Tiểu phẩm

Rửa tay nhưng không gác kiếm

(Dân trí) - Chúng em không tin đại ca rời bỏ nghề phá rừng lấy gỗ vì hôm nay đến nhà đại ca vẫn thấy gỗ từ ngoài ngõ vào nhà, toàn gỗ tốt, sáng đẹp lắm.

(minh họa: Ngọc Diệp)

(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Bên mâm rượu thịt chó, nhóm lâm tặc hỏi đại ca của mình:

 

-Kể từ cái hôm ở rừng bị truy quét ráo riết, chúng mình chạy toán loạn, giờ mới gặp nhau. Vậy suốt thời gian đó đại ca làm gì?

 

Đại ca dơ tay chém không khí:

 

-Ta rửa tay, thề vĩnh viễn rời bỏ cái nghề lâm tặc, vĩnh viễn nhé, vì thấy làm ăn chẳng còn dễ dàng nữa. Các chú hẳn còn nhớ, thời gian đó Tòa án nhân dân huyện xử một lâm tặc tội xâm nhập vào Vườn quốc gia Cát Tiên khai thác gỗ trái phép 4 năm 6 tháng tù. Nghe mà sợ. Cũng thời gian đó, chính quyền bắt đầu làm mạnh tay không chỉ với lâm tặc mà còn cả với những chiến hữu kiểm lâm của chúng ta, ở Phú Yên, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt cả Hạt trưởng và Hạt phó Kiểm lâm huyện  1 năm 6 tháng tù về ăn hối lộ để cho thoát vụ vận chuyển 298 hộp gỗ không có giấy tờ hợp pháp. Liên kết với kiểm lâm tưởng là an toàn mà cũng chẳng xong nên ta rạt tới địa phương nào phá rừng cũng khó.

 

- Đại ca chỉ đùa. Chúng em không tin đại ca rời bỏ nghề phá rừng lấy gỗ vì hôm nay đến nhà đại ca vẫn thấy gỗ từ ngoài ngõ vào nhà, toàn gỗ tốt, sáng đẹp lắm.

 

- Các chú ngu lắm! Ta rửa tay, bỏ làm lâm tặc tức là bỏ không phá rừng trái pháp luật, nhưng ta lắm gỗ nhiều tiền, thậm chí hơn trước vì ta đi làm cái nghề phá rừng trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

 

- Lẽ nào trên đời này lại có chuyện phá rừng đúng pháp luật?

 

- Có đấy, bởi hồi đó được Nhà nước cho phép nên có phong trào rộng lớn người người làm thủy điện, nhà nhà làm thủy điện, huyện, tỉnh đua nhau làm thủy điện kéo dài một thập kỷ cho đến tận bây giờ. Mà làm thủy điện thì phải làm ở miền núi và phải có đất để làm. Trong số 109.569 ha diện tích đất dùng để xây dựng các loại thủy điện có tới 32.373 ha rừng phải phá đi. Phá rừng kiểu như thế thì sướng tay thật. Đã vậy, mượn gió bẻ măng, thấy nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ còn lấn sang cả rừng kề cận khu vực diện tích đất được làm thủy điện để khai thác gỗ, ta dại gì mà không bắt chước làm theo.

 

Nghe đại ca nói, các lâm tặc ngộ ra:

 

- Thảo nào, chúng em nghe tin đài báo thấy ở một tỉnh chỉ trong hai ngày có đến 16 ha rừng bị phá, mà cúi đầu phục lăn trình độ lâm tặc ở địa phương đó hơn hẳn chúng em. Giờ nghe đại ca nói mới vỡ nhẽ ra chắc không phải là lâm tặc phá rừng mà có lẽ là do người ta lợi dụng thủy điện phá rừng một cách hợp pháp để lấy gỗ mới phá được nhiều, được nhanh đến thế.

 

Và bình luận:

 

- Đại ca bỏ cái nghề lâm tặc phá rừng trái pháp luật tức là đại ca rửa bàn tay bẩn, nhưng đại ca lại chuyển sang cái nghề làm thủy điện, tức là phá rừng đúng pháp luật, chẳng qua là để đại ca giữ cho bàn tay mình sạch mà vẫn phá được rừng. Tuy nhiên, kiểu gì thì bản chất vẫn là phá rừng vô tội vạ. Những tưởng đại ca “Rửa tay gác kiếm” nhưng đại ca chỉ khôn khéo mượn thủy điện để rửa tay thôi chứ vẫn lăm lăm cầm rìu trong tay, đâu có gác rìu không chặt cây phá rừng nữa. Xin bái phục đại ca! Bái phục!

 

Nguyễn Đoàn

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm