Thấy gì từ những sai phạm ở Thủ Thiêm

(Dân trí) - Sai phạm này điển hình cho việc thay đổi liên tục quy hoạch của một số dự án và làm “biến dạng” hẳn quy hoạch ban đầu. Dù rằng “biến dạng” mỗi nơi một kiểu, nhưng tác hại đến xã hội thì không thể đong đếm.


Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160 ha, nhưng UBND TP.HCM đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng với tổng diện tích khoảng 144,6 ha.

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160 ha, nhưng UBND TP.HCM đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng với tổng diện tích khoảng 144,6 ha.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, mọi việc đã dần sáng tỏ.

Kết luận thanh tra vừa được công bố đã lộ diện những góc khuất của Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, sau khi có Quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, TP.HCM đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến khu đô thị này bị “biến dạng”.

Trong Quyết định 367 năm 1996, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm (ĐTTT) 930 ha gồm: Khu đô thị mới 770 ha và Khu tái định cư (Khu TĐC) 160 ha nằm giáp ranh. Nhưng, thành phố lấy đất trong Khu TĐC 160 ha để giao cho hàng loạt doanh nghiệp làm 51 dự án, sau đó "thu lượm" đất ở nhiều nơi khác bù vào. Có nhiều nơi Khu TĐC cách khu đô thị mới đến 15 km.

Sau những động thái này của TP HCM, Thủ tướng có công văn hỏa tốc đề nghị thành phố thu hồi 160 ha đất tái định cư "phù hợp với Quyết định 367". Nhưng trên bảo dưới không nghe, công văn hỏa tốc của Thủ tướng không tác động gì đến chính quyền sở tại, mọi việc vẫn được tiến hành như không có gì xảy ra.

Và không chỉ vậy, sai phạm lại chồng tiếp sai phạm. Kết luận thanh tra chỉ rõ những sai phạm của lãnh đạo thành phố như: giao đất không qua đấu giá, giao đất không đúng với giấy phép kinh doanh; không đúng thẩm quyền; không có quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt; chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng. Các dự án này khi triển khai thì lấn sông, xây dựng công trình sai quy hoạch, vượt số tầng, tính toán tiền sử dụng đất sai...

Những sai phạm này cho thấy, chính quyền địa phương lúc đó đã bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng và coi thường quyền lợi người dân

Thậm chí, các lần điều chỉnh quy hoạch của UBND TP.HCM vào thời điểm 2005 và 2012 đã loại bỏ chức năng trung tâm hành chính (18 ha) mà trước đó Quyết định 367 của Thủ tướng đã xác định rõ; tăng chức năng đất ở lên hơn gấp 2 lần so với Quyết định 367...

Những sai phạm trên nổi rõ trong nội dung bao trùm: Thay đổi liên tục quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vậy vì sao họ dám thay đổi quy hoạch, thay đổi đó vì mục đích gì?

Câu hỏi này chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Về nội dung này, trao đổi với Dân trí, một cán bộ cấp vụ thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết, "Trước mắt, TP HCM phải xử lý cá nhân, tổ chức liên quan các sai phạm. Nếu hết thời gian quy định thành phố không có động thái gì, chúng tôi sẽ kiểm tra và ra kết luận sau thanh tra để báo cáo Thủ tướng có các bước xử lý tiếp theo."

Những vi phạm tại Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm cho thấy, nó điển hình cho các sai phạm khi triển khai các dự án bất động sản nói chung và dự án các khu đô thị nói riêng.

Những sai phạm này có hai đặc điểm bao trùm:

Một là, quy hoạch liên tục bị thay đổi. Điều đáng nói là, tất cả thay đổi theo hướng tăng mật độ xây dựng; quỹ đất công cộng biến thành chung cư. Ví dụ điển hình, Dự án Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội đã bị thay đổi quy hoạch: Quỹ đất công cộng 4 ha có vị trí đẹp ở đầu bán đảo Linh Đàm bị biến thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng. Thậm chí, Dự án Khu Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang triển khai cũng bị thay đổi quy hoạch với xu hướng tăng mật độ đất ở, thay đổi chức năng sử dụng, khiến dân nơi đây đang khởi kiện ra tòa án.

Hai là, cách giải quyết của các cơ quan chức năng chậm đến mức khó hiểu. Cũng như Thủ Thiêm, các đơn từ khiếu kiện của dân Hà Nội trong các khu này vẫn nằm trong vòng xoay tít mù.

Ngay như việc “xẻ thịt” bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng, đã có đơn từ tố cáo và công luận phản ánh từ rất lâu nhưng đâu vẫn nguyên đấy. Mãi đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiên quyết phải xử lý tất cả sai phạm, vụ việc này mới được xử lý đến nơi đến chốn.

Vậy đến khi nào những đối tượng gây ra những sai phạm ở Thủ Thiêm, ở bán đảo Linh Đàm mới bị đưa ra ánh sáng giống như ở Đà Nẵng?

Tất cả mong sớm làm rõ, càng sớm càng tốt – đó là điều dư luận mong mỏi.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm