Bạn đọc viết
Những vụ việc làm lộ rõ những đường dây chạy chức quyền
Nếu như với trường hợp của nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đã được kết luận của UBKTTƯ làm rõ những sai phạm thì có hay không việc chạy chức với nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) Phạm Công Danh và Phó tổng giám đốc Sabeco Vũ Quang Hải, vẫn còn đó những câu hỏi bỏ ngỏ.
“Ai chạy?Chạy ai?Sau cái chạy đó là cái gì?”
Đó là nội dung những câu hỏi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng, ngày 26.3.2016. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư đặt câu hỏi: “Muốn đi luân chuyển, đi vài năm lại nhấp nhổm muốn chạy về... Nhiều cách lắm.Thế nào là chạy? Tại hội nghị lần này đề nghị các đồng chí thẳng thắn thảo luận xem có chuyện đó không, mức độ thế nào cho rõ ràng, minh bạch, nếu có phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có phải trả lời cho sòng phẳng.Ai chạy?Chạy ai? Sau cái chạy đó là cái gì ?”
Gần đây nhất, phát biểu tại phiên họp UB Thường vụ QH ngày 11.7, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm UB Tư pháp QH - đề nghị Chính phủ phối hợp với UB Kiểm tra TƯ, Ban Tổ chức TƯ và một số cơ quan liên quan, để kiểm tra: Tại sao cứ đến cuối nhiệm kỳ dư luận lại phản ánh là một số bộ bổ nhiệm cán bộ ào ạt? Bà Nga cũng không ngại ngần khi nêu những cơ quan bị dư luận phản ánh nhiều là Thanh tra CP và Bộ Công thương.
Bà Lê Thị Nga cho rằng: "Việc kiểm tra này không hẳn là quá khó khăn, ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện đều có thể biết, nên làm ra một cách rõ ràng để xác định có thực là có việc như vậy không, báo chí dư luận phản ánh có đúng không?"
Thăng quan tiến chức của các vị này đều trái luật
Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ phân tích, tổng hợp những dấu hiệu chạy chức quyền của các ông: Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) – cùng đồng bọn làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng ; Phó tổng giám đốc Sabeco Vũ Quang Hải
Các vị này đã và đang làm nóng trong dư luận với câu hỏi: Có hay không việc chạy chức quyền?
Với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã được kết luận của UBKTTƯ khẳng định rõ ràng: “Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.”
Còn với ông Phạm Công Danh khi đã trở thành bị can trong vụ án ở ngân hàng của mình, công luận mới lần lại lịch sử thăng tiến của vị Chủ tịch HĐQT này thì … thật giật mình. Đồng thời, thật khó hình dung về siêu khả năng chạy chức của ông Danh. Bởi lẽ, tháng 6.1991, ông Danh đã bị Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi đã truy tố về 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Ông Danh sau đó bị tuyên án 6 năm tù giam.
Theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ, nếu cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm, thì Phạm Công Danh không được nắm giữ quyền lực cao nhất tại VNCB. Nhưng, thật tài tình, dù luật quy định rõ vậy, ông Danh vẫn có thể leo lên vị trí cao nhất tại đây.
Theo Dân trí, trong vụ đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) có một tình tiết khá bất ngờ là nhiều bảo vệ, nhân viên rửa xe được ông Danh mời làm... giám đốc, ngồi chỉ ký giấy vay tiền để hưởng lương. Thật ra, Danh dùng các công ty này làm bình phong để rút tiền của VNCB cho mình sử dụng. Hậu quả, , Danh đã “lừa” của VNCB 4.700 tỷ đồng và cả 13 công ty “người nhà” của Danh không có khả năng trả nợ khoản tiền này. Không chỉ vậy, Danh đã kéo theo hàng chục nhân viên của mình vào vòng lao lý vì phải làm theo lệnh của xếp.
Như trên đã trình bày, theo luật, ông Danh không thể ngồi ở vị trị đó. Vậy những ai đã “bán chức” cho Phạm Công Danh để y có tác oai, tác quái ở đây nhằm … “thu hồi vốn” và lấy “lãi”?
Công luận có quyền tin và hy vọng việc “bán chức” này sẽ sáng tỏ. Bởi lẽ, với ông Trịnh Xuân Thanh, chỉ một việc tưởng chừng “nho nhỏ” là sử dụng biển xanh trái quy định, nhưng với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một loạt sai phạm đã bị phanh phui.
Còn trường hợp với Vũ Quang Hải, trao đổi với Zing.vn chiều 14.6 vừa qua, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)Nguyễn Đình Cung khẳng định việc bổ nhiệm ông Hải ở Sabeco là bất thường và không được phép.Bởi việc bổ nhiệm này vừa "vi phạm chuẩn mực hành vi" và vừa gây "xung đột lợi ích".
Ông Cung nêu rõ: Trong những năm giữ vị trí Tổng giám đốc PVFI, công ty này liên tục thua lỗ... Bởi vậy, "thông thường, một năm thua lỗ lớn như vậy đã đủ buộc anh phải từ chức, làm sao lại có chuyện sau đó được bổ nhiệm lãnh đạo một tập đoàn lớn."
Với những trường hợp nêu trên, dư luận hy vọng rằng, các cơ quan chức năng của Đảng, Chính phủ không chỉ làm rõ các sai phạm của họ và những người liên quan, mà quan trọng hơn là tìm cho ra những quan chức đã dính vào chuyện “bán” chức quyền này.
Vương Hà