Bạn đọc viết:

Sao lại thế?

(Dân trí) - Câu hỏi đó vẫn luôn day dứt trong tôi mỗi lần đọc những thông tin khiến dư luận xã hội lại bị khuấy động, thậm chí nhiều người dù rất không muốn cũng khó tránh khỏi bị đẩy vào “hội chứng bức xúc”, thất vọng và càng mất niềm tin hơn...

1/. - Vụ “Nhân bản” xét nghiệm ở BV Hoài Đức đình đám là thế mà rốt cuộc nguyên Giám đốc bệnh viện chỉ bị phạt... cảnh cáo ! Mình thật không hiểu ra làm sao nữa.

- Có gì đâu. Cổ nhân chẳng đã dạy “giơ cao đánh khẽ” mà!

- Nói như cậu thì báo chí và dư luận hơn nửa năm nay phí công vô ích à?

- Chẳng vô ích đâu! Ít nhất thì cũng đánh động cho những kẻ tham lam biết chùn tay trước những hành động mờ ám.

- Ôi, cậu cứ ngồi đấy mà mơ. Không nghiêm trị thì làm sao mà giữ được kỉ cương phép nước. Đấy, ngay như cái vụ ông chánh thanh tra sở Y tế ở Kon Tum bổ cuốc vào đầu dân ấy, làm um lên nhưng rốt cuộc chỉ bị xử phạt hành chính… 750.000 đồng (!), nghe thật nực cười.

- Có gì mà nực cười, chẳng qua là do ông ấy lỡ tay thôi, quan chức chứ đâu phải giang hồ cộm cán gì. Xử thế là nghiêm đấy. Quan trọng là ai ai cũng rút được bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những vụ như thế. Rứa là thành công rồi. Hi hi !

- Nói như cậu thì cứ “hành” dân cho đã rồi bỏ ra mấy đồng nộp phạt là xong à? Mà tiền thì quan chức họ đâu có thiếu.

- Không, tớ nghĩ đó là nhân văn đấy chứ. Nhắc nhở, rút kinh nghiệm là chính để họ còn có cơ hội mà sửa chữa, khắc phục. Thế có phải là tốt hơn không?

- Mình không tin. Xử như thế thì khác chi bác sĩ kê đơn không đủ liều, chỉ tổ làm cho nhờn thuốc, bệnh càng thêm trầm trọng chứ sửa chữa khắc phục nỗi gì.

- Ông cứ quan trọng hóa vấn đề. Mọi chuyện cứ là bình thường cho nó nhẹ người ! Đấy như cái vụ ông Truyền bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở phút 89 ấy, có gì đâu mà cứ ầm ĩ khi người ta vẫn đảm bảo qui trình. Vả đâu chỉ có mình ông ấy làm thế.

- Ý cậu muốn nói đến vụ ông Rum GĐ Sở VH-TT&DL TP.HCM chứ gì. Đó là hệ quả của cái việc coi thường phép nước đấy!

- Không, chẳng qua là do cái cơ chế của mình nó còn lỏng lẻo. Chứ các vị ấy là công bộc dân, làm việc gì cũng minh bạch chứ đâu chỉ biết nhắm mắt làm liều.

- Ôi, chẳng hiểu cái minh bạch mà cậu đang “ní nuận” ấy nó ở đâu, tớ chỉ thấy thiên hạ tròn mắt: “Răng rứa hè” mà thôi.

(minh họa: Ngọc Diệp)

(minh họa: Ngọc Diệp)

2/. Dù chuyện bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy ở Nông Cống, Thanh Hóa đã có hồi kết “có hậu”, nhưng điều khiến dư luận vẫn xôn xao là: Những tưởng truyện cười của ông Trạng xứ Thanh đã một đi không trở lại, ai dè thời hiện đại con cháu cụ vẫn sáng tác những chuyện hài chẳng thua kém gì tiền nhân.

Thực ra ông lái xe được lên chức chẳng tội tình gì, trái lại thật đáng mừng cho ông bởi dẫu sao ông cũng đã gần trọn cuộc đời cống hiến cho huyện ủy. Chuyện bằng đại học của ông không có cũng chẳng quan trọng, bởi với học vấn 10/10 và đã từng là giáo viên trường lái xe cách đây mấy chục năm, ông đủ trình độ để đảm đương nhiệm vụ phụ trách hành chính huyện ủy .

So với ông lái xe, khối ông quan to đương nhiệm khác chỉ mới học hết lớp 4, lớp 5 bổ túc thế mà vị nào cũng đeo đầy mình những tấm bằng đại học, thạc sĩ thậm chí cả tiến sĩ đỏ chót. Những tấm bằng ấy các vị có được không phải bằng sự khổ học, thiên hạ ai cũng biết. Cho nên dư luận cũng đừng quá chú trọng bằng cấp mà xoáy vào đấy, tội nghiệp cho ông nếu như năng lực của ông xứng đáng với cương vị được giao.

Chuyện đáng bàn là ở chỗ ông Bí thư và cả tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy biết sai, nhưng vì tình nên vẫn biểu quyết trăm phần trăm bổ nhiệm ông lái xe làm Phó Chánh VP Huyện ủy. Cái chức nghe thì oai nhưng lại chỉ để phụ trách hành chính, quản lý nhà ăn, đặc biệt là bảo quản 3 chiếc ô tô. Quả là quá lãng phí lãnh đạo!

Qua vụ việc này, dư luận càng có cơ sở để đặt tiếp những câu hỏi:

- Dường như chuyện bổ nhiệm cán bộ lâu nay không xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, không dựa vào một tiêu chuẩn nào mà chỉ vì cảm tính cá nhân của người lãnh đạo đơn vị? Ông Bí thư Huyện ủy chẳng đã nói rõ: bổ nhiệm ông Hiệp làm Phó Chánh VP là vì cái tình đó sao.

- Dường như người ta đang vin vào cái phao “đúng qui trình” để biện minh cho việc làm sai trái. Nhưng có sự mâu thuẫn ở đây: qui trình thì đúng mà sự việc thì sai. Tại sao? Theo tôi, thực ra đây là “chiêu” để người ta đá quả bóng trách nhiệm của cá nhân sang tập thể, rốt cuộc chẳng ai bị truy cứu cả. Trong trường hợp này, ông Bí thư và tập thể Ban Thường vụ đã không tuân thủ nguyên tắc tổ chức của Đảng khi thông qua quyết định bổ nhiệm cán bộ, biết sai mà vẫn làm, dù họ cho là đúng qui trình: cũng họp hành, cũng xem xét, cũng lấy phiếu tín nhiệm...nhưng đó chẳng qua chỉ là những thủ tục để hợp thức hóa mà thôi. “Đúng qui trình” là thế đấy!?

- Dường như người ta chỉ nghĩ đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân ở những vụ bổ nhiệm cán bộ như thế? Chả trách quan chức bây giờ hầu như không cứ to hay nhỏ, tài sản riêng tư của họ so với đồng lương mà họ được nhà nước trả, phần lớn tôi thấy đều quá sức tưởng tượng của người dân.

- Dường như…

Dân chỉ mong mọi sự minh bạch, nhất là trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm công chức để lựa chọn được những cán bộ xứng tâm xứng tài, thực sự là công bộc của dân, để dân tin, dân yêu và dân nể trọng.

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm