Tham nhũng, lãng phí...: Muốn tháo gỡ đâu phải không “có cửa”
(Dân trí) - Những nghịch lý trong công tác cán bộ, tham nhũng vẫn gia tăng, tệ “hành là chính” vẫn dai dẳng đeo bám lĩnh vực hành chính công... là chủ đề “khổ lắm, nói mãi!” Nay như được khích lệ thêm từ sẻ chia của các đại biểu Quốc hội và cả Ngân hàng Thế giới.
Phát biểu của đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) về tình trạng cán bộ công chức (CBCC) “nhận lương giả vờ thì đi làm cũng vật vờ” dù không có gì mới bởi là chuyện ai cũng biết, nhưng nghịch lý đó được đưa lên diễn đàn Quốc hội có tác dụng khích lệ cử tri bởi... được lời như cởi tấm lòng. Lãng phí nguồn nhân lực – một tiềm năng được đánh giá cao của VN – dẫn tới nhiều hệ lụy khác:
“Vấn đề quản lý tổ chức bộ máy biên chế, CBCC viên chức của chúng ta trong thời gian dài vừa qua là hết sức lỏng lẻo. Do vậy để xảy ra nhiều vi phạm kỷ luật kỷ cương trong việc quản lý biên chế, tình trạng tuyển dụng bằng hình thức ký hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước tràn lan. Có những phòng ban của huyện mà số lao động ký hợp đồng nhiều hơn cả số biên chế chính thức, số hợp đồng đó chủ yếu là con cháu hoặc người thân quen của các vị có chức sắc cả. Trong khi đó theo quy định của Chính phủ thì chỉ một số công việc lao động giản đơn mới được ký hợp đồng lao động, nhưng hiện nay lao động hợp đồng được các bác vận dụng hết sức linh hoạt mọi công việc, ngạch bậc, mọi phòng ban. Cứ còn “các cháu nó chưa có việc làm” là sẽ có hợp đồng, mà tiền lương cho những người lao động này dứt khoát phải lấy trong miếng bánh ngân sách nhà nước để trả. Ngoài việc phình bộ máy hành chính như các vị ĐBQH đưa ra thì đây cũng là nguyên nhân gây lạm chi cho ngân sách nhà nước rất lớn. Số liệu hợp đồng lao động này cứ yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp là có ngay, rất chính xác, rất cụ thể ở từng cơ quan đơn vị với số lượng hợp đồng, tiền lương của từng người là bao nhiêu” – Thanh Thien: nguyendungxx@yahoo.com
“... Bộ máy càng phình to bao nhiều thì càng đẻ ra nhiều thủ tục phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau bấy nhiêu. Lãng phí tiền của để trả lương, lãng phí nhân lực. Các giới chức thử nhìn xem, có nghề gì ở đất nước chúng ta nhàn bằng nghề cán bộ không???” - Thuỷ: bvthuy39@gmail.com
“Chắc không có quốc gia nào như VN, đã nghèo lại nghèo thêm, dân cực khổ lại cực khổ hơn vì phải nuôi một bộ máy hết sức khủng: trên 100 thứ trưởng, còn bao nhiêu phó chủ tịch tỉnh ở các địa phương chưa nhắc tới... Ôi chao... Bộ máy khủng, nhận lương khủng, kèm theo các chế độ cao, hưởng thụ nhiều nhưng lại không làm được việc...!” - Lê Nam (Khánh Hòa): nam@yahoo.com
“Phương tiện, điều kiện làm việc, cơ sở hạ tầng tốt hơn rất nhiều. Hệ thống pháp luật chi tiết, cụ thể hơn... Vậy lẽ ra phải giảm bộ máy hành chính đi mới phải. Thế mà chỉ trong 10 năm, bộ máy hành chính nhà nước tăng gấp đôi. Thu ngân sách không đủ chi cho bộ máy hành chính. Thật là chua xót! Chương trình cải cách hành chính đã làm được những gì? Chắc chỉ được một nội dung duy nhất là hiện đại hóa hệ thống thông tin điện tử?” - Quoc Hieu: quochieu@gmail.com
Vòng kim cô trói buộc
Dân khổ vì bị CBCC “hành là chính” đã đành, các nhà doanh nghiệp (DN) muốn kiếm tiền chính đáng càng bị hành nhiều hơn bởi tâm lý “túm kẻ có tóc”. Đúng như kết quả 1 nghiên cứu về tham nhũng vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 31/10:
“Muốn cho công việc trôi chảy thì phải đưa hối lộ thôi. Còn nếu không muốn thì đi kiện họ, vụ kiện chắc chắc sẽ không đi đến đâu. Ngược lại công việc của mình sẽ bị trì hoãn mãi mãi, chưa nói là khi đi kiện thì... lại tiếp tục bị đòi hối lộ. Còn dù nếu có thành công thì họ cũng chỉ bị cảnh cáo hoặc kiểm điểm, cuối cùng công việc của ta... dậm chân tại chỗ. Chỉ là con kiến kiện củ khoai mà thôi... Tôi thấy đa số CBCC bây giờ suy thái đạo đức quá, nản!”- Nobody: duchan.tin2k6@gmail.com
“... Tôi cũng làm ở cơ quan nhà nước, thấy chủ yếu là “hành văn chính”. Trong cơ quan cũng có cảnh hành nhau, ví dụ: một văn bản chỉ bằng 1/2 tờ giấy A4 mà 5 -6 sếp (3 sếp phó phòng, 1 trưởng phòng, 1 phó giám đốc, giám đốc) sửa cả ngày không xong. Đây là căn bệnh giấy tờ nặng nề nhất trong khối nhà nước, sếp nào cũng cho mình là đúng. Chẳng trách gì các đơn vị cấp dưới và doanh nghiệp bị hành tới lui ít nhất 3 lần mới xong việc. Nói thật với các bác, tôi thấy kiểu làm việc chán thiệt. Hiện nay ngành “hành” nhất là Kho Bạc, làm cho nhiều đơn vị đi tới đi lui nhiều lần để thanh toán thu, chi ngân sách nhà nước. Bình quân 1 đơn vị hành chính sự nghiệp một năm có ít nhất 100 lần đến KBNN. Báo chí nên vi hành thử một đơn vị hành chính sự nghiệp thì biết ngay” - Nguyễn Ái Nhi: nguyenainhiqn@yahoo.com.vn
“Tôi rất thích và tin một nội dung đáng quý nhất trong bài trên, đó là: nhiều DN không đút lót cho tham nhũng lại làm ăn hiệu quả hơn. Đây chính là một LỐI THOÁT CÓ TRIỂN VỌNG cho chống tham những. Bởi vì: các DN không đút lót như vậy chắc chắn là họ có các sếp và nhân viên GIỎI, nắm chắc luật, chính sách và có đủ DŨNG KHÍ, PHƯƠNG PHÁP VÀ SỰ NHẤT TRÍ thể hiện ngay trước các cơ quan công quyền. Họ không sợ "lòng vòng - gạ tiền"...và sẵn sàng đối chất, tố cáo công khai trên công luận nếu công chức, giới chức làm sai trái, nhũng nhiễu... Cũng giống như chỉ những công chức nào vừa giỏi nổi tiếng của cơ quan, ban ngành vừa không sợ bị trù dập về CHỨC TƯỚC, về LƯƠNG, về CẤP NHÀ ĐẤT... mới dám đương đầu với tiêu cực và có phương pháp đúng đắn đấu tranh, kể cả sẵn sàng bị thiệt thòi tạm thời...thì các sếp sẽ không có hy vọng trù dập được! Theo tôi, nhân dịp có tư liệu quý về điều tra của WB, báo chí rất cần tìm hiểu kỹ và công khai tuyên dương các DN không đút lót mà vẫn làm ăn tốt cho nhiều DN khác học kinh nghiệm, thì mới dần dần có chút hy vọng giảm và đẩy lùi tham nhũng ở nước ta” - Nguyễn Đức Bách: bachnguyenduc@gmail.com
Vòng luẩn quẩn (kim cô) nào cũng có lối thoát, nhưng chính các CBCC và nhất là giới chức có muốn thoát ra hay không mới quan trọng.
Kiều Anh