Tết Thầy - nét đẹp của người Việt
(Dân trí) - “Tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp trong đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Nét đẹp ấy được các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy. Vì thế dân gian ta thường nhắc nhở: “Mồng một tết Cha, Mồng hai tết Mẹ, Mồng ba tết Thầy”.
Ba ngày tết này là thiêng liêng nhất trong tâm tưởng truyền thống của người Việt và nguồn tình cảm mà người ta hướng đến trong dịp này là người Cha, người Mẹ và người Thầy. Người Thầy luôn song hành với những bậc sinh thành trong gia đình người Việt, “Không Thầy đố mày làm nên” - câu ngạn ngữ đó nói lên vai trò quan trọng của người Thầy trong đời sống xã hội.
Theo cố nhà nghiên cứu Hán nôm Lâm Giang: Quan niệm của người xưa, trong xã hội phương Đông, vận hành theo thuyết Khổng Tử - Mạnh Tử, ba tầng lớp “Quân, Sư, Phụ” (Vua Quan, Thầy và Cha) được xã hội đề cao, trân trọng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Suốt nghìn năm phong kiến, giáo dục Việt Nam vẫn được coi là nền giáo dục Nho giáo. Giá trị nhân bản tốt đẹp của nền giáo dục này thể hiện rất rõ ở tình nghĩa Thầy – Trò. Vì thế trong ba ngày Tết thiêng liêng không thể không nhắc đến việc thăm hỏi, chúc tết Thầy, mà người xưa gọi Tết Thầy.
Theo lệ, học trò thường đến nhà Thầy đem theo chút lễ vật. Chẳng phải mâm cao cỗ đầy gì mà chỉ là những thứ đơn sơ, cây nhà lá vườn như chục cam, thúng gạo, con gà hay phong trà, gói bánh… chủ yếu là lòng thành của học trò đối với Thầy. Đi Tết Thầy, nếu là học trò còn nhỏ thì có cha mẹ đi cùng, nếu đã trưởng thành thì đi một mình hoặc cùng đồng môn - tức là bạn cùng học ngày xưa với mình.
Khi đến nhà Thầy phải khăn áo chỉnh tề, nói năng nghiêm trang lễ phép. Thầy mời ngồi mới được ngồi. Thầy mời uống nước mới được uống… Nếu Thầy có sai bảo đi đun nước pha trà thì trò coi như đó là một vinh dự, một phần thưởng vì vẫn được Thầy coi mình là học trò cũ như ngày nào.
Cứ như vậy Tết Thầy trở thành nếp đẹp ăn sâu vào ý thức tiềm thức, từ học trò đến cha mẹ cứ âm thần theo dòng chảy thời gian tồn tại đến này nay...
Mặc dù có những nét quan niệm khác biệt giữa thời kỳ phong kiến với thời hiện đại, nhưng nói chung quan hệ Thầy - Trò là quan hệ tốt đẹp, truyền thống “tôn sư trọng đạo” hầu như vẫn được giữ nguyên thuần phong mỹ tục. Thầy vẫn ra Thầy, trò vẫn ra trò. Nếu trò có quên thì ông bà hay cha mẹ nhắc nhở, giúp đỡ trực tiếp để trò thực hiện bổn phận làm trò của mình.
Tuy nhiên những năm gần đây có lẽ do ảnh hưởng từ cơ chế thị trường nên đôi khi mỹ tục ấy lại bị biến tướng thành hủ tục, bị lợi dụng làm cho nó trở nên méo mó, chuyển sang một ý nghĩa khác, gây ảnh hưởng đến tình Thầy - Trò thiêng liêng đã bao đời.
Tết đến, người ta đi lo trả nợ nhau là chính, nhất là trả ơn riêng người nâng đỡ mình, trong đó có cấp trên... bằng nhiều cách, mà tiện nhất là phong bì, mỏng càng hay, vì đựng ngoại tệ. Với không ít người thành đạt dẫu có không ít điều kiện, thời gian, nhưng cũng xao lãng vô tình với thầy cô từng dạy dỗ mình, chỉ mải vui bè bạn, danh vọng, quyền lực …. làm phong tục Tết Thầy ở một số nơi bị mờ nhạt đi phần nào.
Tết đã về, trên khắp miền đất nước, các nếp sống đẹp lại có điều kiện phục hồi, phát triển. Nhắc lại một nét đẹp Tết Thầy xưa - một thuần phong mỹ tục của dân tộc, có lẽ cũng không phải là vô ích. Dù bận rộn với cuộc sống đến mấy, nên chăng chúng ta cũng hãy dành chút thời gian nghĩ về những công việc thầm lặng của các thầy cô giáo, để hiểu hơn về nghề cao quý và để gìn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo”- một nét đẹp đáng quý của dân tộc trong mỗi dịp Tết đến xuân về.