Sử dụng rượu, bia, ma túy khi lái xe bị xử lý như thế nào?
Gần đây liên tục xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc do tài xế sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích thích khi lái xe gây ra. Hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào dưới góc độ pháp lý?
Hậu quả cụ thể của việc sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích khi lái xe là mất kiểm soát phương tiện rồi tông vào phương tiện khác, tông đám đông, người đi đường, người dừng đèn đỏ, hoặc xe tự gây tai nạn, đâm xe xuống vực. Đó là những hình ảnh hãi hùng, tang thương khiến dư luận bàng hoàng mà không ai muốn nghĩ đến. Nhưng để ý về nguyên nhân ngọn nguồn, đa số các sự việc đều liên quan đến rượu bia, ma túy, chất kích thích…
1. Bàn về hình phạt dành cho những hành vi sử dụng ma túy khi lái xe, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích:
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua thực trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm soát triệt để, hệ quả là nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy nên đã không làm chủ được tốc độ, tay lái. Không hiếm những trường hợp các lái xe, nhất là lái xe đường dài sử dụng chất ma túy, kích thích thần kinh để giữ tỉnh táo làm việc xuyên ngày đêm không cần ngủ.
Việc các lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi bị cấm, được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật này thì nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
Nếu bị phát hiện hành vi sử dụng chất ma túy, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 11 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe).
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Căn cứ khoản 11 điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, trong trường hợp này người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy thì sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe).
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng.
Căn cứ khoản 8 Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) khi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
2. Về vấn đề sử dụng rượu bia khi lái xe gây tai nạn, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam, Đoàn luật sư Hà Nội có quan điểm:
Như tôi được biết, hiện nay có 65-70% người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) có vi phạm nồng độ cồn". Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh thành cách đây ít năm cũng cho thấy, tỉ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40% - một tỉ lệ khá cao.
Luật sư Khương Tân Phương. Ảnh: TN
Tại khoản 1 điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau: người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc các trường hợp:
- Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho hai người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... thì phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Khoản 2 điều 260 này cũng quy định trường hợp có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết luận của cơ quan điều tra cùng với thẩm vấn tại phiên tòa để biết sự việc xảy ra ra sao, diễn biến như thế nào, tình tiết thu thập được trong quá trình điều tra tại cơ quan điều tra để có mức xử phạt cho phù hợp.
Thậm chí, lái xe uống rượu gây tai nạn có thể bị ngồi tù. Cụ thể, phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn… thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Nhìn nhận vào thực tế, chúng ta có thể thấy các quy định về hành vi vi phạm trong luật hiện nay chưa đủ nghiêm, có những quy định hành vi vi phạm nhưng không kiểm soát được. Điển hình như tính trạng tài xế lái xe đường dài, luật quy định thời gian lái xe nhưng thực tiễn không kiểm soát được để xử phạt dẫn đến họ sử dụng chất kích thích để chống buồn ngủ, mệt mỏi, dẫn đến hệ lụy là các tai nạn đáng tiếc.
Một điều nữa, tôi muốn đề cập đến đó là ý thức của một bộ phận người dân tuân thủ pháp luật chưa cao. Với tình hình giao thông diễn biến phức tạp như hiện nay, những hậu quả thiệt hại từ tai nạn giao thông gây ra quá lớn cho xã hội mà rượu bia là một trong những nguyên nhân chính thì đã đến lúc luật nên quy định, chỉ cần uống rượu bia, ma túy, chất kích thích sau đó lái xe thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cần thiết có thể bổ sung các chế tài cho từng tình huống cụ thể nhằm xử lý các hành vi trên đủ mạnh, nghiêm minh, triệt để mới có thể răn đe, giáo dục, chứ không chỉ đơn thuần là gây ra thiệt hại rồi mới chịu trách nhiệm như hiện nay…/.
Theo Tuấn Nam
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam