Bạn đọc viết
Tết thầy!
“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.”
Đó là câu lưu truyền trong dân gian, muốn nhắc nhở chúng ta về đạo lý làm người. Nhân ngày đầu xuân,, xin có đôi điều luận bàn về TẾT THẦY.
Trong số chúng ta , ai cũng đã từng có những người thầy. Dù không được đến trường học chữ thì những người đã dạy chúng ta nghề nghiệp, giúp chúng ta vào đời đều được tôn là bậc thầy. Có những người thầy đã từng dạy vua (như Danh sư Chu Văn An) nhưng vẫn giữ đúng lễ nghĩa vua tôi (khi dâng thất trảm sớ). Có những người tuy làm đến quyền cao chức trọng trong triều ( như quan hành khiển Phạm Sư Mạnh thời Trần) vẫn giữ đúng đạo thầy trò, hàng năm vẫn cùng anh em về vấn an thầy Chu. Và truyền thống tôn sư trọng đạo ấy không những được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày mà nhất là trong các dịp lễ tết càng được thể hiện rõ.
Ngaỳ xưa, cha ông ta quan niệm có ba người cần được kính trọng nhất trong tâm thức một con người biết đối nhân xử thế, đó là : vua, thầy học và cha mẹ. Vì thế, Tết là dịp để người ta nhớ ơn, tri ân những người đã có công nuôi dưỡng, sinh thành và dìu dắt ta trong bước đường đời. Đặc biệt, tri ân những người đã có công dìu dắt chúng ta trong học tập, trưởng thành trong nghề nghiệp, đó là những người thầy. Những ngưòi này có thể dạy ta những chữ cái đầu tiên, dạy cho ta biết “nhân chi sơ tính bản thiện”, dạy ta biết lễ nghĩa, lẽ sống, đạo lý làm người. Đó cũng có thể là những người đã dạy cho ta một nghề nào đó, giúp ta kiếm được miếng cơm manh áo trên bước đường mưu sinh, được ta coi là bậc thầy cuả mình. Vậy sau khi báo đáp, tri ân công lao của nội ngoại tổ tiên cha mẹ hai bên, ta thường nghĩ đến người thầy.
Tết thầy ngày xưa đơn giản về vật chất nhưng về tinh thần thì mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Có người làm ăn phát đạt hoặc đỗ đạt trong chốn quan trường, hoặc “ăn nên làm ra” trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó được người thầy truyền dạy, thì biếu thầy mâm xôi, gà trống thiến, lợn quay, lễ vật đủ loại cao lương mỹ vị. Có người chỉ dắt con cháu đến vấn an thầy, nhưng rất muốn thầy chỉ bảo cho điều hay lẽ phải, để đám con cháu biết đường ăn ý ở, mà đối xử sao cho khỏi lỗi đạo. Đó là Tết thầy của cá nhân. Còn một số làng nghề Tết thầy bằng cách tri ân tưởng nhớ người đã dạy dân làng một nghề truyền thống nào đó - là ông tổ của nghề ấy. Các làng nghề này mở hội và taí hiện lại một phần nào đó của nghề, mục đích muốn cho con cháu nhớ lại và lưu truyền một nghề để không bị mai một do tràn ngập hàng nhập ngoại và sự bung ra của cơ chế thị trường.
Ngày nay, Thầy được hiểu theo nghĩa rộng hơn: Ngoài việc thăm hỏi những người đã chỉ bảo dìu dắt dạy dỗ truyền đạt cho ta, đáng buồn là một số ít người còn lợi dụng Tết để trục lợi, hối lộ khéo léo bằng cách gửi quà “hậu hĩ” coi đó là những “bậc thang” để giúp người ta “leo cao”. Còn những người thầy (theo nghĩa đen) thì lại bị người ta dần quên lãng. Người viết bài này có chứng kiến một người học trò cũ “ăn nên làm ra” đã nói xấu sau lưng và tỏ vẻ khinh rẻ thầy giáo dạy mình từ hồi cấp 1, vì anh ta bây giờ có nhà lầu xe hơi, còn ông thầy già thì vẫn ở nhà cấp bốn, đi xe máy cũ; và cũng đã được nhìn thấy một cô giáo là giảng viên Đại học dắt con mình đến thăm một bà già đã từng là thầy dạy cô từ hồi “vỡ lòng”. Cảnh tượng thứ nhất khiến ta không khỏi suy nghĩ về lối sống thực dụng cuả một số kẻ vô ơn bạc nghĩa. Nhưng rất may hiện tượng tiêu cực kể trên chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” vốn dĩ ngon ngọt của bữa cơm đạo lý. Và nét đẹp thứ hai (vừa dẫn) đang ngày một phổ biến, trở thành một truyền thống đạo lý tốt đẹp nhân hậu của người Việt chúng ta. Thời buổi công nghiệp, người ta vẫn có thể nhớ đến thầy bằng cách gửi một tin nhắn, gọi điện chúc Tết hoặc nhờ dịch vụ Điện hoa của Bưu Điện chuyển giúp một bó hoa kèm theo lời chúc chân thành - nếu làm ăn hoặc công tác nơi xa, không trực tiếp đến vấn an thăm hỏi người thầy cũ. Ta vẫn thấy trên đường phố, hàng triệu học trò đi thăm hỏi các thầy cô giáo nhân dịp 20/11 mà trên tay chỉ là những bó hoa, những tấm bưu thiếp, và mang theo lời chúc tốt đẹp nhất. Ta cũng vẫn thấy hàng năm nhân dịp Tết đến xuân về, các học trò tổ chức gặp mặt đầu xuân và không quên đón các thầy cô đã từng dạy mình từ mấy chục năm về trước cùng đến dự để ghi nhớ công lao, để được nghe thầy nói chuyện, và để hồi tưởng lại tuổi học trò một thời cắp sách của mình.
Nhân ngày đầu xuân, bàn chuyện Tết thầy sẽ có rất nhiều ý kiến, song chúng ta rất mừng vì thế hệ trẻ ngày nay đã phát huy được truyền thống tốt đẹp ấy và có những hành xử đẹp thể hiện tính nhân văn. Sẽ không bao giờ chúng ta quên câu hát của nhạc sĩ Trần Đức: “Bài học làm người em vẫn nhớ ghi: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.
Nguyễn Thị Diệp