Bạn đọc viết:

Ơn…. “ông” Trắc nghiệm!

(Dân trí) - Các môn học được xem là chính hiện nay gồm: Toán, Lí, Hóa, Ngoại ngữ vì muốn thi vào các trường đại học, đa phần học sinh đều phải đầu tư 4 môn trên. 3 trong số 4 môn được tiến hành thi bằng phương pháp trắc nghiệm. Nhưng tại sao lại là trắc nghiệm?

Ơn…. “ông” Trắc nghiệm!

Mô hình hoạt động cho giải pháp chấm thi trắc nghiệm được mô tả như sơ đồ (minh họa: sohoatailieu.vn)

Bản thân là một giáo viên, tôi hoàn toàn phản đối trắc nghiệm bởi các nhược điểm theo tôi nhận thấy như sau:

 

1/ . Chỉ có  4 đáp án  tức là chỉ có 4 khả năng xảy ra. Tuy nhiên, với một bài toán để cho 100 học sinh độc lập “tác chiến” thì có thể có đến 50 khả năng xảy ra, hoặc thậm chí là hơn nữa. Thêm vào đó, với một công việc mà chỉ có 4 khả năng xảy ra thì quá xa rời thực tế. Với một công việc mà ta đang làm có thể có đến hàng ngàn khả năng xảy ra và chả có cái nào được biết trước cả.

 

2/. Và với 4 đáp án thì mọi học sinh đều có thể làm được từ 2,5 điểm trở lên (25%), cho dù học sinh đó có không biết chút gì về môn học đó. Theo quy định của Bộ GDĐT thì điểm liệt lại là 0 (không) điểm. Như vậy, với một môn thi trắc nghiệm thì không bao giờ tìm ra được một học sinh bị liệt. Đó có phải chăng là mục đích mà Bộ ta đang hướng tới?

 

3/. Với trắc nghiệm, giáo viên chỉ cần nhận được từ học sinh Kết quả. Tức là làm sao thì làm, chỉ cần kết quả đúng là được. Điều này không đúng với thực tiễn cuộc sống. Trong giáo dục, giáo viên cần  dạy cho học sinh phương thức, cách thức đạt đến mục đích sao cho hợp lí chứ không chỉ là kết quả. Cùng một kết quả nhưng cách thức làm việc là khác nhau. Làm bài kiểm tra cũng vậy? Học sinh có thể tự làm được điểm hoặc “bói” để được điểm mà giáo viên không thể bắt bẻ gì được, bởi học sinh sẽ trả lời: “Em tô đại mà thầy”, hoặc câu trả lời hay gặp nhất và khó chịu nhất: “Trắc nghiệm mà thầy”.

 

4/. Và cũng do chỉ cần kết quả nên việc kiểm tra đánh giá bằng phương pháp trắc nghiệm không nhận được phản hồi từ học sinh, tức là những gì mà học sinh nhận được từ người thầy không thể phản ảnh hoặc có rất ít thông qua các dấu chéo hay dấu tô bút chì.

 

5/. Với trắc nghiệm, học sinh sẽ phải đối mặt với một lượng kiến thức quá lớn nhưng phải xử lí trong một thời gian quá ngắn (theo yêu cầu của đề thi tuyển sinh đại học là 1,8 phút/câu), thì rất nhiều biện pháp đối phó được đưa ra như:

 

+ Học các phương pháp giải nhanh, thậm chí học thuộc lòng công thức mà không cần hiểu bản chất của bài toán. Thế là học vẹt ra đời.

 

+ Chéo (tô) lụi, phương pháp mà nhiều học sinh gọi lóng là “đánh số đề” nhưng tỉ lệ trúng cao hơn số đề nhiều: 25% so với 1%.

 

+ Phương pháp thế: lấy kết quả mà đề cho thế vào bài toán xem kết quả nào đúng là chọn. Mọi thứ đều xa rời thực tiễn vì trong cuộc sống làm gì có đáp án trước để anh lựa chọn, anh thế vào xem thử đúng không.

 

5/. Tại sao trắc nghiệm lại được sử dụng trong việc kiểm tra đánh giá các môn Lí, Hóa, Ngoại ngữ? Trong khi Lí, Hóa là các môn khoa học, cần sự lí luận, cần sự lôgic, cần thấy được con đường nghiên cứu chứ không chỉ là kết quả. Còn Ngoại ngữ lại là một môn học mà yêu cầu học sinh phải thuộc từ vựng, nắm vững ngữ pháp, cách hành văn. Yêu cầu học sinh phải có được 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết mà khi kiểm tra, người ta lại kiểm tra “tô” (?)

 

6/. Với trắc nghiệm, tiêu cực rất dễ xảy ra và khó kiểm soát:

 

+ Quay cóp khá dễ, không cần phải hiểu, chỉ cần so sánh các dấu hiệu.

 

+ Ai đó muốn sửa bài cho một thí sinh thì có thể không để lại dấu vết, nét chữ gì cả, chỉ cần dùng gôm và tô lại.

 

+ Với một kì thi không nghiêm túc thì việc  đưa tài liệu cho thí sinh là cực kì dễ  dàng. Chỉ cần một mảnh giấy rất nhỏ, ghi số câu và đáp án tương ứng. Không phải dài dòng như tự luận.

 

+ Và khủng khiếp nhất là học sinh có thể  làm hết một đề gồm 50 câu trắc nghiệm trong vòng 2 phút mà có thể không cần đọc đề, không cần nháp, không cần cầm đề, thậm chí không chờ phát đề mà không sợ mình bị điểm liệt. An tâm, gì mà chả được 2,5 điểm (!?)

 

Theo tôi được biết, rất nhiều học sinh mơ một ngày nào đó có khối thi kiểu Y-cà-rết nào đó gồm có 3 môn Lí, Hóa và Ngoại ngữ để họ có thể không học bài mà vẫn có thể làm được 7,5 điểm. Nếu may mắn thì hơn, thêm điểm ưu tiên nữa đủ điểm vào một trường cao đẳng nào đó.
 
Vâng, xem ra để có được tri thức cũng... thật dễ dàng biết bao. Ơn trời! À không. Ơn..."ông" Trắc nghiệm!

 

Một giáo viên  ở Quảng Ngãi