Những lý giải khó chấp nhận về lạm thu đầu năm học

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, hết địa phương này đến địa phương khác, các phương tiện thông tin đại chúng lại đưa tin về các dạng lạm thu đầu năm trong một số trường học.


 UBND TP Cao Lãnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra thông tin các khoản thu dự kiến lớp 1 được cho là xảy ra tại trường tiểu học Chu Văn An.

UBND TP Cao Lãnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra thông tin các khoản thu dự kiến lớp 1 được cho là xảy ra tại trường tiểu học Chu Văn An.

Điển hình gần đây nhất, học sinh lớp 1 trường tiểu học Chu Văn An, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp phải nộp trên 16 triệu đồng nếu tham gia đầy đủ “các món” mà trường đưa ra. Thậm chí, còn có kế hoạch trang bị cho cô giáo chủ nhiệm chiếc latop để phục vụ học sinh?! Tất nhiên, khi các bậc phụ huynh phản ứng với công luận, dự án latop phải dừng lại. Nhưng điều mà dư luận lo ngại, băn khoăn là cách giải thích của phòng giáo dục, của nhà trường ở đây. Phòng GD này khẳng định các khoản thu công khai như vậy là đúng quy định và tất cả là tự nguyện, không ép bất cứ phụ huynh nào. Lý do sự bức xúc khoản thu 16 triệu đồng/năm của phụ huynh là do “chưa thống nhất cao” trong phụ huynh. Trước đó, cô Nguyễn Thị Thu Nga - hiệu phó Trường tiểu học Chu Văn An, khẳng định: "Đã là thu tự nguyện thì tùy vào sự đóng góp của phụ huynh. Không ai bắt buộc hết, nếu phụ huynh không đóng cũng không có gì phải ngại. Tùy điều kiện kinh tế của mỗi người.

Về nội dung này, không gì dễ hơn khi tất cả đổ lỗi cho khoản lạm thu đầu năm ở nhiều trường học đều do “ban phụ huynh” mà không ít “ban phụ huynh” thực chất chỉ là cánh tay nối dài của Hiệu trường nhà trường. Bởi, những phụ huynh nào dễ gì phản ứng với các khoản đóng góp mà ban phụ huynh đề xuất đưa ra và cũng không thể không đóng góp khi đã được “thống nhất” trong các buổi họp phụ huynh. Đặc biệt, khi chuyển các bậc học, học bạ là một trong những yếu tố quan trọng, nhiều khi có tính quyết định.

Đấy là chưa nói các khoản thu có vẻ hợp lý như kinh phí hoạt động của trường do ngân sách cấp trương thu phí 2 buổi/ngày (80.000 đồng/ học sinh/tháng), phí bán trú (36.500 đồng/tháng), trong đó đều trích ra một phần đầu tư cơ sở vật chất, như vậy là phí chồng phí gây gánh nặng cho phụ huynh. Dù rằng khoản phí 2 buổi/ ngày đều được “thống nhất” giữa các phụ huynh với sự đề xuất của ban phụ huynh.

Nếu đa số cán bộ, công chức, viên chức lương trung bình khoảng 4- 6 triệu, việc đóng các khoản cho đầu năm cho 2 đứa con đã cực kỳ căng thẳng, thì với các vùng quê, dù số tiền đóng góp có ít hơn nhưng vẫn luôn cực kỳ khó khăn dẫn đến một số học sinh phải bỏ học. Liệu như vậy có được coi là lạm thu?

Vậy làm gì để hạn chế tối đa nạn lạm thu này. Nếu nói về các văn bản pháp quy của Bộ GD- ĐT, các quy định của tỉnh, thành phố, của các sở, các phòng GD- ĐT thì không thiếu, nhưng lãnh đạo không ít trường vẫn biết cách lách qua cánh cửa hẹp. Nhưng hỏi, các cơ chế kiểm tra của sở, phòng GD- ĐT để đâu mà không kiểm soát nổi. hay tất cả cùng bỏ qua bởi, đó là sự tự nguyện? Phải chăng đó là lý do các vụ lạm thu bị phát giác chủ yếu do các phụ huynh lên tiếng trước công luận và mạng Internet hiện nay? Có lẽ, nên xử lý người đứng đầu các trường, các vị có trách nhiệm ở sở, phòng GD- ĐT thì may ra nạn lạm thu đầu năm mới thuyên giảm. Bởi, đã lạm thu, không thể có lý do gì biện minh được và phải có những người chịu trách nhiệm..

Vương Hà