Thế giới không “phẳng”, thế giới không “nhanh”! (Kỳ 1)

Bối cảnh phức tạp của thế giới trong mấy thập kỷ qua cho thấy, quyền được lựa chọn - một tiêu chí có ý nghĩa nhân văn, đang được diễn giải theo các nội dung khác nhau, và bối cảnh đó có căn nguyên từ khuynh hướng tư tưởng, mục tiêu chính trị - kinh tế, từ lợi ích mà mỗi quốc gia theo đuổi.

 

Thế giới không “phẳng”, thế giới không “nhanh”! (Kỳ 1) - 1

 Hệ quả là sự tồn tại của một thế giới đa trị, mà nổi lên là các xu hướng: hoặc vừa tự chủ, vừa học hỏi để không mất phương hướng giữa sự quay cuồng đầy hấp dẫn của toàn cầu hóa; hoặc vì lợi ích thiển cận mà tìm cách phóng chiếu, áp đặt giá trị riêng của quốc gia này lên quốc gia khác; hoặc tự đánh mất mình… Đó là căn nguyên đẩy thế giới vào những chuyển dịch kinh tế - chính trị - xã hội đa dạng nhưng không kém phức tạp. Vì thế, phải chăng trước khi hoàn tất Thế giới phẳng (The world is flat), Thomas L. Friedman đã không tiếp cận (hay không muốn tiếp cận?) sự đan xen của các tham vọng, các giá trị, các xu hướng tinh thần? Phải chăng sự khảo sát từ “giới hạn trong các sân golf, nhà hàng năm sao, xe Limousine” đã chi phối đến mức hầu như Thomas L. Friedman không xem xét một cách toàn diện, cập nhật mọi biến chuyển, tình trạng của thế giới để xử lý trong quan hệ vừa bất biến, vừa khả biến?

Đó là những câu hỏi cần trả lời, và Chuyên luận của tác giả Nguyễn Hòa đăng nhiều kỳ trên báo Nhân Dân Điện tử được xem như một cách tiếp cận về một số vấn đề L. Friedman đã đặt ra, mong được bạn đọc tham khảo, trao đổi ý kiến.

1. Về internet - một trụ cột của “thế giới phẳng”

Hơn mười năm trước, nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Ngày ấy, với niềm hứng khởi trước thời khắc quan trọng của thời gian, kèm theo hy vọng về một tương lai tươi sáng, dường như nhân loại đã quên, hay ngỡ đã để lại sau lưng những vấn nạn của thế kỷ 20 - một thế kỷ có tính bước ngoặt nhưng lại mang chứa không ít đau thương và để lại vô số hệ lụy? Để rồi, khi tiếng chuông chưa hết ngân nga, khi hồi trống chưa hết rộn ràng, khi màn pháo hoa chưa tắt trên bầu trời thiên niên kỷ mới thì hình ảnh chiếc Boeing lao thẳng vào Tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới tại New York đã làm cho cả thế giới phải giật mình kinh sợ, rồi lập tức quay trở về với thực tại. Hoa Kỳ - đất nước tưởng là “phi chiến địa”, đã phải đối mặt với bạo lực tàn bạo từ bên ngoài!

Vì thế, sự kiện xảy ra ngày 11-9-2001 có ý nghĩa vừa như một sự cảnh tỉnh, vừa là dấu hiệu về vô vàn chuyển dịch kinh tế - chính trị - văn hóa - khoa học nhiều khi nằm ngoài dự đoán của các “nhà tương lai học”. Phải chăng sự kiện này đã chứng minh quan niệm của Thomas L. Friedman (Friedman) về “thế giới phẳng” là phi hiện thực? Câu hỏi được đặt ra vì nếu khảo sát một cách toàn diện sẽ thấy thế giới không “phẳng”. Nhưng từ khi cuốn sách Thế giới phẳng (The world is flat) xuất bản năm 2005, chưa rõ ảnh hưởng trên thế giới đạt tới mức độ nào, chỉ thấy tại Việt Nam, “thế giới phẳng” gần như đã trở thành câu cửa miệng, chữ đầu bút của nhiều người mỗi khi bàn chuyện thế sự, hoặc luận giải, phân tích sự kiện - hiện tượng nào đó ở trong nước và trên thế giới. Mật độ xuất hiện của khái niệm “thế giới phẳng” dày đặc đến mức đôi lúc không khỏi nghi ngờ nó như là một “mode tri thức”, mà người sử dụng có khi còn chưa đọc hết cuốn sách Thế giới phẳng để hiểu Friedman thực sự viết gì?

Nhìn vào 10 yếu tố làm “phẳng” thế giới được Friedman xác định, gồm: “1. Windows lên ngôi; 2. Mạng web xuất hiện; 3. Phần mềm xử lý công việc; 4. Tải lên mạng (up-loading); 5. Thuê làm bên ngoài (outsourcing); 6. Chuyển sản xuất ra nước ngoài (offshoring); 7. Chuỗi cung ứng (supply-chaining); 8. Thuê bên ngoài làm (insourcing); 9. Cung cấp thông tin (in-forming); 10. Các nhân tố xúc tác (tính chất số, di động, cá nhân và ảo)” sẽ thấy ở đó không có chỗ cho các yếu tố chính trị và văn hóa, mà thuần túy là các yếu tố thuộc về khoa học, công nghệ, hoạt động kinh doanh. Như thế, liệu có thể coi Friedman đã tiếp cận sự vận hành của thế giới một cách toàn diện?

Xét trên tổng thể, từ sự tiếp cận biện chứng, từ tính tất yếu của tiến trình lịch sử - xã hội, không thể định tính một xã hội hay toàn thế giới trong không gian - thời gian cụ thể nếu chỉ dựa trên những yếu tố kinh tế và khoa học, công nghệ. Đơn giản vì, tính chất của một xã hội hay toàn thế giới trong không gian - thời gian cụ thể là tổng hòa của nhiều yếu tố có quan hệ biện chứng; và từ vai trò mỗi lĩnh vực trong lịch sử nhân loại thì dù kinh tế và khoa học, công nghệ có quan trọng đến đâu vẫn không thể thay thế các yếu tố chính trị, văn hóa. Phải chăng mấy chục năm sau khi một bộ phận nhân loại vì hối hả chạy theo “quyết định luận kinh tế” một cách phiến diện nên phải nhận lấy vô số hệ lụy trong đời sống tinh thần, thì với khái niệm “thế giới phẳng” nhưng không xác định rõ nội hàm là gì, Friedman muốn nối dài sự phiến diện của người đi trước bằng “quyết định luận khoa học, công nghệ”? Nếu ai đó ngại đọc Thế giới phẳng, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận, có thể tìm hiểu góc nhìn phiến diện của Friedman qua trả lời phỏng vấn nhan đề Thomas Friedman - Vì sao thế giới phẳng? đăng trên trang web báo Tuổi Trẻ ngày 7-5-2014, trong đó các câu trả lời của ông hầu như không dính dánh tới các yếu tố ngoài kinh tế và khoa học, công nghệ, như: “Khoảng năm 2000, toàn cầu hóa 3.0 bắt đầu, khi thế giới từ nhỏ trở nên siêu nhỏ. Sự khác biệt là rất lớn khi giờ bạn có thể thực hiện các cuộc gọi đường dài cực rẻ qua internet và có thể đi loanh quanh ở Riyadh (Saudi Arabia) với một thiết bị thông minh, mọi ứng dụng Google trong túi”, “Netscape khiến internet trở nên gần gũi với các phần mềm trình duyệt. Họ khiến bà nội, bà ngoại, cháu chắt cũng dùng được internet. Thứ hai, Netscape thương mại hóa các giao thức truyền vận mở khiến không công ty nào có thể sở hữu internet. Thứ ba, Netscape khởi đầu cho bong bóng dotcom, dẫn tới việc đầu tư quá tay hàng nghìn tỷ USD vào các thiết bị cáp quang”, “Chúng là các yếu tố làm phẳng thế giới một cách đáng kinh ngạc. Để UPS (công ty chuyển phát nhanh của Mỹ) có thể hoạt động được, họ phải tạo ra các hệ thống với văn phòng hải quan trên toàn thế giới. Họ phải thiết kế các thuật toán chuỗi cung ứng để khi bạn đưa một bưu phẩm tới cửa hàng UPS, nó sẽ đi đúng đường tới điểm đến một cách hiệu quả nhất. Tôi coi những điều họ làm giống như việc lấy mỡ ra khỏi mọi khớp nối của hệ thống”, “Hai quốc gia bất kỳ là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu cho một hãng toàn cầu như Dell sẽ không đánh nhau chừng nào họ còn thuộc về chuỗi cung ứng đó. Khi tôi đang điều hành gian sau nhà bạn, đang làm nhân sự cho bạn, làm kế toán cho bạn chứ không chỉ bán hamburger, thì chúng ta đã ở chung giường. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới hành vi của tôi”…

Liên tục khám phá, sáng tạo để phát triển và phát triển không ngừng là thuộc tính của khoa học, công nghệ. Từ đó, khoa học, công nghệ cung cấp cho loài người phương tiện sinh tồn, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện sống, tạo điều kiện để tiếp tục khám phá, sáng tạo,… và trực tiếp tạo lập các nền văn minh ngày càng phát triển hơn, như A. Toffler phân loại thì đó là văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh tin học. Nhưng sự phát triển của loài người không chỉ dựa trên các thành tựu khoa học, công nghệ. Vì không thể bác bỏ sự thật là quan hệ giữa các tập đoàn người với tư liệu sản xuất, các giá trị giữ vai trò xác định tính văn hóa của nhân cách, thái độ sống, hành vi ứng xử, cách xử lý quan hệ xã hội,… không chỉ giữ vai trò quyết định sự phát triển mà còn tác động, chi phối việc con người sử dụng thành tựu khoa học, công nghệ như thế nào. Điều đó lý giải tại sao sau khi J. Watt (1736 - 1819) chế tạo ra động cơ hơi nước, thành tựu này vừa giúp đóng các chiếc tàu biển chở hàng hóa vượt đại dương, đồng thời cũng giúp đóng những chiếc tàu chiến để thực dân phương Tây tới châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin xâm chiếm thuộc địa. Tương tự với năng lượng hạt nhân, năng lượng này vừa có thể là nguồn cung cấp điện năng phục vụ cuộc sống, vừa có thể chế tạo vũ khí hạt nhân - loại vũ khí nếu sử dụng, sẽ là thảm họa tàn khốc đối với loài người. Và có lẽ không phải không có cơ sở khi có lời đồn đoán rằng, lý do làm A. Nobel ký chúc thư năm 1895 dành 94% tài sản thành lập các giải Nobel là vì trước đó, năm 1888, do nhầm lẫn nên công chúng ngỡ A. Nobel đã qua đời và trong cáo phó của một tờ báo của Pháp viết: “A. Nobel, người trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua”…

Do vai trò của con người, do hệ thống chuẩn mực văn hóa, do ảnh hưởng của các quan hệ xã hội (đặc biệt là quan hệ lợi ích),… nên không thể dựa trên sự phát triển của khoa học, công nghệ trong thời đoạn nhất định để định tính bối cảnh xã hội ở một quốc gia, hay toàn cầu. Trên thực tế tính tương đối là rất cao, bởi khó có thể bảo đảm sự chính xác mỗi khi khoa học, công nghệ đạt được thành tựu mới, thì để định tính xã hội và thế giới, người sử dụng khoa học, công nghệ để định tính lại phải hối hả “đuổi theo” tiếp tục khái quát và đánh giá. Có lẽ do “đuổi theo” như thế nên chỉ 15 năm sau khi kết luận “thế giới phẳng”, Friedman lại đi tới kết luận “Thế giới hiện đại không còn phẳng nữa và giờ là thế giới nhanh” như phát biểu của ông ngày 18-6-2015 tại Trụ sở LHQ (New York - Hoa Kỳ)? Để tìm hiểu về “thế giới nhanh”, trước hết nên tìm hiểu về “thế giới phẳng”, và cụ thể, trực tiếp nhất là tìm hiểu internet - nơi được Friedman khẳng định là kỷ nguyên kết nối mới với sự xuất hiện và sự phổ cập rộng rãi của mạng toàn cầu (world wide web) cùng sự ra đời của internet là một trong 10 yếu tố làm “phẳng” thế giới.

Ngày nay, nếu nhìn internet như một loại phương tiện, khó có thể phủ nhận khả năng kết nối, truyền bá hầu như không có giới hạn của nó; nhưng nếu nhìn từ tính chất, nội dung kết nối và truyền bá thì khó ai có thể bảo đảm đó là lĩnh vực đã và đang tồn tại như một hệ thống trật tự, lành mạnh, nơi trí tuệ nhân văn và lương tri con người được thể hiện hoàn hảo. Nói cách khác, “phẳng” trên internet không phải là thực tế hiển nhiên, khi mà chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng không còn là điều chỉ được cảnh báo. Chí ít thì một số vấn đề của internet đã đẩy tới sự ra đời Cục an ninh mạng ở Hoa Kỳ, Văn phòng An ninh mạng trực thuộc Văn phòng nội các Anh,... rồi ý kiến một số quan chức Hoa Kỳ về tấn công mạng cũng đưa lại bằng chứng cho thấy internet là không “phẳng”. Do đó, cần phải phân biệt sự khác nhau giữa tình trạng “phẳng” trên internet với tư cách là phương tiện, với nội dung không “phẳng” mà internet truyền tải. Vì, có thể coi là “phẳng” hay không khi tạp chí Diplomat tiết lộ cách thức Al-Qaeda sử dụng internet để tuyển mộ người cho Al-Qaeda: “Thật ngạc nhiên, internet đang đóng vai trò ngày càng tăng trong quá trình cực đoan hóa - đó là một “vườn ươm” dễ dàng tiếp cận chỉ cần qua vài cú nhấp chuột... Theo báo cáo của nhóm CTITF thuộc LHQ về sử dụng internet phục vụ các mục đích khủng bố, điều này được thực hiện qua việc truyền bá các thông điệp được đơn giản hóa về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị địa phương và quốc tế đầy phức tạp, thường là với giải pháp thẳng thắn, bạo lực. Hướng vào độc giả trẻ, thập niên qua đã chứng kiến sự gia tăng của chiến dịch tuyển mộ dựa trên ý tưởng “Jihadi Cool”, theo đó, những kẻ cực đoan sử dụng phương tiện truyền thông lấy cảm hứng từ văn hóa đại chúng, trong đó có nhạc rap, trò chơi video, truyện tranh khắc họa trào lưu chính thống Hồi giáo. Việc phát tán các đoạn video nhạc hip hop theo chủ đề cực đoan là một trong những lời kêu gọi kỳ cục nhưng phổ biến nhất. Thí dụ nổi bật về vấn đề này là video hip hop có tên là Kuffar bẩn thỉu của Sheikh Terra (Kuffar có nghĩa là kẻ vô thần), được tải về hàng triệu máy tính trên khắp thế giới, người tải về có thể được nghe những ca từ như: Hòa bình cho Hamas và Hezbollah - OBL đã kéo tôi như một ngôi sao sáng chói - Giống như cách chúng ta đã phá hủy chúng, hai tòa tháp ha ha... Các trò chơi video lấy cảm hứng từ Jihadi cũng rất được ưa thích. Thí dụ, một sản phẩm của những kẻ truyền bá cực đoan qua mạng có tên là Mặt trận truyền thông Hồi giáo toàn cầu, là một trò chơi bắn giết tự do gọi là “Đêm bắt giữ Bush”. Người tham gia trò chơi dấn mình vào cuộc thánh chiến của họ với mục đích tiêu diệt cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Tương tự như vậy, các trò chơi gây nhiều tranh cãi, gồm cả trò chơi do Hezbollah sản xuất có tên là “Lực lượng đặc nhiệm” yêu cầu người chơi phải chống lại một cuộc xâm lược... Khi một đoạn video nhạc rap hoặc bài phát biểu trên YouTube làm bùng lên quá trình cực đoan hóa - và một cá nhân xác định gắn bó với ý thức hệ theo trào lưu chính thống - các phương tiện truyền thông trên internet như diễn đàn, trang blog, và truyền thông xã hội khác sẽ được sử dụng thúc đẩy tư tưởng cực đoan của cá nhân này. Loại hình truyền thông đó giúp tăng cường đức tin của một cá nhân khi cho phép họ khai thác mạng ảo của cá nhân khác có tư tưởng tương tự trên toàn cầu. Và khi ai đó chìm đắm trong các trang mạng như vậy, các mạch thảo luận khác nhau sẽ hướng họ tới những nguồn tài liệu cuồng tín hơn. Thí dụ, nhiều bài đăng tải chỉ cho người sử dụng tới một trang web khác tên là Tawhed.ws. Đây là thư viện trực tuyến chứa các bài văn và bài phỏng vấn, bài thuyết giảng có chiều hướng cực đoan bằng cả tiếng Anh, tiếng Arab. Một bài viết nổi tiếng có tựa đề Tại sao chúng ta lại ghét chúng? lý giải tại sao người Hồi giáo phải chiến đấu chống lại các “tôn giáo vô bổ” khác. Qua việc tạo lập, phát triển và giám sát các trang web như vậy, những kẻ cực đoan có thể tạo dựng, thu được hút một cộng đồng toàn cầu, những kẻ có khả năng thành “người thánh chiến” với tư tưởng như chúng mong muốn. Chúng có thể gieo rắc quá trình cực đoan hóa một cá nhân nào đó bằng cách cung cấp các tài liệu cực đoan sâu hơn, thậm chí có thể tạo được quan hệ trực tuyến mà qua đó, chúng đưa ra lời tư vấn, khuyến khích trực tiếp trong việc thực hiện bạo lực... Vậy, các chính phủ phải làm gì để đối phó với tình trạng tuyển mộ trực tuyến như thế? Đến nay, họ vẫn chưa tìm ra được phương cách hữu hiệu. Nếu một trang mạng bị khóa trên một máy chủ này, nó sẽ lại xuất hiện qua một trang mạng khác. Với những khó khăn đó, quá khó để các chính phủ có thể đạt được tiến bộ trong việc giảm bớt thành viên Al-Qaeda mới “ra lò” từ internet”...

Tới khi xảy ra ba cuộc khủng bố ở Anh, Pháp, Mỹ trong nửa đầu năm 2013 thì chuyện càng trở nên phức tạp, như tác giả bài báo Tình báo tây phương đối diện với các hoạt động khủng bố đơn độc ngày 5-6-2013 viết: “Ba trường hợp Toulouse, Londres và Boston có sự giống nhau: các hung thủ đều từng ra khỏi nước mình cư trú để sinh hoạt trong các tổ chức hồi giáo cực đoan, được huấn luyện quân sự. Tsarnaev đã đi Daguestan, Michael Adebolajo đi Kenya còn Marah đã đi Pakistan. Các cơ quan an ninh của những nước liên hệ đều có hồ sơ những người này nhưng đã không bắt giữ tới khi họ làm các vụ khủng bố! Theo M. Trévidic, thẩm phán chuyên về khủng bố, các hung thủ không hẳn là những “con sói cô đơn” vì họ không bị tách rời khỏi một hạ tầng cơ sở. Ý kiến này cũng được Tổng trưởng Nội vụ Valls chia sẻ “hoạt động một mình không có nghĩa là cô đơn. Kiểu mẫu khủng bố này đã hình thành qua một chặng đường thông thường là dài, với các gặp gỡ, du hành ở nước ngoài, những trại huấn luyện, những quan hệ trên internet, qua những đền thờ (mosquées) với những người rao giảng cực đoan, qua những nhà tù”…

Có điều gì đó khôi hài khi ở Chương 12 sách Thế giới phẳng, Friedman dành nhiều chữ nghĩa đề cập “khủng bố Hồi giáo” song không chỉ ra được lý do chính trị - xã hội - tôn giáo đẩy tới xu hướng cực đoan, mà ông coi đó như là sản phẩm của internet, với các lập luận như: “tôi đã cố giải thích rằng bạn không thể hiểu được sự xuất hiện của al-Qaeda một cách cảm xúc và chính trị nếu không dẫn chiếu đến sự làm phẳng thế giới. Ở đây tôi muốn lập luận rằng bạn không thể hiểu được sự xuất hiện của al-Qaeda về kỹ thuật nếu không dẫn chiếu, vẫn vậy, đến sự làm phẳng thế giới. Nhìn chung toàn cầu hóa từng là bạn của al-Qaeda theo nghĩa nó giúp củng cố một sự hồi sinh của bản sắc, sự đoàn kết Hồi giáo, khi tín đồ Hồi giáo ở một nước có khả năng nhìn thấy, đồng cảm với cuộc chiến đấu của anh em cùng đạo ở một nước khác - nhờ internet, truyền hình vệ tinh. Đồng thời,… quá trình làm phẳng này đã làm tăng cảm giác tủi hổ ở một số khu vực trong thế giới Hồi giáo về sự thực rằng các nền văn minh mà một thời thế giới Hồi giáo cảm thấy mình cao hơn - Hindu, Do Thái, Thiên chúa giáo, Trung Quốc - giờ đều vượt lên trước nhiều nước Hồi giáo, và ai cũng thấy điều đó”. Ý kiến của Friedman chỉ có ý nghĩa khi chứng minh được internet là phương tiện phổ biến, hữu hiệu ở các nước Hồi giáo, nhất là ở Arab và châu Phi, nhưng ông không quan tâm tới thông số này. Và ông đề xuất một giải pháp có màu sắc không tưởng: “Thật hay khi có khả năng từ chối al-Qaeda và bè lũ truy nhập internet, song, than ôi, điều đó là không thể - mà không hủy hoại chính chúng ta. Chính vì vậy hạn chế khả năng của chúng là cần nhưng không đủ. Chúng ta cũng phải tìm một cách để biết được các ý định tồi tệ nhất của chúng. Nếu chúng ta không thể đóng cửa internet và tất cả các công cụ sáng tạo và cộng tác từng làm phẳng thế giới, và nếu chúng ta không thể hạn chế truy cập tới chúng, thì việc duy nhất chúng ta có thể làm là tìm cách ảnh hưởng đến trí tưởng tượng và ý định mà người dân đưa đến cho chúng, và rút ra từ chúng”!

Xem ra, các tiện ích internet đem lại đã giúp con người ở mọi miền trên thế giới ngày càng gần gũi nhau hơn, tri thức được phổ biến nhanh chóng và phong phú hơn, cá nhân có thể gửi gắm tâm sự hoặc phô diễn chính mình một cách công khai, trực tiếp hơn,… thì đồng thời cũng làm nảy sinh một số nguy cơ mới, có sức mạnh không kém gì tên lửa tầm xa. Nên ông R. Mueller, Giám đốc FBI - Hoa Kỳ, coi tấn công mạng có thể ảnh hưởng như “một quả bom được đặt đúng chỗ”. Và khó có thể coi việc Google rút khỏi thị trường Trung Hoa thuần túy chỉ là vấn đề kinh tế. Một bản tin trên RFA dẫn lời dân biểu Hoa Kỳ S. Levin: “Tôi hỗ trợ những điều mà các công ty Hoa Kỳ đang làm. Cần phải gây sức ép lên Trung Quốc, vì không dễ dàng gì để họ thay đổi. Họ nói về tự do thương mại, không thể có tự do thương mại khi họ không cho tự do trao đổi thông tin và vấn đề nằm ở đây”. Còn một tờ báo Trung Hoa thì viết: “Thật là lố bịch và kiêu ngạo cho một công ty Mỹ muốn tìm cách thay đổi luật pháp ở Trung Quốc. Đất nước này không cần một công ty làm chính trị như Google hoặc chính trị theo kiểu Google”. Phải chăng Google đã không chịu khuất phục áp lực chính trị từ hướng này, nhưng phải chấp nhận áp lực chính trị từ hướng khác? Phải chăng áp lực chính trị vẫn giữ vị trí ưu thắng, đủ sức làm Google phải đặt sang một bên lợi nhuận béo bở từ thị trường Trung Hoa? Sự việc giữa Google và Trung Hoa dường như không chỉ là quan hệ giữa một tập đoàn kinh tế với một nhà nước, vì ngay sau khi sự việc xảy ra đã có ý kiến cho rằng “chiến tranh thế giới lần thứ ba đang bùng nổ trên internet”. Và vào ngày 18-11-2010, BBC cho biết: “Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - R. Gates, cảnh báo các vụ tấn công trên không gian ảo tạo ra mối đe dọa to lớn trong tương lai, ông thúc giục phải nỗ lực chung nhiều hơn nữa, giữa quân đội Mỹ và các cơ quan dân sự. Các dân biểu tại Anh cũng được nghe về các nguy cơ tấn công trong không gian ảo. Trong các chứng cứ được trao cho Ủy ban khoa học và công nghệ, các chuyên gia nói rằng một cuộc tấn công có phối hợp trên không gian ảo, là hành động có khả năng gây tổn hại cho cơ sở hạ tầng chỉ có thể do một quốc gia thù nghịch thực hiện”. Còn Tiến sĩ T. Haye ở Viện công nghệ Microsoft thì nói: “Với vũ khí hạt nhân, người ta chỉ cần có plutonium, nhưng vũ khí trong không gian ảo chỉ là chuỗi các chữ số 1 và 0... Mối đe dọa là rất cao, có thể tác động cục bộ tới các cơ sở hạ tầng then chốt”.

Bằng chứng gần đây, liên quan đến tình trạng “không phẳng” của internet là sự - vụ về Wikileaks. Sau khi website này tiết lộ các tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thế giới đã trải qua một phen kinh hoàng. Để rồi, như là đặng chẳng đừng, Hoa Kỳ phải thực hiện một số động thái trấn an chính quyền một số quốc gia. Vào thời điểm được coi là nhạy cảm này, chính quyền Thụy Điển đã phát lệnh truy nã J. Assange - Tổng Biên tập Wikileaks, với tội danh quấy rối tình dục và cưỡng bức. Dường như việc đó hơi vội vàng, vì văn bản truy nã không đưa ra bất cứ điều luật cụ thể nào J. Assange vi phạm, nên phải nhanh chóng bổ sung phát lần hai (!?). Rồi rất nhiều sự kiện nữa xảy ra, nhiều hành động được tiến hành, nhiều tuyên bố được đưa ra... Như một bản tin trên BBC ngày 8-12-2010 cho hay: “Các công ty Mỹ cho Wikileaks thuê máy chủ đã nhanh chóng quay lưng lại. Wikileaks bắt đầu gặp vấn đề khi Amazon vốn cho trang này thuê các máy chủ đặt ở Mỹ, thu hồi dịch vụ với lý do trang vi phạm các quy định của công ty. Tiếp đó EveryDNS, công ty quản lý tên miền để địa chỉ của Wikileaks.org chuyển thành một địa chỉ IP, cũng ngưng làm việc với Wikileaks... Bộ trưởng kỹ nghệ Pháp, Eric Besson, thì kêu gọi các công ty máy chủ ở Pháp tẩy chay Wikileaks, sau khi một số để cho Wikileaks nương náu một hai tuần nay”. Bản tin trên đặt câu hỏi: “Làm sao trang có thể tránh được chiếc thòng lọng chính phủ Mỹ có vẻ quyết tâm giăng ra?”. Trên thực tế, không chỉ các nhà cung cấp hosting tại Hoa Kỳ cắt hợp đồng với Wikileaks, mà hệ thống dịch vụ liên quan cũng tham gia vào việc phong tỏa Wikileaks: ngân hàng Post Finance ở Thụy Sĩ đã đóng tài khoản của chủ Wikileaks, MasterCard và chuỗi các công ty có dịch vụ qua mạng ở Hoa Kỳ như Visa, Amazon, EveryDNS và PayPal cũng cắt đứt quan hệ với Wikileaks... Xâu chuỗi các sự kiện, liệu có thể đưa ra giả thuyết về một chiến dịch được triển khai để “bóp chết” Wikileaks?

(Còn nữa)

NGUYỄN HÒA

(Theo báo Nhân dân điện tử)