Tướng Ngọ qua đời, có đình chỉ vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”?

(Dân trí) - “Mặc dù Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã từ trần nhưng vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” vẫn được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để khẳng định người mật báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn có phải ông Ngọ hay không”.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã qua đời vào 21h5 ngày 18/2 tại Bệnh viện Quân đội 108

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã qua đời vào 21h5 ngày 18/2 tại Bệnh viện Quân đội 108
 
Sau khi Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời, liên quan đến việc Dương Chí Dũng khai tại toà rằng việc mình bỏ trốn là do được ông Ngọ mật báo, luật sư Vũ Viết Vạn Xuân (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Trong quy định của luật tố tụng hình sự, khi đã khởi tố vụ án mà chưa khởi tố bị can, tức là chưa xác định được người bị tố cáo có phạm tội hay không. Vì vậy, khi người bị tố cáo qua đời, vụ án vẫn được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra để xác định các đối tượng liên quan.

 

Đối với trường hợp cụ thể của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ bị Dương Chí Dũng tố cáo là người mật báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan tố tụng mới khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 286 Bộ luật hình sự để điều tra nhưng chưa khởi tố bị can. Có nghĩa chưa thể khẳng định ông Ngọ có liên quan trong vụ án này hay không. Do đó, sau khi ông Ngọ mất, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra vụ án như đã khởi tố để tìm ra người nào báo tin cho Dương Chí Dũng.

 

Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định đúng ông Ngọ là người duy nhất mật báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn và ông Ngọ đã chết, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.
 
Cùng quan điểm, luật sư Tạ Quốc Cường - Giám đốc Công ty luật hợp danh Sự Thật (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, theo quy định của luật tố tụng hình sự, khi đã khởi tố vụ án mà chưa khởi tố bị can, tức là chưa xác định được người bị tố cáo có dấu hiệu phạm tội, khi người bị tố cáo chết, vụ án vẫn được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra để xác định các đối tượng liên quan.
 
Tuy ông Phạm Quý Ngọ bị Dương Chí Dũng tố cáo nhưng quá trình điều tra, ông Ngọ chưa bị khởi tố bị can, tức là chưa xác định được dấu hiệu tội phạm của ông Phạm Quý Ngọ trong vụ án này.
 

“Việc ông Ngọ mất, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra vụ án như đã khởi tố. Trường hợp xác định được dấu hiệu tội phạm ở những nghi can khác, cơ quan điều tra có thể khởi tố bị can đối với những người này.

 
Trong trường hợp ông Phạm Quý Ngọ được xác định là nghi can duy nhất của vụ án, trước cái chết của ông Ngọ, Cơ quan điều tra phải ban hành quyết định đình chỉ vụ án, kết thúc điều tra.” - luật sư Cường nêu quan điểm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về hướng xử lý với vụ án Làm lộ bí mật nhà nước sau khi tướng Phạm Quý Ngọ qua đời, Thẩm phán Trương Việt Toàn, người đã công bố Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” cho rằng, vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan an ninh điều tra.

Trước câu hỏi về việc người liên quan vụ án đã mất, quy trình pháp luật sẽ được thực hiện như thế nào, ông Toàn cho biết, theo điều 107 Luật Tố tụng hình sự, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ vụ án.

 

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm phạm tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài chiều ngày 7/1/2014. Bị can Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, có mặt tại tòa với tư cách là nhân chứng liên quan đến vụ việc đã khai tại toà việc mình biết thông tin để bỏ trốn là do được Thượng tướng Phạm Quý Ngọ mật báo.

 

T.Hợp - T.Nguyên - P.Thảo