“Lương giả vờ, làm vật vờ”
(Dân trí) - Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Nam phản ánh tình trạng công chức nhận lương giả vờ thì đi làm cũng vật vờ. Trong khi đó cứ mỗi luật ban hành lại phình thêm bộ máy và các điều kiện cho bộ máy làm tăng ngân sách, chi tiêu.
Do vây, đại biểu Nam đề nghị trong ban hành luật Quốc hội kỳ này và sắp tới cần cân nhắc trong việc xem xét không để phình ra một cách vô lý bộ máy cũng như là các điều kiện phải chi tiêu cho ngân sách nhiều hơn.
Đại biểu Lê Nam phản ánh việc trả lương cho công chức, viên chức thì giả vờ dẫn đến tình trạng làm vật vờ. Vì vậy, ông Nam thêm lo ngại cơ chế cắt giảm 10% kinh phí hành chính không giải quyết được điều gì quan trọng mà đời sống của cán bộ, nhân dân thêm khó khăn.
Đề cập tình trạng trên, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cũng nhận định bộ máy như hiện nay đang quá cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí cán bộ công chức, không kích thích người lao động thi đua, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng.
Đại biểu Út đưa dẫn chứng hiện nay không còn Bộ nào chỉ có 4 Thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra. Có Bộ có đến 9 Thứ trưởng, 4 Bộ có 7 Thứ trưởng, 9 Bộ có 6 Thứ trưởng, 7 Bộ có 5 Thứ trưởng. “Bộ máy như vậy sao không tăng chi ngân sách được. Đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc vừa tiết kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương. Chính phủ cần rà soát và xây dựng lại bộ máy”, đại biểu Út kiến nghị.
Ngoài ra, đại biểu Danh Út còn kiến nghị về cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan đơn vị nếu ai làm sai quy định phải xử lý kiên quyết, ai làm không được vị trí công việc thì kiên quyết thay đổi.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) nói chúng ta đang "vung tay quá trán" trong chi tiêu. “Sự nới rộng quá lớn bộ máy như đại biểu Danh Út có nêu, chúng ta "đẻ" ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi. Tôi đề nghị chúng ta không nên “vung tay quá trán” trong vấn đề xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm. Chúng ta phải nhận thức rằng việc chi cho việc xây dựng cơ quan, trụ sở, mua sắm thiết bị văn phòng bên trong, đó là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) chỉ ra địa chỉ có thể giảm chi được là mua sắm trụ sở, khởi công, khánh thành, kỷ niệm đoàn ra đặc biệt là biên chế bộ máy ngày càng phình ra không quản lý kiểm soát một cách có hiệu quả. Vì những vấn đề này phần lớn là thuộc về các cơ quan ra chính sách, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo.
“Chúng ta phải gương mẫu làm, chúng ta phải làm từ trên xuống dưới, chúng ta phải có địa chỉ rõ ràng và phải quy trách nhiệm rõ ràng. Nếu nói không hoặc nói như thời gian vừa qua tôi chắc chắn rằng tình trạng nó vẫn như thế và nó sẽ còn có thể tăng lên”, đại biểu Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.
Trong khi đó đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) nhận định, tình hình năm 2014 hết sức khó khăn nên Chính phủ phải hết sức cân nhắc trong việc ban hành chính sách làm tăng chi. Nếu không tính đến nguồn cân đối thì vô hình chung sẽ làm tăng nợ công và làm bị động trong quản lý điều hành ngân sách.
“Với điều kiện ngân sách nhà nước 2014 khó khăn, tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương phải triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết, chưa thật cấp bách như mua sắm ô tô, xây dựng trụ sở, tổ chức lễ hội, khởi công…” - đại biểu Bùi Đức Thụ kiến nghị.
Quang Phong