Bạn đọc viết:
Những giải pháp ngăn ngừa kiểu vụ án Huyền Như
(Dân trí) - Với kinh nghiệm của một người đã từng làm việc lâu năm trong ngành Ngân hàng (NH) ở VN, hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài, tôi muốn đưa ra những chia sẻ cá nhân của mình về các giải pháp để khắc phục những trường hợp tương tự như vụ Huyền Như.
Vụ "siêu lừa" Huyền Như đang gây xôn xao dư luận về quy mô và mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Dù các thủ đoạn Huyền Như sử dụng không mới mà đã xảy ra với nhiều NH từ trước tới nay, chỉ khác nhau về quy mô mà thôi nhưng dường như tại các NH VN vẫn chưa thực sự có những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng nhân viên của chính NH thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng tại NH?
Do vậy, Với kinh nghiệm của một người đã từng làm việc lâu năm trong ngành NH ở VN, hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài, tôi muốn đưa ra những chia sẻ cá nhân của mình về các giải pháp để khắc phục những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai
I/. Những giải pháp kiểm soát đối với các chi nhánh và phòng giao dịch của HN:
Để tóm tắt những thủ đoạn chính mà nhân viên NH thường sử dụng để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng, nôm na có mấy hình thức:
1. Thu tiền của khách hàng nhưng không hạch toán vào hệ thống. Dùng tiền này để sử dụng cho mục đích cá nhân.
2. Với những khách hàng đã có tiền trong tài khoản của NH thì thực hiện giả chữ ký của khách hàng để chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của họ rồi tiêu xài.
Ngoài ra còn có thêm một số hình thức khác để nhân viên lợi dụng lừa đảo như phát hành số tiết kiệm giả rồi thế chấp đi vay NH... Nhưng nếu làm đúng quy trình cho vay thì có thể ngăn chặn được.
Với trường hợp thứ nhất: Nhân viên NH thu tiền của khách hàng nhưng không nộp vào hệ thống, mà thông đồng với nhau dùng cho mục đích riêng. Các nhân viên NH này thường dùng sổ theo dõi riêng để thực hiện việc chi trả lãi và gốc cho khách hàng. Nếu họ sử dụng không hợp lý, mất khả năng thanh toán sẽ bị phát hiện ra như trường hợp Huyền Như.
Để ngăn chặn hiện tượng này thì bộ phận Back có nhiệm vụ kiểm tra chứng từng và sao kê do Phòng Giao dịch gửi về. Ngoài việc kiểm tra chứng từ đơn thuần, còn phải đối chiếu cả với Camera quay lại để ghi số lượng khách hàng nộp tiền trong ngày với số lượng các giao dịch nộp tiền nhập vào trên hệ thống. Đồng thời khi bố trí Camera phải đảm bảo theo dõi được cả quá trình đếm tiền, để biết số lượng tiền mỗi lần nộp và quy định sau khi đếm xong phải ghi sao kê thu tiền. Cần đặt vào vị trí để Camera quay sát, chính xác số lượng tiền đếm được.
Với trường hợp thứ hai: Nhân viên NH giả chữ ký của khách hàng đã chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng vào tài khoản cá nhân họ hoặc tài khoản họ cần thanh toán. Với trường hợp này thì các NH nước ngoài xử lý bằng cách: Nhân viên NH chỉ có thể thực hiện các giao dịch xem, chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản của khách hàng khi có sự “đồng ý" của khách hàng.
Cụ thể là khi khách hàng tới giao dịch tại NH, nhân viên NH trước khi thực hiện giao dịch sẽ yêu cầu khách hàng quẹt thẻ vào một thiết bị (tương tự như máy POS) và nhập mật khẩu, máy này kết nối với máy tính của HN. Sau đó nhân viên NH mới thực hiện được các giao dịch liên quan tới tài khoản của khách hàng. Như vậy mỗi khách hàng mở tài khoản đều phải được cấp luôn cho một thẻ thanh toán ATM, thẻ này có tác dụng làm thẻ để mang tới NH giao dịch. Nếu không có thẻ này thì nhân viên NH không thực hiện giao dịch được.
Việc trang bị các thiết bị này cũng không quá tốn kém, chỉ khoảng vài triệu VND/ máy và các NH chỉ phải thay đổi một chút phần mềm giao dịch. Nhưng làm được việc này cũng khá bảo mật và các giao dịch thực hiện theo kiểu hiện đại, không cần dùng nhiều giấy tờ.
II/. Giải pháp đối với phần trách nhiệm liên quan tới tài khoản của khách hàng:
… Để có thể kết luận NH có phải chịu trách nhiệm nào không với sự việc nhân viên thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, đối với trường hợp này tôi chỉ xin nêu ví dụ về hoạt động của các công ty bảo hiểm ở Canada đối với những nhân viên đại lý đi bán bảo hiểm:
Mỗi nhân viên này khi ký hợp đồng thì đều được coi là đại diện công ty và bất cứ điều gì khi họ đi làm việc mà gây thiệt hại cho khách hàng thì công ty phải chịu trách nhiệm đền bù. Để tránh trường hợp phải đền bù quá nhiều, các công ty bảo hiểm thực hiện mua bảo hiểm cho những rủi ro mà nhân viên của họ có thể gây nên, và họ lại yêu cầu các nhân viên này phải đóng cho công ty tiền mà công ty đã mua bảo hiểm. Như vậy khi rủi ro xảy ra thì đã có công ty bảo hiểm đền bù, đảm bảo cho khách hàng khi gửi tiền tại các NH yên tâm.
Ngoài việc các NH hiện nay mua bảo hiểm tiền gửi (chỉ đền bù trong trường hợp NH bị phá sản) thì nên có thêm gói bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng nếu bị nhân viên thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy NH mất thêm phí bảo hiểm, nhưng khi xảy ra trường hợp tương tự như vụ Huyền Như thì công ty bảo hiểm đứng ra đền bù.
III/. Giải pháp đối với người gửi tiền:
Để biến mình trở thành người gửi tiền "thông minh" cũng cần một số kinh nghiệm để tránh gặp phải những cán bộ NH lừa đảo kiểu Huyền Như. Đó là:
+ Sử dụng dịch vụ SMS: Thông thường ở VN người có tiền thì chắc cũng có điện thoại di động, nên sử dụng dịch vụ SMS để mỗi khi có sự biến động nào trong tài khoản thì giao dịch sẽ báo vào điện thoại di động. Nếu không sử dụng Internet Banking.
+ Với những người cao tuổi không quen sử dụng công nghệ thì mỗi lần nộp tiền vào NH, ngoài việc được trả lại một liên phiếu thu hay sổ tiết kiệm phải yêu cầu thêm nhân viên NH đưa cho một giấy hạch toán nộp tiền vào, in từ máy tính ra. Và in luôn sao kê số dư tài khoản xem tiền trong tài khoản có tăng lên không?
+ Nên đến giao dịch tại những chi nhánh lớn có nhiều nhân viên thì khả năng "thông đồng" sẽ thấp hơn nhiều các phòng giao dịch ít nhân viên.
+ Không nên "để trứng vào một giỏ", tốt nhất là nên gửi mỗi NH một ít.
Trên đây là những ý kiến và kinh nghiệm cá nhân của tôi. Hy vọng sẽ có nhiều ý kiến và đóng góp từ các độc giả khác cùng thảo luận, để đưa ra những kinh nghiệm và giải pháp khắc phục tránh xảy ra nhưng sự cố như vụ Huyền Như vừa qua.
Nguyễn Hồng Hải: honghaivib@gmail.com