Bạn đọc viết:
“Tâm thư” gởi những người Việt XX (xấu xí)
Sự thẳng thắn đến chát đắng trong nhận xét từ một bạn du học sinh Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam, đã khiến cho cư dân mạng xôn xao suốt những ngày qua.
Trước sự kiện chuyến bay “mất tích” của hãng hàng không quốc gia Malaysia, một thân nhân người Trung Quốc đã bày tỏ cảm xúc: “Chúng tôi không tin tưởng người Việt Nam”.
Bản thân là một du học sinh Việt Nam, tôi may mắn có điều kiện học hỏi và du lịch ở vài quốc gia châu Á. Buồn nhất là mỗi khi nghe bạn bè nước ngoài than phiền “Việt Nam đang trở thành một tính từ…”. Nếu đó là tính từ có liên quan đến văn hóa, tôi xin phép để nó trong hoặc kép.
1. “Văn hóa dìm hàng”
Tôi có nghe một câu như thế này, văn hóa phương Tây thiên về khuyến khích, còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích. Hầu hết các bạn trẻ trên Facebook (mà một số người trưởng thành thường gọi là “trẻ trâu” - những người thích ngồi rình để chỉ trích những người nổi tiếng; thói GATO (Ghen ăn tức ở), vạch lá tìm sâu của những bạn trẻ trên Facebook), cũng góp phần làm xấu hình ảnh người dân Việt Nam.
Với chuyện ồn ào về MC quyến rũ của kênh Maxxi TV, Peaw Sumaporn Wandee đã vô cùng tức giận khi Facebook tràn ngập bình luận “kém văn minh & dung tục” đến từ người Việt. Từ ảnh chụp nghiêm túc của Bill Gates về cây cột điện chằng chịt dây nhợ đã đổi lại những lời phản hồi phản cảm, nhảm nhí. Các bạn trẻ xúm lại cùng nhau ném đá “cha đẻ của Microsoft” để thể hiện kiểu “Ai Việt Nam thì like”….Sự xúc phạm đối với một cá nhân hay “dìm hàng” ai đó nổi tiếng đang trở thành một thú vui “chém gió - gõ phím” của một thế hệ @ tiêu cực!
2. “Văn hóa vô tư”
Hành vi khạc nhổ ngoài đường, nói chuyện thô lỗ to tiếng chỗ đông người, “tưới cây” giữa đường, đổ rác bừa bãi…đã tạo ra một sự “vô tư” không hề nhỏ. Trong lối sống, sinh hoạt cộng đồng “vô tư” đến mức vô cảm của một bộ phận người Việt đã khiến không ít người nước ngoài đến đất nước hình chữ S phải… chào thua.
Một người bạn của tôi có dịp thăm Hà Nội đúng thời điểm Thủ đô mừng “1000 năm Thăng Long” đã kể rằng: “... Cảnh tượng ngổn ngang rác là rác sau đêm đó ở khu hồ Gươm, bạn sẽ không thể hình dung nổi đâu...”
Cách đây nhiều năm, tôi từng đề nghị chị phóng viên quen làm phóng sự về hành vi khạc nhổ bừa bãi. Một lần tôi chứng kiến một chú đi xe Dylan đỏ trông rất sang trọng đã … khạc đờm “hồn nhiên” khi phóng xe vượt qua, rất may tôi không “dính chưởng”. Sau đó không lâu, tôi nghe đâu đó chuyện về một anh chàng ngoại quốc đang tính chuyện lập nghiệp, nhưng cuối cùng đã quyết định rồi khỏi Việt Nam ngay lập tức. Có lẽ anh ấy đã không may mắn như tôi lần đó chăng?
3. “Văn hóa đua-tranh”
Đua đòi và tranh giành ở một mặt nào đó là tiêu cực rất điển hình ở nhiều người Việt. Thói đua đòi thể hiện sự sang trọng bởi món hàng đắt đỏ vượt quá sức mình.
Một anh Bồ Đào Nha tôi quen đã có lần gợi hỏi: “Tại sao nhìn đâu cũng thấy người Việt xài iPhone, có phải vì mức thu nhập của họ khá cao hay không?” Thực tế, với mức thu nhập những người mà tôi biết, có khi họ phải dùng hết 2-3 tháng lương để sở hữu thiết bị di động của Apple.
Còn chuyện tranh giành dễ dàng tìm thấy trong một quốc gia chỉ mới manh nha văn hóa xếp hàng. Không thể đếm xuể các hình ảnh trên đường phố trong những giờ cao điểm; những vị trí ách tắc giao thông; thanh toán ở các siêu thị, cửa hàng; bến xe, bến tàu; chờ làm các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh ở bệnh viện và nộp hồ sơ vào trường học cho con.
Nhưng được xếp hàng kinh điển nhất là vụ cư dân mạng bức xúc với sự hăm hở quá sức của các bạn trẻ, đã khiến cho giao thông tắc nghẽn chỉ vì “tranh” một suất sushi miễn phí tại một cửa hàng ở Hà Nội. Đúng là hành động “hy sinh hết mình vì miếng ăn”, dù ông bà ta vẫn dạy rằng “miếng ăn là miếng tồi tàn” :opp
4. “Văn hóa đắc lợi”
Tôi vừa đọc được một thống kê liên quan đến 3.200 người nước ngoài bị bắt vì phạm tội tại Nhật, mà phần lớn là ăn cắp vặt và móc túi. Trong đó có tới 40% vụ do người Việt gây ra. Một du học sinh Việt Nam đã chia sẻ hình ảnh trên Facebook về biển cảnh báo hành vi ăn cắp vặt được viết bằng tiếng Việt, ở dưới là dòng chữ dịch sang tiếng Nhật. Cảnh báo đó được dán trong siêu thị tại thành phố Saitama đông đúc dân cư. Những tấm biển cấm như thế viết bằng tiếng Việt cũng không thiếu ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore trong các nhà hàng buffet.
“Chủ nghĩa đắc lợi” đó hiển thị rõ ràng nhất trong “hiện tượng hôi bia” năm ngoái. Hôi của trên đường có điểm chung là mỗi khi xảy ra tai nạn, thay vì giúp nạn nhân, có những bộ phận người Việt vô tâm chen lấn, xô đẩy, giành miếng đánh rơi. Đó chẳng khác nào cảnh tượng “giật cô hồn tháng 7”!
5. “Văn hóa kỷ lục”
Google Trend, thống kê về thói quen tìm kiếm trong năm 2013 cho thấy, câu lệnh tìm kiếm “sex” nhiều nhất trên thế giới xuất phát từ máy tính có địa chỉ IP Việt Nam.
“Ngốn” 3 tỷ lít bia mỗi năm bất chấp kinh tế suy thoái, GDP giảm, ngành bia vẫn tăng trưởng vèo vèo. Người Việt đang nằm trong top 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới!
Theo thống kê bình quân, mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo (chiếm 20% trong tổng số ca nạo phá thai), cao nhất so với các nước Đông Nam Á và thứ 5 thế giới. Chắc có lẽ không đâu như Việt Nam, những biển bản quảng cáo nạo phá thai treo đầy ắp trên phố như một loại hình "dịch vụ phổ thông" (!?)
Do Thi Hong Loan