Quyết định tăng giá xăng dầu: Luận về "cái khó" của Bộ Tài chính
(Dân trí) - Gần một tuần đã trôi qua, nhưng dư âm của “cú sốc” gần đây nhất là giá xăng dầu tăng liên tiếp hai lần trong chưa đầy hai tháng chưa kịp qua, thì “vết thương” dường như lại thêm một lần bị “xát muối” bởi những phản hồi rất “có cánh” của Bộ Tài chính.
Đánh đố về quyền và lợi
Những căn nguyên và cơ sở được ông Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính viện dẫn ra để giải thích cho quyết định đồng ý tăng giá xăng dầu hôm 20/4 xem ra đều rất tích cực. Nhất là những “điểm nhấn” trong phát biểu của ông như: đây là một quyết định khó khăn của cơ quan quản lý, đã phải tính đến những tác động của mặt hàng này đến hoạt động của nền kinh tế, đến lợi ích của người dân, đã đứng về lợi ích của toàn bộ nền kinh tế quốc dân để điều hành giá xăng dầu…
Từ phản hồi ngược lại của người tiêu dùng, chỉ có thể thấy toàn những … tiêu cực: nỗi nghi ngờ, thất vọng, cay đắng vì mất niềm tin, ngao ngán và bất lực vì dù có biết rõ những nghịch lý, nhưng cũng chẳng thể làm gì được…
“Các bác cứ nói vậy, nhưng các bác đã thực sự nghĩ tới quyền lợi của người dân chưa? Cứ nói là theo nền kinh tế thị trường mà tiền lương người dân thì eo hẹp, xăng tăng giá kéo theo bao nhiêu thứ tăng lên, dân làm sao sống nổi? Chúng ta phải đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu chứ, sao lúc nào tôi cũng cũng chỉ nói suông vậy mà thôi?” - Kute: khanhchung88@gmail.com nhấn mạnh yếu tố “quyền và lợi” giữa lời nói và việc làm của ngành chức năng.
“Các bác nói vì lợi ích nền kinh tế của cả nước, hay thật ra chỉ là vì lợi ích của các doanh nghiệp? Trong lúc nền kinh tế đang rất khó khăn thì các quan bác liên tục tăng giá, làm cho nền kinh tế càng thêm khó khăn hơn. Thế mà các "quan bác" lại nói vì nền kinh tế của cả nước ư? Lúc này nếu giá xăng dầu thế giới tăng thì tăng giá trong nước chúng tôi không nói làm gì, nhưng khi giá giảm thì các doanh nghiệp xăng dầu có giảm không? May chăng giảm được chút xíu. Nếu nói lỗ thì phải đưa ra được các con số cụ thể chứ!? Lỗ mà lương nhân viên xăng dầu sao vẫn cao thế. Các bác giải thích chỗ này giúp tôi với !!! Tôi đề nghị Thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước và nhất là Quốc hội có biện pháp hữu hiệu kiểm soát được mặt hàng này, bên cạnh ngành Điện. Đây là một trong số những mặt hàng thực ra vẫn đang độc quyền về GIÁ. Nói chung chúng tôi chán với cách quản lý và điều hành của các cơ quan liên quan lắm rồi…” - Ori: boyprohn25@gmail.com bàn thêm về sự đánh đố "lợi ích" trong bài toán tăng giá này.
“Dân chúng tôi không chấp nhận được kiểu giải thích chung chung, nửa vời như vậy của các ông. Bao nhiêu điều luật các ông viện dẫn ra, lợi đâu cho dân không thấy mà toàn thấy nay tăng giá điện, mai tăng giá xăng, ngày kia thu phí A,B,C. Thử hỏi với nền kinh tế khó khăn hiện nay, dân chúng tôi kiếm đâu ra tiền mà bù tăng giá, mà nộp lệ phí?
Cứ nói tất cả vì dân, tất cả vì tương lai con em chúng ta… Nhưng cứ tình trạng thế này làm sao chúng tôi lo đủ ăn, chứ đừng nói lo cho con cái chúng tôi có cuộc sống tốt, có tương lai tốt hơn mình đây? Ngành xăng dầu luôn kêu lỗ nhưng lương nhân viên xăng dầu lại thuộc Top cao nhất, tại sao???Với những chính sách mà các vị đưa ra thế này, thì không biết dân chúng tôi có thể cầm cự được bao lâu nữa đây?” – Ngoc Anh: ngocanh_hp2003@yahoo.com nêu rõ sự “lợi bất cập hại” trong tính toán về giá xăng dầu.
"Cái khó" của Bộ Tài chính
Bàn về sự “khó khăn” khi đi đến quyết định “cái rụp” của Bộ Tài chính, Nguyễn Văn Nam truongmolisa@gmail.com nêu luận điểm:
“Phải, tôi nghĩ đúng là quyết định rất khó khăn. Vì phải cân đo đong đếm mà, để sao dân không kêu mà DN lại có lãi. Tôi thật sự không hiểu nổi, miệng thì cứ bảo phải bù giá, trợ giá, nhưng đã điều hành theo cơ chế thị trường thì sao không mạnh dạn cho các DN tự chịu, tự quyết định lấy số phận của DN mình? Các vị hãy nhìn ra đường xem có DN kinh doanh Xăng dầu nào nghèo không? Hay toàn biệt thự nọ, biệt thự kia? Cái gọi là Quỹ Bình ổn giá Xăng dầu này ai quản lý, hàng năm thu bao nhiêu và bao nhiêu chi cho DN để bù lỗ? còn lại đi đâu về đâu? Mà để tôi nói thẳng bằng tiếng Việt nhé: từ trước đến nay chả có ai khùng mà lỗ vẫn cứ lao vào kinh doanh, dù chỉ là bán trà đá vỉa hè...”
Xoay quanh những lý do Bộ Tài chính đưa ra để giải thích cho quyết định cho tăng giá của mình, bạn đọc cũng chỉ ra những điều rất… thú vị:
“Lý do đưa ra quá… mắc cười. Chỉ vì ‘1 con sâu’ mà làm ‘rầu cả nồi canh’ – Nói là để tránh tình trạng buôn lậu nên quyết định tăng giá xăng dầu? Cũng… hay quá ta…thật là… có lợi…” - Trang: nguoideptran80@yahoo.com.vn
“Các bác ấy giải thích tăng giá để kiềm chế lạm phát, sao nghe có vẻ mơ hồ quá. Giá xăng tăng 4% thì giá cước vận tải tăng 15-25%. Mà giá cước vận tải tăng thì kéo theo đủ thứ tăng., vậy hỏi làm sao kiềm chế lạm phát đây? Năm nào cũng vậy, cứ nghe tin lương chuẩn bị tăng là hàng loạt các thứ tăng theo, mà đi đầu lúc nào cũng là giá xăng dầu” - Hiệp Ngô: ngovanhiepnt@gmail.com
“Khi đồng ý cho tăng giá xăng dầu, không biết Bộ TC có biết người dân lao động như chúng tôi bị ảnh như thế nào không nhỉ? Còn chúng tôi vẫn cảm thấy Bộ cũng như doanh nghiệp xăng dầu cứ thích là tăng, thế nên người dân chúng tôi gọi Bộ Tài chính là "Bộ tăng giá" đấy…” - Phạm: thegioihaohoa@yahoo.com
“Quả thật mình không hiểu các phát ngôn của Bộ TC thế nào, chứ mình có một số nhận định như sau:
1.Giá xăng càng tăng sẽ kéo theo rất nhiều điều khó khăn cho người dân. Hãy cứ làm một phép tính đơn giản: trong thời gian này lương trung bình của 1 công nhân là 2.100.000vnđ/tháng. Chi phí chi tính 1 bữa ăn sáng, 1 ổ bánh mỳ thôi cũng 10.000vnđ, vậy hỏi nó chiếm bao nhiêu % chi phí 1 ngày làm việc. Chỉ vậy thôi đủ biết 1 tháng không thể có được thặng dư.
2. Khi xăng tăng đi chợ hoặc mua bất cứ món gì, cũng nghe một câu: "Em thông cảm, xăng lại tăng giá nên hàng cũng tăng giá".
Minh bạch lỗ - lãi
Sự không hiểu của bên này có lẽ lại là điều rất dễ hiểu của bên kia. Vì vấn đề ở đây là giữa hai bên vẫn còn những khoảng cách, mà như nhiều người dân nói nôm na rằng: đó là khoảng cách giữa lý luận với thực tiễn, giữa "trên mây" với "dưới đất"...
“Tôi không hiểu vì lý do gì mà lâu nay mọi tầng lớp cả dân, cả công chức đều đề cập phải công khai tính giá xăng dầu, mà sao Bộ Tài chính vẫn chưa làm được. Câu hỏi được đặt ra là liệu có gì đó ‘tế nhị’ nên mới chưa công khai được chăng??? – Nguyen Thi Giap: nguyenthigiap1054@yahoo.com
“Bất cứ hành động nào kìm hãm quy luật phát triển đều có tác động xấu tới xã hội. Theo tôi, không nên cố gắng đưa ra biện pháp hỗ trợ xăng dầu vì điều này sẽ dẫn tới nhiều tiêu cực nảy sinh. Hãy để nền kinh tế tự vận động và thích nghi. Nhà nước hãy hỗ trợ nhân dân trong các lĩnh vực khác như giảm giá viện phí bằng cách tăng diện tích bệnh viện, hỗ trợ để xây thêm các trường học, hỗ trợ để xây dựng đường sá giao thông thuận lợi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ....” - Nguyên Hồng: thelight8704@gmail.com
“Sao không tìm nguồn cung cấp khác nhỉ? Như ở Venezuela giá xăng chỉ hơn giá nước một chút thôi. Nếu các doanh ngiệp nhập xăng dầu có những thay đổi từ nhà nhập khẩu đến quản lý tốt, thì chắc chắn không những người dân được hưởng lợi, mà nhà nước cũng được lợi vì không phải giảm thuế nhập khẩu. Chắc là có vấn đề nào đó nên giá xăng dầu ở ta mới liên tục cao và tăng giá như hiện nay. Đề nghị các cơ quan chức năng nhà nước sớm vào cuộc để chấn chỉnh lại” - Nguyễn Mạnh Cường: nmcuong119@yahoo.com
Có thể thấy điểm chung giữa ý kiến người dân với giới chuyên gia kinh tế. Như VOV dẫn lời bà Phạm Chi Lan nêu rõ rằng: giá xăng tăng vào thời điểm này là chưa thích hợp, vì nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp. Hơn nữa, giá xăng, dầu tăng lúc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả của các mặt hàng khác chứ không chỉ các doanh nghiệp. Cũng theo bà Chi Lan, nếu chỉ lấy lý do giá xăng dầu thế giới tăng mà doanh nghiệp đòi tăng là chưa minh bạch. Bộ Tài chính cần có biện pháp thúc ép doanh nghiệp minh bạch lỗ, lãi trong kinh doanh, thậm chí phải có biện pháp xử phạt nếu không thực hiện.
Kiều Anh