Tết này, con không về!

Những giáo viên miền xuôi tình nguyện về những bản làng xa xôi, nơi biên giới, hải đảo để đem con chữ đến với con em vùng khó đã phải hy sinh nhiều thứ, kể cả những cái Tết đoàn viên bên gia đình.

Cũng như nhiều năm trước, Tết này sẽ có nhiều giáo viên không về bởi nhiều lý do khác nhau. Phần vì đường sá xa xôi, lại khó khăn, phần vì lo học sinh bỏ học sau Tết… Họ tình nguyện ở lại ăn Tết cùng người dân bản địa và chỉ còn biết chúc mừng người thân qua điện thoại.

Điểm tựa từ những điều giản dị

Tết này, cô có về quê không? -  Tôi hỏi. - "Không đâu em…!". Câu trả lời khá nhẹ nhàng nhưng thoáng chút buồn. Đôi mắt cô đã đỏ hoe lúc nào không hay. 

Câu chuyện giữa tôi và cô giáo Dương Thị Mỹ Hằng - giáo viên Trường Tiểu học Dương Đông 3 (Phú Quốc, Kiên Giang) được bắt đầu như thế. 

Tôi không dám hỏi thêm vì sợ cô buồn hơn. Nhưng tôi biết, trong 23 năm tình nguyện ra huyện đảo Phú Quốc dạy học thì có ít nhất hơn 10 cái Tết cô Hằng không về nhà sum vầy với gia đình. 

Cô Hằng tâm sự: "Tết đến ai cũng muốn về bên gia đình, người thân. Tôi cũng vậy. Thế nhưng nghĩ đến người mẹ già tần tảo sớm hôm với đứa em út đau bệnh liên miên; Nhà nước thì không trợ cấp chế độ đi phép cho giáo viên vùng thị trấn của huyện đảo; Đường sá về quê xa xôi tốn nhiều kinh phí… 

Vậy phần kinh phí đi về đó gửi về cho mẹ xoay sở trong những ngày Tết, lo cho em chữa bệnh có phải hơn không, mà mình cũng thấy hạnh phúc. Thế nên tôi vừa viết thư để mẹ biết Tết này con không về, mẹ đỡ mong".

Cô giáo Dương Thị Mỹ Hằng - Người tình nguyện ra huyện đảo Phú Quốc dạy học.
Cô giáo Dương Thị Mỹ Hằng - người tình nguyện ra huyện đảo Phú Quốc dạy học.

Qua lời kể của cô Hằng, chúng tôi được biết, Tết ở đảo không ồn ào, náo nhiệt như ở đất liền, điện, nước ngọt thì thiếu thốn, các khu vui chơi, giải trí cũng chẳng có nhiều, nhưng bù lại là sự ấm áp của tình người. 

Cô Hằng bộc bạch: "Biết tôi ở lại nên mấy ngày Tết, bà con lối xóm thường đến nhà chơi. Đặc biệt là các thế hệ học trò - Chúng đến và gửi rất nhiều lời chúc tốt đẹp cho gia đình tôi. 

Thế đấy! Tết của những giáo viên như chúng tôi là vậy. Quà tặng đơn giản chỉ là những lời chúc vẫn còn vụng về của phụ huynh và các em học sinh nhưng lại rất đỗi chân thành và đáng trân trọng. 

Đó là tình cảm không gì có thể sánh được. Và chính những điều giản dị thân thương ấy đã là điểm tựa giúp tôi vượt qua khó khăn và vươn lên trong công tác cũng như trong cuộc sống".

Thầy, cô… "đi Tết" học trò

"Một mùa xuân nữa lại về trên rẻo cao xã Nậm Cần, nghĩa là một cái Tết Nguyên đán lại đến. Mẹ ơi! Tết này con lại không về với mẹ! Những ngày này chúng con đang tất bật "đi Tết" cho những học trò thân yêu của mình…". 

Đó là những dòng nhật ký của cô Phạm Thị Xuân - giáo viên Trường Tiểu học Nậm Cần (Tân Uyên, Lai Châu) mà vô tình chúng tôi đọc được.

Cô Phạm Thị Xuân và các em học sinh trong giờ học tiếng Việt.
Cô Phạm Thị Xuân và các em học sinh trong giờ học tiếng Việt.

Từ miền quê Thanh Hóa, cô Xuân đã tình nguyện lên vùng khó để cắm bản, dạy chữ cho học sinh dân tộc nơi đây. 

Điều khiến chúng tôi khá ngạc nhiên khi cô kể về chuyện giáo viên đi chúc Tết học sinh của mình. Câu chuyện nghe lạ mà trở thành một lẽ thường tình với thầy cô nơi những bản xa xôi, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. 

Cô Xuân thổ lộ: Đó cũng là một cách dân vận để níu chân học sinh sau Tết. Quà Tết cho các em đơn giản lắm nhưng lại vô cùng ý nghĩa. 

Đó có thể chỉ là đôi tất chân, đôi găng tay hoặc là một chiếc khăn len, mũ len… nhưng kết quả thu được lại lớn hơn thế rất nhiều. Đó là tình thầy trò thêm gắn kết, các em thêm yêu trường, yêu lớp và tin yêu thầy, cô để đi học đầy đủ.

Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xa điểm trường, những giáo viên ở lại như cô Xuân sẽ đến tận nhà phụ huynh học sinh để chúc Tết, ăn vài chiếc bánh, uống vài chén rượu với gia đình, sau rồi tặng quà cho các em và tất nhiên là không quên lời dặn dò: "Ăn Tết xong nhớ chăm chỉ đi học đầy đủ em nhé".

Ăn Tết "3 cùng" với bà con

Cũng như những năm trước, Tết này có nhiều giáo viên huyện Yên Minh (Hà Giang) tình nguyện ở lại với bản làng, với các em học sinh dân tộc. 

Trong số đó có thầy Đào Trọng Thạch - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Hồ. Anh Thạch quê Phú Thọ - người đã tình nguyện đến với bản làng xa xôi này được hơn 10 năm.

Vừa đỗ xe máy, anh Thạch đã "tay xách, nách mang" mấy túi đồ vào nhà. Thì ra đó là những thực phẩm dự trữ cho mấy ngày Tết. Anh cho biết: "Ở đây đi chợ khó hơn ở dưới xuôi nên anh em phải dự trữ thực phẩm cho mấy ngày Tết. 

Thú thật, những ngày này nhìn anh em đồng nghiệp háo hức xe cộ, đồ đạc, về quê lòng cũng thấy bồn chồn, cảm xúc buồn, vui lẫn lộn. Cũng may, có hai, ba gia đình dưới xuôi cùng đồng nghiệp ở lại ăn Tết nên đỡ buồn hơn".

Thầy giáo Đào Trọng Thạch.
Thầy giáo Đào Trọng Thạch.

Theo anh Thạch, những giáo viên ở lại ăn Tết thường kiêm nhiệm luôn công tác dân vận. Đến nhà phụ huynh chúc Tết, tiện thể làm công tác tư tưởng, vận động tuyên truyền học sinh không bỏ học sau Tết. 

"Nói thì dễ, nhưng thực ra đây lại là một công việc khó, bởi nhận thức về sự học của người dân nơi đây vẫn còn hạn chế. Kinh nghiệm của tôi khi đến nhà phụ huynh chúc Tết là thực hiện theo phương châm "3 cùng" (ăn cùng, uống cùng và chơi cùng), từ đó lồng ghép để vận động phụ huynh cho con em họ đi học. Phương pháp này được tôi áp dụng khá là hiệu quả từ những Tết trước.

Ngày Tết của những giáo viên cắm bản như chúng tôi là thế, vui xuân mới nhưng vẫn không quên nhiệm vụ". 

"Chưa bao giờ chúng tôi thấy chùn bước trước những khó khăn, vất vả. Đến với các em học sinh dân tộc, đến với các bản làng xa xôi là chúng tôi chấp nhận cuộc sống xa nhà và thiếu thốn. Sau Tết chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình vào các bản làng để vận động học sinh đến trường sau kỳ nghỉ dài để tìm con chữ" - Thầy giáo Đào Trọng Thạch

 

Theo GD&TĐ