Nước sạch bị ô nhiễm: những bất thường khó hình dung lộ diện
(Dân trí) - Với cung cách đánh giá chất lượng nước sạch kiểu này, nếu một đơn vị hoặc cá nhân vô trách nhiệm nào đó dù vô tình hay cố ý đổ chất độc hại nào đó xuống nguồn nước thì tại họa gì sẽ xảy ra?
Đến bây giờ, nguồn nước sông Đà bị nhiễm bẩn mức độ thế nào đã được làm rõ. Nhưng khi được làm rõ, dư luận mới thật sự giật mình, lo lắng không phải bởi nó bẩn, mà bởi những bất thường rất đáng sợ trong vụ án này bắt đầu lộ diện. Là nơi cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân, lẽ ra những biện pháp, những phương án bảo vệ nguồn nước sạch và kiểm nghiệm nó không được phép sai sót nhưng với những gì đã xảy ra và những phát ngôn của ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), vô tình tiết lộ những ẩn họa khôn lường cho người dân sử dụng nước của công ty này.
Thứ nhất, ông Tốn đã cố tình khỏa lấp, che giấu những hành vi rất đáng lên án của mình. Bởi khi người dùng và báo chí lên tiếng về mùi Clo và đặc biệt mùi khét xuất hiện trong nước ăn, ông Tốn đã biết rõ nguyên nhân là do dầu bẩn đầu nguồn, nhưng vẫn cố tình dấu giếm dư luận. Ông Tốn vẫn khăng khăng cho rằng đó chỉ là do Clo cao hơn bình thường, còn mùi khét chỉ là do cảm nhận của người dùng (?!). Tới ngày 14.10, sau sự cố 6 ngày, ông Tốn vẫn mạnh mồm tuyên bố: “Nước có mùi do lượng Clo cao, ngoài ra công ty chúng tôi cũng khẳng định không có độc gì trong nước sạch”. Không còn gì để nói với phát ngôn như vậy của vị Tổng Giám đốc này.
Thứ hai, không biết lãnh đạo Viwasupco có báo cáo sự cố dầu bẩn đầu nguồn hay không mà ngày 10 /10, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đưa ra nhận định nguồn nước sạch sông Đà có mùi Clo trong ngày 10.10 có thể là do hệ thống châm Clo tự động của nhà máy nước mặt sông Đà gặp sự cố và sự cố này trong thời gian ngắn sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, dù Viwasupco có dấu giếm nước đầu nguồn bị nhiễm dầu bẩn đi nữa thì đánh giá này của Sở Xây dựng vẫn không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, theo kiểm định sau đó chất styren (gây ra mùi khét) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 – 3,65 lần và mức cao nhất vượt phép (3,65 lần) chính là ở nơi sản xuất. Vậy tại sao đoàn kiểm tra lẽ nào không ngửi thấy mùi khét trong khi người dân phát hiện ra dù lượng styren đến người tiêu dùng chỉ vượt mức có 1,3 lần? Do đó, dù nói nhẹ nhàng nhất thì vẫn phải nóiđó là sự tắc trách, sự thiếu trách nhiệm đến mức khó hiểu của đoàn kiểm tra.
Thứ ba, điều đáng lo ngại nhất trong vụ việc này chính là công tác kiểm tra chất lượng nước ở Cty Viwasupco. Là nguồn nước cho hàng triệu người sử dụng thì thường xuyên đòi hỏi công tác kiểm tra chất lượng nước phải phát hiện ra những chất lạ xuất hiện, chứ chưa nói là chất độc hại. Trong vụ việc này, dù biết có dầu bẩn từ đầu vào nhưng công tác nội kiểm vẫn không phát hiện ra chất bẩn vượt ngưỡng gần 4 lần thì cực kỳ nguy hiểm. Ngày 14.10, trước khi có kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, Tổng Giám đốc Cty này vẫn khẳng định: “... đến ngày 10/10, tôi yêu cầu xét nghiệm, nội kiểm chỉ tiêu giám sát nước độ A không vấn đề gì.” Đây là thông tin cực kỳ đáng lo ngại về công tác đánh giá chất lượng nước ở đây.
Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà
Ngạc nhiên hơn nữa khi ông Tốn thú nhận: “Thực ra trong dây chuyền có một máng hớt váng, công nghệ xử lý được cái này không thì không dám chắc vì lần đầu tiên xảy ra..” Trời ơi, một đơn vị xử lý nước mặt làm nước ăn mà “xử lý được cái này không thì không dám chắc” thì đúng là ... “nhân họa”. Người dân không thể ngờ sự tắc trách, vô trách nhiệm với sức khỏe người dùng của Cty Viwasupco đến mức như vậy. Mặt khác, không thể không thể đề cập đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đã để cho công nghệ sản xuất, kiểm định chất lượng nước sạch kém như vậy hoạt động cả chục năm qua. Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Với những chất bẩn, chất độc hại không dễ phát hiện bằng cảm quan, liệu có từng tồn tại trong nước sạch của Cty này hay không?
Với kiểu nội kiểm, ngoại kiểm như vậy, điều không thể loại trừ là có một đơn vị, một cá nhân vô trách nhiệm nào đó, cũng giống như chiếc xe tải 2,5 tấn nào đó lại đổ dầu bẩn xuống nguồn nước, dù vô tình hay cố ý đổ chất độc hại nào đó xuống nguồn nước thì tại họa gì sẽ xảy ra? Thực sự, người viết không dám đặt giả thiết nữa vì quá sợ, quá lo cho sức khỏe, tính mạng của mình, gia đình mình cũng như hàng triệu người tiêu dùng nước sạch.
Do đó, với dư luận không chỉ mong muốn các cơ quan chức năng sớm khởi tố vụ án nhằm không chỉ xem xét hành vi của chủ nhân chiếc xe tải đổ dầu bẩn, sự tắc trách có thể gây hậu quả nghiêm trọng của Cty Viwasupco, mà còn cần xem xét cả trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Vương Hà