Bạn đọc viết:

Tâm sự của Tiền Lẻ

(Dân trí) - Trong nền kinh tế chung, gia đình Tiền chúng tôi rất tự hào là một thành viên chủ yếu góp phần làm cho nền kinh tế ổn định. Dù tiền có mệnh giá bao nhiêu thì đều có in hình quốc huy và hàng chữ Ngân hàng Nhà nước VN rất trang trọng.

(minh họa, nguồn: SGTT)
(minh họa, nguồn: SGTT)

 

Đó là niềm kiêu hãnh của dòng họ Tiền.

 

Điểm qua các thứ bậc trong dòng họ: Đứng đầu là anh Cả 500.000. Tiếp theo là anh Hai 200.000, chị Ba 100.000đ… Các anh chị Tiền Chẵn bao giờ cũng ngồi ở chiếu trên, chuyên thực hiện các giao dịch lớn. Cùng với chi trên, các anh chị thường thường bậc trung với mệnh giá 50.000, 20.000 và 10.000 được lưu thông thường xuyên trên thị trường.

 

Chỉ có cánh chi dưới trong dòng họ chúng tôi (gồm loại 5.000, 2.000, 1.000 và 500, 200, 100) - được gọi bằng một cái tên chung Tiền Lẻ - là luôn chịu thiệt thòi vì chẳng mấy khi được làm đúng chức năng của đồng tiền. Có chăng chỉ là những giao dịch rất nhỏ chủ yếu là của trẻ em và... những việc của người lớn thì chẳng liên quan gì đến chức năng của tiền. Đó là dùng làm lễ vật trong các dịp đi chùa, đền, hội hè...

 

Công bằng mà nói, đã từng có một thời Tiền Lẻ chúng tôi được lên ngôi. Người ta thực hiện mọi giao dịch đều bằng loại tiền mệnh giá thấp (thậm chí cả tiền xu, tiền hào, tiền đồng). Thời ấy có câu ví “tiền lẻ hơn thẻ thương binh” là để chỉ cái sự cần thiết của Tiền Lẻ trong mọi giao dịch hàng ngày. Nhưng tiếc rằng thời ấy đã qua rồi.

 

Ngày nay càng nghĩ càng ấm ức, bởi chức năng của dòng họ Tiền là thực hiện mọi giao dịch mua bán thương mại kinh doanh. Thế nhưng cánh Tiền Lẻ chúng tôi lại thường được dùng để thực hiện một nhiệm vụ chẳng ăn nhập gì với chức năng vốn có - đó là làm lễ vật tại các đình chùa, lễ hội. Mà chức năng đó vốn dĩ là của các hiện vật như xôi gà, hoa quả, bánh trái…được người ta mang đi lễ, trước cúng sau ăn, tiện thể nhiều bề vì ngày xưa không có nhiều hàng quán như bây giờ. Sau này “phú quý sinh lễ nghĩa” người đi lễ ngày một nhiều, cầu xin cũng lắm. Lại thêm hàng quán mọc lên như nấm sau mưa, họ đi lễ chủ yếu theo “tua” một ngày nhiều nơi, nếu mang lễ bằng hiện vật rất cồng kềnh. Vậy là “cứ đặt tiền lễ cho tiện”.

 

Nhưng ở các lễ hội bây giờ chỗ nào cũng có rất nhiều ban thờ (chẳng hiểu sao lại nhiều thế???) Người đi lễ không phân biệt được nên đặt lễ những đâu, thôi thì… cứ rải đều. Chỗ nào có bát hương là cắm hương và đặt tiền. Thậm chí nhiều  người còn cài cả tiền vào tay tượng Phật, nhét tiền vào các quả chuông, gốc cây đã cắm sẵn hương ở đó (như hình thức hối lộ)….

 

Khổ nỗi tiền to thì không lấy đâu cho đủ, đặt lễ chỗ này, chỗ khác không có lại “lăn tăn”. Vì thế người ta chọn Tiền Lẻ để “chia” cho dễ. Thậm chí có người còn chấp nhận đổi “mười ăn tám”. Thế là Tiền Lẻ chúng tôi lại được “quay vòng” từ ban thờ ra chỗ đổi tiền chỉ trong nháy mắt. Giá trị của chúng tôi vẫn không đổi, nhưng lợi nhuận chênh lệch của nhiều lần quay vòng ấy thì đã chui vào túi của những người làm... dịch vụ đổi tiền.

 

Thậm chí nghe nói vì những khoản lợi nhuận không hề nhỏ từ dịch vụ đổi tiền “mười ăn tám” đó, có những nhân viên ngân hàng đã tích góp tiền lẻ, tiền mới vào dịp Tết, lễ hội để đem ra ngoài đổi ăn chênh lệch. Việc tích trữ này làm đọng một số vốn không nhỏ của nhiều ngân hàng.

 

Thế nên, dù chẳng muốn, Tiền Lẻ chúng tôi vẫn phải nằm nghiễm nhiên trên các ban thờ. Họ còn nhét Tiền Lẻ chúng tôi vào tay tượng Phật. Thậm chí Tiền Lẻ tôi còn bị rắc xuống giếng trong các khu di tích… Do lượng người đi lễ quá đông, tiền nhét không hết, gió tung bay vương vãi khắp nơi. Có nhiều “chị em” trong gia đình Tiền Lẻ chúng tôi thậm chí còn bị dẫm lên, nhếch nhác, bẩn thỉu, mất mỹ quan và lãng phí, thất thoát không nhỏ.
 
Có những lễ hội người ta tổng kết tiền “giọt dầu” được đến …6 tỉ. Một số tiền không nhỏ nằm 1 chỗ mà đáng lẽ ra đó phải là chỗ của những đồng tiền mã, thì nay lại là tiền thật. Nếu số tiền khổng lồ ấy mà đem quay vòng hợp lý trong nền kinh tế, hẳn nhiên nguồn vốn của các ngân hàng sẽ được dồi dào hơn. Một nền kinh tế sẽ “sạch” bởi đồng tiền được sử dụng có ý nghĩa.

 

Họ Tiền chúng tôi được sinh ra là để thực hiện các giao dịch về kinh tế, mua bán trên thị trường chứ đâu muốn sinh ra để nằm sai chỗ như vậy???  Chúng tôi cũng muốn đem sức mình ra góp phần xây dựng nền kinh tế của đất nước, chứ đâu muốn nằm yên một chỗ??? Dù Tiền Lẻ hay Tiền Chẵn, họ hàng chúng tôi vẫn muốn được trả về nguyên giá trị của Mình. Và muốn trả vị trí nơi bàn thờ lễ đó cho các lễ vật, có chăng là thêm những đồng tiền vàng mã có tính chất tâm linh.
 
Nếu đi lễ mà có thực tâm, hãy bỏ chúng tôi vào các hòm công đức, để nhà chùa nhà đền gom vào xây dựng tu sửa thêm cho khu di tích, có lẽ sẽ hay và ý nghĩa hơn.

 

Đầu năm và vẫn đang trong mùa lễ hội, hy vọng lời khẩn cầu này của họ Tiền sẽ được quý khách thập phương khi đã phát tâm đi lễ chùa đền miếu mạo và tới các lễ hội thấu cho. Được như thế thì phúc đức cho họ hàng nhà Tiền chúng tôi lắm thay!!!

 

Nguyễn Thị Diệp