Thi công chức: Thi một đằng, tuyển một nẻo

(Dân trí) - Hai chữ “thi Tiền” đã bị gán cho các kỳ thi công chức từ lâu. Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội lưu ý con số 100 triệu đồng để chạy công chức, khoảng cách Thi - Tuyển lại được dư luận đem ra săm soi, bình xét...

Thi công chức: Thi một đằng, tuyển một nẻo
Đại biểu Trần Trọng Dực (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội) nói về tệ "chạy công chức" tại phiên thảo luận HĐND Hà Nội ngày 7/12  (ảnh HNM)

 

Thảm trải cửa trước, chất xám ra cửa sau

 

Không lo sao được khi các tệ nạn trong ngành giáo dục đã tới hồi nguy cấp. Tình trạng chảy máu chất xám cũng đã được cảnh báo đi, báo động lại. Rồi nào là thông tin “chỗ thơm” này, “nơi béo bở” khác “trải thảm đỏ chào đón nhân tài” mà rút cục lại vẫn là phải nhất thân, nhì thế, thứ ba tới tiền…Khiến cửa vào các cơ quan nhà nước đã hẹp càng như… đóng chặt trước những ai “tự hỏi vì sao mình tài giỏi mà lại không giàu”.

 

Và nếu như chất lượng các kỳ thi tuyển công chức, viên chức của chúng ta, theo đánh giá của đại biểu Trần Trọng Dực (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội) tại phiên thảo luận HĐND Hà Nội ngày 7/12, mới chỉ dừng ở mức “chất lượng không ổn”, thì trên thực tế đa phần người có năng lực và tâm huyết muốn làm việc để cống hiến, để đóng góp đã chẳng còn niềm tin vào những cuộc cũng gọi là thi và tuyển đó nữa.

 

“Nói chung theo như tôi thấy thì ngoài một số ngành như Điện lực, Ngân hàng, Dầu khí... có cơ chế lấy con em người đã phục vụ trong tổ chức cơ quan thuộc bộ máy chính quyền, nhà nước đã công tác lâu năm. Còn hiện tại, các cơ quan Bộ hoặc ngang Bộ hay các cơ quan nhà nước được quyền tuyển dụng cán bộ công chức, đều có giá trên 100 triệu hết. Đơn cử như vào Kho Bạc Nhà nước, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, với các đơn vị hành chính sự nghiệp thì tiền lót tay để vào theo tôi được biết là khoảng từ 200 triệu trở lên. Muốn vào các đơn vị có thu, có thu nhập được trích riêng thì lại càng phải lót tay nặng hơn quãng 400-500 triệu VNĐ. Gần đây có Tổng Cục Hải quan, Kho Bạc và Thuế cùng thi, các nhà báo cứ mạnh dạn hỏi xem người ta muốn vào được thì phải chi bao nhiêu tiền. Bây giờ kinh tế khó khăn, nhiều gia đình muốn con cái, người nhà vào được các cơ quan nhà nước để vừa nhàn, vừa ổn định, thôi thì đành chấp nhận đóng một cục tiền như thế để yên tâm hơn so với việc làm ngoài vì chả biết họ đuổi lúc nào, nợ lương ra sao. Chưa kể còn đầy rẫy các tiêu cực xã hội nhăm nhe với những tâm hồn non trẻ” - Nguyễn Hạnh:  vntradere4@yahoo.com

 

“Vấn đề này tồn tại lâu rồi mà, nhưng dù sao cũng đáng khen ngợi ông Dực không ngại ngần thẳng thắn đề cập tới nó. Nhưng không làm thế thì các vị có chức quyền làm sao có tiền mà tiêu xài xông xênh như vậy? Lương công chức thì thấp mà cứ nhà lầu, xe hơi ầm ầm. Một số người giỏi thực sự thì không nói làm chi nhưng đó chỉ là thiểu số, còn đa số mà không bằng cách này cách kia lót tay thì vô sao nổi. Học thì dốt toàn chạy điểm kiếm cái bằng đẹp ra trường, nhà lại có cơ thì còn gì phải lo nữa. Vậy nên, nếu các vị để ý vụ mà dân phản đối ầm ĩ thời gian gần đây như với nghị định 71 được đưa vào áp dụng đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu. Phải chăng đó cũng là hệ quả của một số thành viên soạn thảo không có trình độ (do chạy chọt mà lên), để rồi khi ban hành ra rồi lại rút đi rút lại, dư luận cũng chả hiểu họ làm ăn kiểu gì mà a bờ cờ đến vậy???” – Thuy Nga:  thuynga201085@yahoo.com

 

“Không phải ở riêng Hà Nội mà là trên hầu khắp cả nước, chỉ khác về mức độ nhẹ hay nặng thôi. Tôi thấy đồng chí Trần Trọng Dực là người dám nói nhưng mới ở góc độ địa phương thôi, cần kiểm tra kỹ các ngành các cơ quan xem hiện tượng chạy việc, chạy chức trầm trọng như thế mà sao vẫn chưa ai dám mổ xẻ. Chỉ khổ những người giỏi thật nhưng không có tiền, đất nước cũng vì thế mà mất quá nhiều nhân tài trong nhiều lĩnh vực. Mong rằng nhân tài phải được trọng dụng thì đất nước mới phát triển bền vững được” - Minh:  minhputincic@yahoo.com.vn

 

Giá đắt, giá rẻ

 

Tình hình bi đát như vậy cũng bởi cửa trước có vẻ như vẫn rộng mở, nhưng chỉ là để cho những người không thân, không thế đi vào rồi lại đi ra sau khi khảo sát thực địa mà thôi. Còn nếu không biết cách đi cửa sau, cứ thi thẳng thừng thì... đừng mơ trúng tuyển.

 

“Mất 100 triệu chưa chắc đã đỗ công chức. Thường thì các chỉ tiêu đã chia phần cho con em cán bộ có chức có quyền ở địa phương tổ chức thi rồi. Nhiều khi thí sinh tốt nghiệp ĐH ở những trường danh tiếng mà bằng khá giỏi hẳn hoi cũng không thể vượt qua được. Không bằng những thí sinh học ở các trường dân lập, tại chức... vì họ đã có cửa sau rồi. Ví như kỳ thi công chức ở Chi cục Thuế ở 1 tỉnh nọ, tổ chức kỳ thi từ tháng 10 năm trước mà kết quả được công bố vào tháng 4 năm sau, thì kết quả như thế nào chắc là ai cũng hiểu” - Van Toan:  uk6645@yahoo.com

 

“Ở Hà Nội như vậy là còn quá rẻ. Dưới Quảng Ninh vừa rồi tại thành phố Cẩm Phả, tôi biết để có 1 suất vào công chức nhà nước 1 giáo viên phải chi không dưới 150 triệu thì mới có cơ hội được vào biên chế” - Lan:  forget_me_not7989@yahoo.com

 

“Công chức thủ đô như thế là quá rẻ. Ở Quảng Ngãi, 1 suất đi dạy miền núi cheo leo giá đã 60 triệu đồng rồi. Chịu khó lên trên núi ở thời gian rồi cũng lại mất thêm khoảng 40 triệu đồng nữa "chạy" về dạy ở quanh quanh thành phố Quảng Ngãi như Sơn Tịnh, Tư Nghĩa. Còn trong nội thành thì… đừng có mơ. Nội thành chỉ dành cho con ông cháu cha cỡ bự thôi…Nát lắm… mà nobody don't know!” - Vo Van Hai:  haivvbsr@gmail.com

 

“Nói gì ở HN, ngay như ở Gia Lai thôi… Một phố núi bé tẹo, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung, muốn thu hút nhân tài của các nơi nhưng mỗi lần nộp hồ sơ công chức là các bố các mẹ nhà ta lại vòi tiền. Có nơi còn nói thẳng ra là muốn đậu thì đưa 150 triệu - một cái giá những người mới ra trường không bao giờ với tới. Thử hỏi công bằng chỗ nào... Nghĩ mà không muốn làm gì nữa” - Công Bằng:  aaa@yahoo.com.vn

 

“Quê tôi chạy công chức chỉ mất có… 200 triệu thôi, chứ 100 triệu phải chờ 5 năm sau khi đem tiền đi gửi đủ 200 mới được nhận” – TuanNV: nvtuan279@gmail.com

 

“100 triệu còn ít, một số ngành Hot còn lên tới vài ba trăm ấy chứ. Ở một huyện nghèo như Kỳ Anh/ Hà Tĩnh mà cách đây 6 năm, bạn tôi đã phải bỏ ra 40 triệu để được dạy tại một trường cấp 3 bán công (giờ thì lên công lập rùi). 60 triệu để làm y tá tại một bệnh viện... Bây giờ con số hàng chục triệu để xin vào biên chế là "diễm xưa" rồi, vật giá leo thang, đồng tiền cũng mất giá  nên 100 triệu  không phải là con số đáng ngạc nhiên, nhất là đối với những thành phố phát triển như Hà Nội. BUỒN CHO MỘT THỰC TRẠNG KHÓ CÓ THỂ XOÁ BỎ Ở ĐẤT NƯỚC MÌNH!!!” - Hường:  thaonguyen2984@gmail.com

 

“Đúng đấy. Ở Phú Thọ em có đứa em chạy mất 110 triệu nhưng thi vẫn trượt vì lý do là con em các ông to ở khắp nơi đưa vào. Còn người trong xã trong huyện thì thấy đỗ rất ít. Toàn thấy nào là người ở Việt Trì, Phù Ninh.... ở tận đâu xa tít mà đưa về xã mình. Còn người ở xã mình thì học cao đẳng, đại học, trung cấp dù có tiền, thi tốt vẫn bị loại. Vậy là sao hả các nhà chức tránh ơi? Em được nghe đứa bạn em nói là trước khi vào phòng thi còn có dòng chữ rất là to được photo dán ngay trước của: THÍ SINH THI XONG KHÔNG ĐƯỢC PHÚC KHẢO LẠI BÀI THI. Đó là trường hợp thi ở huyện Hạ Hòa/ Phú Thọ. Mong các nhà chức trách can thiệp hợp lý, không thì tình hình này sẽ còn đưa xã hội chúng ta đi đâu và về đâu, hay chỉ là các ông có chức quyền mới thích làm gì thì làm. Còn dân nghèo, muốn học hành để phục vụ quê hương mình mà không có tiền hoặc ít tiền đành chỉ biết ngồi nhìn mà không có việc làm?” - Trần Ngọc Phong:  0972078111@gmail.com

 

“Nếu 100 triệu ở Hà Nội còn là quá rẻ. Ở một huyện nghèo thuộc Nghệ An mà muốn vào công chức xã cũng hết hơn 100 triệu, nhiều khi còn mất tiền oan nữa chứ” - Nguyen Van A:  tronghoiTNMT@gmail.com

 

 “Đúng thế đấy. Ngay trong ngành giáo viên cũng vậy. phải trên dưới 100 triệu mới đươc vào làm hợp đồng. Sau đó mất vài chục (triệu) nữa thì mới được vào công chức… Đấy là ở vùng nông thôn, lương tháng trên 2 triệu đồng, không dạy thêm được gì đó. Ai cũng biết nhưng không biết các ông ở trên có biết không, mà cứ đà này thì không biết đất nước mình sẽ đi đến đâu? Con cháu chúng ta sẽ sống như thế nào khi chất lượng đội ngũ CBCNVC như vậy?” - NHN:  hn@yahoo.com

 
Đơn giản cũng phải phức tạp
 
 

Đơn giản cũng phải phức tạp

 

Thi công chức ư? Có lẽ cũng có những người thi đỗ thật sự theo đường thẳng, nhưng số này e rằng ít lắm. Còn lại đều phải đi vòng để chờ theo cái gọi là cơ chế standby (dự phòng, chờ):

 

“Thực tế thi công chức tại nước ta quá đau lòng. Một hệ thống cơ quan đầu não của cả nước mà còn như thế thì sao mà đất nước phát triển được. Phải chăng các vị ấy cố tình làm thế không nghĩ gì tới tương lai đất nước mình? Vì để tổ chức thi công chức nghiêm túc không hề khó. Nước ta cứ tổ chức thi công chức như thi tuyển đầu vào đại học hàng năm, nhất định sẽ tìm được người tài. Do tiêu cực nên thi công chức mới coi thi quá thoải mái và kết quả thi thì phải vài tháng mới biết được, không phải là để chấm kỹ mà là để tiêu cực có thời gian thực hiện. Hàng năm hàng trăm nghìn thí sinh dự thi ĐH chỉ mất có chưa đầy 1 tháng đã có kết quả công bố trên mạng rồi. Với tư cách là công dân trẻ, tôi nhận thấy có rất nhiều người trẻ tuổi muốn cống hiến tài năng và sức trẻ của mình để phục vụ đất nước. Mặc dù người ta chỉ nhận được đồng lương cơ bản, nhưng nhìn thấy  thực trạng của đất nước như vậy đã làm cho sức trẻ của chúng tôi bị thui chột. Mong các bác có chức quyền hãy dần làm cho xã hội được cân bằng hơn” - Nguyen Bao Ngoc:  ngocnb@thanglongchem.com

 

Ôi chuyện thi cử ở ta, thi là một chuyện, tuyển lại là chuyện khác. Không thế thì… thi làm gì cho tốn kém tiền của, công sức của cả nhà nước và nhân dân?

 

Kiều Anh