Mang danh thủy điện để... phá rừng lấy gỗ
(Dân trí) - “Nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ nhằm mục đích lấn sang diện tích rừng để khai thác gỗ. Hậu quả tài nguyên bị tàn phá nặng nề, gây lũ lụt trong mùa mưa bão ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống nhân dân vùng hạ du”, đại biểu Huỳnh Minh Thiện nói.
Chặt cây sống, trồng cây chết
Trước hệ lụy xấu do thủy điện nhỏ gây ra, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, cần loại bỏ ngay khỏi quy hoạch 6 thủy điện bậc thang và hơn 400 thủy điện nhỏ. Ngoài ra, phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng “chặt cây sống, trồng cây chết” dẫn đến hậu quả rừng ngày càng mất đi. Theo đại biểu Vở, thủy điện có thể thay thế bằng điện mặt trời, điện hạt nhân… nhưng những cánh rừng đặc dụng thì không thể thay thế.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng, việc quy hoạch và khai thác thủy điện còn nhiều bất cập gây bức xúc lớn cho nhân dân vùng hạ du. Mặt khác nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ đã lách luật lấy sang diện tích rừng lân cận để khai thác gỗ. Hậu quả tài nguyên bị tàn phá nặng nề ảnh hưởng đến môi trường, về mùa mưa bão gây lũ lụt gây thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du.
Đại biểu Lê Kiều Vân phản ánh tình trạng sau khi dự án thủy điện được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch. “Tôi và nhiều đại biểu lo lắng tình trạng cứ vào mùa mưa bão thủy điện lại xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân. Vấn đề này phải làm rõ cho người dân yên tâm”, đại biểu Vân nói.
Theo đại biểu Vân, việc loại bỏ các dự án vừa và nhỏ vì hiệu quả thấp và lỗi rõ ràng là do quy hoạch. Do vậy, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan vấn đề này.
“Một thập kỷ nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện dẫn đến chất lượng không đảm bảo ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vùng hạ du. Với những hậu quả của thủy điện về vật chất, con người, tôi đề nghị không giao cho địa phương quy hoạch thủy điện và loại bỏ vĩnh viễn thủy điện nhỏ”, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng cương quyết.
Hơn 400 thủy điện bị loại bỏ - thiệt hại không đáng kể
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch có đến 65% dự án do địa phương phê duyệt, còn trung ương chỉ có 35%.
Trước các câu hỏi tại sao sau khi Quốc hội có nghị quyết, Chính phủ và Bộ Công thương mới rà soát và chỉ trong thời gian ngắn có thể đưa ra hơn 400 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch? Bộ trưởng Hoàng đáp lời, Bộ luôn phải rà soát chứ không phải Quốc hội ra Nghị quyết mới làm. Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội là điều kiện tốt để phối hợp với địa phương đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn công tác rà soát.
Cụ thể từ năm 2005 - 2009, Bộ Công nghiệp trước đây đã phối hợp với các địa phương loại 10 dự án khỏi quy hoạch. Từ cuối 2009 đầu 2010, tiếp tục loại 37 dự án và đến năm 2013 đã rà soát, loại bỏ thêm 150 dự án.
Trong hàng trăm dự án thủy điện bị loại bỏ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định có dự án có tính khả thi về kinh tế, nhưng vì môi trường không đảm bảo nên cũng được coi là dự án không khả thi. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính nên mới dẫn đến tình trạng đình trệ. Theo ông Hoàng, ngay cả thủy điện đang vận hành hiện nay cũng gặp khó khăn chứ chưa nói đến dự án chưa triển khai.
Về tổn thất với các dự án bị loại, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, chi phí và thiệt hại cho doanh nghiệp không đáng kể gì vì mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay về sau toàn bộ các dự án thủy điện lớn, nhỏ trước khi khởi công đều phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Quang Phong