1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ Tài chính lý giải về quyết định tăng giá xăng dầu

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, việc tăng giá vừa qua là quyết định khó khăn và cơ quan điều hành đã tính đến tác động với nền kinh tế và lợi ích của người dân.

Bộ Tài chính lý giải về quyết định tăng giá xăng dầu

Việc điều chỉnh giá xăng dầu đã phải tính đến tác động của mặt hàng này tới nền kinh tế và lợi ích nhân dân.

Ngày 26/4, Bộ Tài chính chính thức có phản hồi về quyết định tăng giá xăng dầu hôm 20/4 vừa rồi.

Cụ thể, theo quyết định này của Liên Bộ Tài chính-Công thương, kể từ thời điểm điều chỉnh, giá xăng tăng 900 đồng/lít lên 23.800 đồng/lít, dầu diesel tăng 500 đồng/lít lên 21.900 đồng/lít, dầu hoả tăng 600 đồng/lít lên 21/400 đồng/lít và dầu madut tăng 400 đồng/kg lên 19.200 đồng/kg.

Bộ Tài chính cho biết, “việc điều chỉnh giá xăng dầu là một quyết định khó khăn của cơ quan quản lý, đã phải tính đến những tác động của mặt hàng này đến hoạt động của nền kinh tế, đến lợi ích của người dân”.

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa nói, việc điều chỉnh giá xăng dầu, vốn là mặt hàng nhạy cảm đến toàn bộ nền kinh tế, đời sống người dân đã được các cơ quan chuyên trách cân nhắc và căn cứ dựa trên những quy định của Nhà nước và diễn biến giá xăng dầu thế giới. 

Lãnh đạo Cục cho biết, nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày gần so với mức bình quân tính toán 30 ngày trước đó để làm căn cứ điều chỉnh điều chỉnh giá vào ngày 7/3/2012 thì giá các loại xăng, dầu tăng từ 0,54 – 3,08%. Trong đó, theo thống kê của Cục, mức tăng mạnh nhất ở mặt hàng xăng (3,08%).

“Điều chỉnh giá trên cơ sở lợi ích toàn nền kinh tế”

Ông Thỏa cũng nhấn mạnh rằng, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng, “Nhà nước đã đứng về lợi ích của toàn bộ nền kinh tế quốc dân để điều hành giá xăng dầu”.

Theo đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này là cần thiết và hoàn toàn khách quan trên cơ sở chia sẻ lợi ích của toàn bộ nền kinh tế nhằm vừa đảm bảo được hoạt kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, vừa đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước và vừa chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan.

Cụ thể, người tiêu dùng không phải chịu mức tăng giá quá cao, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm bớt khó khăn và Nhà nước điều hành giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Cục Quản lý giá khẳng định, mức điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước hồi tháng 3 vẫn đang chỉ ở mức kiềm chế.

Và vì vậy, khi giá xăng dầu thế giới vẫn dao động ở mức cao thì tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành. Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tài chính như: thuế nhập khẩu đã ở mức 0% với tất cả các chủng loại xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, thì việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước là cần thiết.

Điều này nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước hiện nay với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia...) khoảng từ 3.662 đồng/lít đến  7.878 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước – lãnh đạo Cục khẳng định.

Như đã đưa tin, do thời gian vừa qua, việc áp dụng Nghị định 84 gặp một số bất cập về giá. Vì vậy, Bộ Công thương đã có văn bản đánh giá trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, các cơ quan ban ngành chức năng sẽ có thảo luận và thống nhất sửa đổi. Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, về cơ bản, vẫn kiên định giá thị trườngnhững gì 84 còn “gợn”, đặc biệt là về giá thì sẽ sửa”.

Bích Diệp