lãng phí, phi văn hóa, nên quản lý tiền công đức là hết sức đúng đắn. Còn quản lý như thế nào phải bàn. Nếu chỉ nói quản lý tiền công đức với riêng tôn giáo thì rất nhạy cảm, bởi vì tôn giáo có tiền công đức, họ sống chủ yếu bằng nguồn này. Bản thân trong tôn giáo cũng có quy định riêng về tiền công đức và sử dụng chúng. Phật giáo có câu: Của Phật lấy 1 đền 10. Nhưng các cơ sở tín ngưỡng khác không phải tôn giáo thì những người quản lý không chịu ràng buộc của giáo lí, giáo luật, nên một số có thể lạm dụng tiền công đức”. Thứ trưởng Bộ VH – TT & DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết Nhà nước không quản lí trực tiếp, hay bắt buộc mà chỉ định hướng, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh, minh bạch tiền công đức và sử dụng tiền công đức.

Thời gian gần đây, các hoạt động tôn giáo ngày càng trở nên sôi động. Nhiều đình chùa, miếu mạo, nhà thờ được tôn tạo, xây mới hết sức khang trang, thậm chí hoành tráng, đồ sộ. Các hoạt động như lễ, hội cũng được mở mang mạnh mẽ, từ cấp quốc gia cho đến các làng bản. Có thể nói, Hội làng đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa ở hầu hết các làng xã Việt Nam.

Cùng với sự phát triển, các hoạt động trên đã nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Nổi lên là việc thu và quản lý tiền công đức trong các chùa chiền, lễ hội. Hòm công đức, một hình ảnh đẹp với một tên gọi thiêng liêng đang có nguy cơ bị tầm thường hóa và lợi dụng. Đành rằng công đức là nguồn thu chính, góp phần to lớn trong việc xây dựng, phát triển cơ sở vật chất và nhiều hoạt động khác của nhà chùa nhưng đó cũng chính là khâu khiến nhà chùa trở nên bớt linh thiêng nếu như bị lạm dụng, dẫu chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Đã xuất hiện cái gọi là “nghệ thuật moi tiền” công đức từ túi các “con nhang, đệ tử” như xướng danh trên loa phát thanh, khắc tên vào chuông đồng, bia đá hay đặt la liệt hòm công đức nơi thờ tự… Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôn giáo không và không bao giờ là nơi kinh doanh, nhà chùa không phải là công ty và thần thánh không là hàng hóa.

Từ những thực tế trên, Bộ VH-TT&DL cho rằng việc ra đời thông tư này góp phần tạo niềm tin cho nhân dân, loại bỏ những kẻ lợi dụng tiền công đức cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu không làm tốt, hậu quả sẽ không đơn giản. Một loạt các câu hỏi cần được giải đáp như nên hiểu “công đức” là như thế nào? Có nên đặt khái niệm “quản lý” đối với các cơ sở đã được nhà nước công nhận hay không? Có nên thành lập ban quản lý hay không và nếu có, ban quản lý đó sẽ hoạt động như thế nào? Kinh phí để “nuôi” ban đó lấy từ đâu? Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự - Trưởng ban Hoằng pháp giáo hội Phật giáo Việt Nam còn cho rằng không nên hành chính hóa việc quản lý công đức, đây là việc làm thiếu sự tôn trọng tôn giáo và không văn minh.

Xây dựng một môi trường lành mạnh, trong sáng ở chốn linh thiêng này là mong muốn của tất cả chúng ta. Vì vậy, mình rất muốn các bạn tham gia ý kiến để giúp Hội Phật giáo Việt Nam hiểu rõ thêm về thực trạng đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách có được một định hướng đúng. Đó là chỉ ra những thực trạng của sự bất cập, làm ảnh hưởng đến nơi tâm linh đồng thời đưa ra các giải pháp, thậm chí hoàn toàn có thể đặt vấn đề nên hay không hành chính hóa việc quản lý công đức như ý kiến của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

Mình tin rằng ý kiến của chúng ta sẽ được Hội Phật giáo và Bộ VH – TT & DL lắng nghe, tôn trọng.                                                                                                            

Bùi Hoàng Tám  

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!