Nobel Hòa bình: Dấu ấn nữ quyền và giấc mơ Oslo

(Dân trí) - Nữ quyền – hai từ ngắn gọn, song thực chất cho tới tận hôm nay liệu có được bao nhiêu phụ nữ, ví dụ như ngay ở Việt Nam, dám khẳng định: nó ở trong tầm tay ta với trọn vẹn ý nghĩa, để ta có thể hạnh phúc, tự hào và mơ ước...

 
Nobel Hòa bình: Dấu ấn nữ quyền và giấc mơ Oslo - 1
Bộ Ba vừa giành Nobel Hòa bình 2011: (từ trái qua) nữ Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Leyma Gbowee Gbowee và Tawakkul Karman
 

Bộ Ba kiến tạo hòa bình

 

Mỗi mùa giải Nobel, cũng là phụ nữ nên tôi thường chú ý hơn khi có những gương mặt  nữ đăng quang. Phụ nữ được ví với nhiều mỹ từ lắm: là phái đẹp, là những bông hoa hương sắc nhất trong vườn hoa, là một nửa tuyệt vời của tình yêu lứa đôi, là những chủ nhân giữ lửa cho tổ ấm gia đình, là những người mẹ anh hùng trong lòng chồng con…

 

Nhưng có một điều mà chắc không chỉ mình tôi nhận thấy. Đó là ngay trong các cuộc chạy đua tranh những giải thưởng danh giá quốc tế, phái đẹp cũng phải chịu sức ép rất nặng nề thậm chí còn hơn so với phái mày râu. Thường thì thành tích của họ ít nổi bật hơn, tác động cũng như ảnh hưởng của họ (trên các cương vị thường khiêm tốn hơn đàn ông) có tầm hạn hẹp hơn. Đúng như tâm sự của nữ Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, một trong Bộ Ba vừa đoạt giải:

 

"Nếu như bạn đang phải đua tranh với đồng nghiệp nam trong công việc, bạn phải làm tốt hơn họ... và phải khiến họ tôn trọng bạn, xếp bạn ngang hàng với họ. Điều này rất khó. Thậm chí ngay cả khi họ chấp thuận bạn, thì vẫn theo kiểu đàn ông nắm quyền thượng phong. Và rồi họ nói: “Ồ, giờ thì cô ấy là một trong số chúng ta"(!?)

 

Song khác với cái truyền thống tồn tại khá dai dẳng là Nobel Hòa bình luôn gây tranh cãi (có lẽ cũng vì được chú ý nhất), Bộ Ba đăng quang giải năm nay đã đạt được sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi cả từ giới lãnh đạo, các tổ chức nhân quyền và giới hoạt động xã hội trên toàn thế giới. Trong đó đáng chú ý có tiếng nói của những phụ nữ quyền  lực nhất thế giới như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton…

 

Và càng tuyệt vời hơn, khi các đại diện nổi tiếng cho phái mạnh cũng chia sẻ niềm vui với nửa kia của thế giới. Như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nêu rõ: " Đây là một sự minh chứng cho sức mạnh lãnh đạo của phụ nữ, cũng như vai trò của họ trong xây dựng hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền”.

 

Điểm nổi bật là tầm quan trọng của nữ quyền trong việc lan tỏa Hòa bình được thể hiện rõ trong hoạt động của Bộ Ba vừa đoạt giải. Trong đó, người cao tuổi nhất và cũng nổi tiếng nhất  là nữ Tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi (và hiện là nhà nữ lãnh đạo duy nhất tại châu lục này) – bà Tổng thống Liberia Sirleaf. Người phụ nữ 72 tuổi  này gắn với nhiều danh hiệu như: Người đàn bà thép châu Phi, Linh hồn của cách mạng Liberia, nhà cải cách và kiến tạo hòa bình Liberia…

 

Đồng hương với bà cùng đoạt giải là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nổi tiếng Leyma Gbowee Gbowee, 39 tuổi. Người phụ nữ này được mệnh danh là "chiến binh hòa bình" do đã tổ chức rất thành công phong trào hòa bình dẫn tới kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia năm 2003.  Bà còn được đánh giá cao nhờ để lại dấu ấn nổi bật trong nỗ lực củng cố tầm ảnh hưởng của phụ nữ Tây Phi trong và sau chiến tranh.

 

Người trẻ nhất và cũng là gương mặt nữ đầu tiên của Arab đoạt Nobel Hòa bình là bà Tawakkul Karman, 32 tuổi, mẹ của 3 con. Bà là một chính trị gia và nhà hoạt động vì nhân quyền người Yemen, là thành viên chủ chốt của đảng đối lập chính Al-Islah và lãnh đạo nhóm "Các nhà báo nữ không xiềng xích".

 

Bộ Ba này góp phần đưa tổng số phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình lên đến con số 15. Người phụ nữ giành Nobel Hòa bình gần đây nhất là nhà sinh thái học người Kenya Wangari Maathai đoạt giải năm 2004, bà vừa qua đời tháng trước ở tuổi 71. Mỗi người chiến thắng sẽ nhận được bằng chứng nhận, huy chương và giải thưởng tiền mặt trị giá 1,48 triệu USD trong lễ trao giải chính thức ở Oslo, Na Uy ngày 10/12 tới.
 
Nobel Hòa bình: Dấu ấn nữ quyền và giấc mơ Oslo - 2

(ảnh: dochoi.net)

 

Mơ về Oslo

 

Cá nhân tôi cũng muốn góp tiếng nói chung với nhiều bạn đọc, đó là hy vọng và chờ đợi một ngày nào đó tên của một ứng viên Việt Nam (bất kể là nam hay nữ) được xướng lên tại Oslo.

 

Chúng ta đã có bao gương mặt phụ nữ giỏi giang trong thời chiến tranh, như lời một bài hát đã ca ngợi “cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/ chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình”. Thời bình cũng đã xuất hiện bao gương mặt phụ nữ nổi bật. Gần đây nhất, tôi còn nhớ lời tâm sự của một đồng nghiệp nam người Anh làm việc cho Reuters, rằng báo giới nước ngoài ở VN rất ngưỡng mộ những người phụ nữ giỏi giang như  bà Nguyễn Thị Bình, bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Phạm Chi Lan. Trong giới các VIP hôm nay cũng có không ít gương mặt nữ vừa xinh đẹp, vừa nổi tiếng về sự sắc sảo, thông minh, tài lãnh đạo và kinh doanh…

 

“Dưng” mà liệu phụ nữ VN ngày nay có chắc đã thực sự “vùng lên” chưa nhỉ? Hay có khi chị em mình vẫn chưa thực sự mở lòng, mở đường cho nhau cùng tiến lên? Hoặc có giống như  một số bạn đọc nam giới than phiền rằng: chị em giờ nếu chân dài thì óc lại thường hơi bị ngắn. Trong một số trường hợp anh em còn bị chị em o ép, thậm chí “oánh” chồng nhiều hơn thì có”…???

 

Hay thực ra cũng chỉ năm thì mười họa 8/3 hoặc 20/10 mới có cảnh “chị em phấn khởi đi ra đi vào/ anh em kính cẩn cúi chào”… Còn lại thì nào chồng, nào con, nào công việc cứ ngày càng khiến chị em lún sâu vào vô số sức ép. Nhất là số phận đa số chị em phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ra sao thì ai cũng rõ.

 

Nhưng hướng tới Oslo liệu có phải là “mơ về nơi xa lắm” không các bạn nhỉ?

 

Kiều Anh

Dòng sự kiện: Mùa Nobel 2011

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm