Những điểm khác biệt trong vụ án đánh bạc có ông tướng tham gia

Liệu có bao nhiêu bị can dính thêm tội rửa tiền trong số hơn 70 đối tượng lộ diện, đã bị khởi tố?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Rất tình cờ, ngay buổi chiều (cuối tháng 8.2017) Công an Phú Thọ bắt đối tượng Nguyễn Văn Dương vì tổ chức đánh bạc ngàn tỉ đồng, tôi đã được biết, một số vị có chức sắc cũng bị “dính” vào vụ án này, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao (C50). Với tướng Hóa, tôi từng được ông hỗ trợ thông tin về một số vụ án khi đang là trưởng phòng của Cục Cảnh sát Kinh tế (lúc đó chưa có C50). Ông là người cởi mở, thông minh và tỏ ra rất quyết liệt với tội phạm. Vậy mà, giờ đây ông Hóa lại trở thành một bị can trong vụ án đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, không phải chỉ mình tướng Hóa, mà còn một số vị có chức sắc khác cùng bị tạm đình chỉ công tác.

Tôi không thể hiểu nổi.

Dù đã được nghe từ vài vị lãnh đạo có trách nhiệm, tôi vẫn chưa biết: Tướng Hóa chỉ là bảo kê cho các đối tượng tổ chức đánh bạc hay là một trong những người tham gia sâu vào tổ chức đánh bạc này để ăn chia phần trăm?

Theo một số cán bộ công an sớm biết sự tồn tại tổ chức đánh bạc này cho biết, việc tổ chức đánh bạc trên mạng không khó để phát hiện ra, vấn đề là truy ra gốc của nó. Chính họ cũng đã từng “lần mò” vào vụ án này, tất cả các đường dây đều hướng về C50 nên cũng khó phanh phui. Còn các vụ án khác, nhiều khi biết gốc của nó cũng chịu vì máy chủ của nó để ở nước ngoài.

Ví dụ điển hình là vụ M88, hàng chục đối tượng bị hầu tòa chủ yếu là các con bạc và một số người làm thuê cho các ông chủ ở nước ngoài. Nhưng ngay sau đó, M88 này vẫn ngang nhiên mời chào các hình thức đánh bạc ở trên mạng. Đó là cái khó thời buổi thông tin qua mạng xã hội hiện nay.

Còn với các vụ cá độ bóng đá “nhỏ, lẻ” (cũng hàng trăm tỉ đồng) do các đầu nậu ở Việt Nam đứng ra “cầm cái” thì phần lớn cũng “bán” lại cho các trung tâm cá độ lớn ở nước ngoài, điển hình là vụ án PMU 18. Tuy có một số quan chức dính vào vụ án này, nhưng họ dính vào với vai trò là con bạc. Còn những kẻ cầm đầu đường dây cá độ này vẫn chỉ là những đối tượng “tép riu”.

Vậy, với vụ án hàng nghìn tỉ đồng này khác gì với những vụ án cờ bạc từng xảy ra?

Điều nổi bật nhất là sự dính líu của một vị tướng tá trong lực lượng chức năng có nhiệm vụ chống loại tội phạm này. Dù người viết chưa biết người này tham gia sâu tới mức nào, nhưng đó là điểm thực sự khác biệt và nguy hiểm cũng chính là ở đây.

Thứ hai là những tội danh được đưa ra khi khởi tố vụ án không chỉ là cờ bạc mà còn mua bán hóa đơn và rửa tiền. Điều đó cho thấy, cơ quan an ninh Phú Thọ đã điều tra các đối tượng rửa tiền qua đánh bạc. Vậy những ai cần rửa tiền? Điều này sẽ sớm lộ diện trước công luận. Liệu có bao nhiêu bị can dính thêm tội rửa tiền trong số hơn 70 đối tượng đã bị khởi tố?

Thứ ba, nếu các đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc trước đây hầu hết là các phần tử cờ bạc chuyên nghiệp, có tiền án tiền sự thì lần này hoàn toàn khác. Đó là Chủ tịch HĐQT, là Tổng giám đốc những doanh nghiệp tầm cỡ, trong đó có đối tượng đang là “ngôi sao sáng” của lớp trẻ, với con đường mênh mang rộng mở phía trước.

Không chỉ vậy, vụ án này lại được ông tướng có nhiệm vụ phòng ngừa, phá những án kiểu này- tham gia trực tiếp thì… thôi rồi.

Vậy mà, anh ấy đã trượt ngã.

Vậy, ai đã dẫn anh áy đến con đường này? Điều này thật khó trả lời, trừ anh ấy.

Vậy phải chăng chính vì vụ án được “ chỉ đạo” bởi những đối tượng như vậy, nên không chỉ số lượng bị can đông, nhiều tội danh mà còn số tiền đánh bạc cực lớn?

Thứ tư, vụ án này diễn ra trên nhiều tỉnh thành cả nước, có một số vị tướng tá ở Tổng cục Cảnh sát bị dính sâu vào, lại do Công an một tỉnh lẻ phá án. Đó là điều không dễ cho bất cứ công an tỉnh, thành phố nào.

Công an Phú Thọ từng khiến người viết từng phải ngỡ ngàng bởi những vụ án “dị”. Cách đây hơn chục năm, dù số lượng cán bộ ít, họ phải lặn lội nhiều lần ở nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc chí Nam để phá vụ án buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng lớn nhất nước. Và khoảng 5- 6 năm trước, chính Công an Phú Thọ đã dám lật tẩy nhiều xe biển số ngoại giao xịn được một số người có máu mặt sử dụng. Nói Công an Phú Thọ “dám” làm là bởi, tôi biết, có công an địa phương khác đã định khởi tố vụ án liên quan đến vụ việc này nhưng đành bỏ cuộc vì … “nguy hiểm” quá.

Vương Hà