Bạn đọc viết:
Thương thay thầy trò vùng khó khăn! Buồn thay cán bộ GDĐT!
(Dân trí) - Tôi thì không thấy sốc lắm khi đọc bài viết phản ánh về nghị định 60 đó. Mà sốc hơn là thấy các bác ở Bộ hình như muốn đổ hết lên đầu giáo viên những khó khăn do chính các bác ấy nghĩ ra. Buồn thay cho các vị cán bộ GDĐT kiểu này...
Về nghị định 60 này, cách đây 9 tháng tôi từng tư vấn tâm lý cho một cô giáo mầm non dạy ở vùng xa của Tây Ninh. Sau khi tư vấn xong, chị em tâm tình chuyện công việc và tôi may mắn được cô xin ý kiến về rắc rối trong công việc như thế này. Cô kể:
Ba ngày qua trường em náo loạn cả lên vì chuyện ăn của các cháu mầm non, chị ạ. Năm trước Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) có chính sách hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số mỗi tháng là 120 ngàn tiền ăn và cuối năm phụ huynh sẽ lĩnh một cục. Riêng năm nay (khi đó bắt đầu vào năm học mới), không biết vì lý do gì mà Phòng GDĐT đã ký cam kết học sinh mầm non đạt chuẩn (gì đó tôi không nhớ rõ) trước khi vào lớp 1 với Sở. Và vì bị Sở bắt buộc ký (do Sở đã đăng ký với Bộ) nên các trường cũng bắt buộc phải ký, nên các bé bắt buộc phải ăn ở lớp.
Đầu tiên là việc cô hiệu trưởng đứng trước toàn thể giáo viên khóc nức nở và xin được các cô giáo giúp đỡ, rồi sau đó họp phụ huynh và xin phụ huynh giúp đỡ vì tiền hỗ trợ ăn trưa chỉ được chi trả vào cuối năm. Trong khi 1 tuần nữa là học sinh phải ăn ở trường mà trường thì vẫn đang trong tình cảnh không xoong nồi, không người nấu ăn, không tiền. Phụ huynh là người dân tộc nên họ nhất quyết không đóng góp trước, họ nói thế này, chị ạ: "Các cô cứ ứng ra trước đi, rồi khi nào tiếp xúc cử tri chúng tôi sẽ phản ảnh để Quốc hội giải quyết cho".
Vậy là các cô bắt đầu lo sợ và xin Phòng cho không phải nấu ăn mà vẫn duy trì tình trạng như năm trước. Nhưng thầy ở Phòng trả lời thế này, chị ạ: "Tại sao ở trường này, trường kia họ làm được mà các cô không làm được? Các cô đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm đi. Đây là việc bắt buộc". Thế là trường cử người đi học hỏi kinh nghiệm, kết quả được biết rằng các trường kia làm được vì nhờ phụ huynh hỗ trợ, đóng góp trước.
Và sau đó lại một cuộc họp nữa, lần này thì cô hiệu trưởng lại khóc thảm thiết xin giúp đỡ. Cô yêu cầu ai đó giúp đỡ cho cô mượn sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Không cô nào lên tiếng, cuối cùng là phân công mỗi cô một việc. Cô thì nhận mua chịu gạo. Cô thì vì có chồng làm hậu cần của đơn vị bộ đội nên nhờ mua chịu hộ rau, thịt... Và các cô thay phiên nhau nấu ăn cho học sinh. Thế là ổn quá, chị nhỉ?
Một tháng sau, cô giáo này lại gọi điện và chia sẻ thêm diễn biến mới như sau:
Bây giờ trường em em lại đang lao đao, chị ạ. Cô mua chịu gạo cũng chỉ chịu được 1 tháng, nếu thanh toán tháng trước thì tháng này mua tiếp, nếu không thì không mua được nữa. Anh chồng bộ đội của cô giáo khác thông báo là phải thanh toán tiền tháng vừa mua rồi đơn vị mới cho mua tiếp.... Thế là các cô lại náo loạn cả lên.
Cô hỏi tôi: - Chị ở gần Bộ, chị có biết những chuyện như thế này không? Chị thấy các thầy ở trển chơi trò này có ác không? Ác thiệt là ác, chị ha?
Nguyễn Anh Thư