Nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng bắt trẻ học thêm

(Dân trí) - Đọc bài viết “Học sinh học ba ca”, tôi thấy tác giả mới nói việc học thêm của học sinh lớp 6 và ở quận nội thành.

Thật ra, tình trạng bắt trẻ học thêm nhồi nhét đã trở thành phổ biến ở cả các huyện ngoại thành và với cả các cháu mới bắt đầu đi học - Bạn đọc Nguyễn Đức Thịnh nhận xét như vậy từ việc học của con mình.

 

Con trai tôi năm nay mới bước vào lớp 1, trước khi nhập học chính thức tại trường tiểu học (tức là khai giảng năm học mới) cháu đã phải học thêm tại nhà cô một tuần 3 buổi sáng (tất nhiên là không chỉ riêng con tôi đi học như vậy).

 

Khi bắt đầu năm học mới, nhà trường đã chủ trương dạy cả ngày thứ 7 mà trong qui định của Bộ GD-ĐT thì các cháu chỉ học hết ngày thứ 6 (trong thời khoá biểu cô làm cho các cháu gửi về nhà thì thứ 7 là ngày cô dạy làm các loại bài tập nâng cao, bao gồm cả toán và học vần).

 

Các cháu đi học được khoảng 1 tuần cô giáo bắt đầu tổ chức dạy thêm tại nhà một tuần 2 buổi chiều sau giờ tan học ở trường và con tôi lại phải chạy theo lịch học 3 ca như của các anh chị 10-11 tuổi như cháu của bác Hưng đã nói trong bài viết. Nhiều hôm đón con ở trường để chuẩn bị đưa đến nhà cô học, cháu tỏ vẻ rất buồn và kêu mệt không muốn đi học nữa, rất thương con nhưng tôi vẫn phải động viên con để cháu cố gắng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thế rồi việc học thứ 7 và học thêm tại nhà cô đã có vị phụ huynh phản ảnh lên Bộ GD-ĐT, trong thời gian đó nhà trường tạm ngừng không dạy ngày thứ 7 và tất nhiên là việc học thêm ở nhà cô cũng tạm thời dừng lại, được khoảng hai tuần không đi học thứ bảy, đến tuần thứ ba con tôi về bảo rằng cô giáo dặn nếu ai muốn đi học thứ bảy thì phải tự nguyện làm đơn gửi cô giáo để cô gửi lên nhà trường đề nghị tổ chức học, cháu có vẻ rất sốt sắng và luôn hỏi tôi đã viết đơn chưa (vì cô bảo ngày mai là hết hạn), cháu còn dặn đi dặn lại mẹ phải viết rằng Đơn xin trông nom chăm sóc ngày thứ 7 (Chứ không được viết là Đơn xin đi học thêm ngày thứ 7 vì ở lớp con đã có bạn bố mẹ viết nhầm như thế).

 

Vậy là mặc dù rất muốn cho con nghỉ ngày thứ bảy nhưng tôi đã phải ngồi viết đơn theo đúng yêu cầu của cháu mà cô đã hướng dẫn ở lớp để cho con được đi học thứ bảy. Như vậy là từ khi tạm dừng không đi học thứ 7 đến khi nộp đơn và đi học lại là 3 tuần, mà tôi nhận thấy rằng hầu như tất cả các cháu trong lớp và toàn bộ các lớp trong trường từ khối 1 đến  khối 5 đều đi học ngày thứ 7.

 

Xin nói thêm rằng từ hôm không đi học thêm nhà cô nữa con tôi chỉ được 8 điểm tập viết là cao nhất thậm chí cháu còn bị 6 điểm (trước đây cháu toàn được điểm 9,10), những lần tôi đi đón con đã có vị phụ huynh của cháu học cùng lớp tâm sự rằng con chị cũng trong tình trạng như vậy, chị nói từ hôm không đi học thêm nhà cô, cháu viết xấu đi hẳn và chị cũng có ý hỏi tôi có tiếp tục cho con đi học nhà cô nữa  không?

 

Như vậy nếu bây giờ cô giáo tiếp tục tổ chức dạy thêm tại nhà chắc có lẽ không vị phụ huynh nào là không cho con đi học và tôi còn nghe phong thanh mấy chị phụ huynh trong lớp đang định thuê phòng chỗ khác và mời cô đến dạy để tránh tai tiếng và không vi phạm là dạy thêm tại nhà.
 
Nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng bắt trẻ học thêm - 1

(nguồn ảnh: congluan.vn)

 

Bạn đọc Nguyễn Hiền:

 

Mới học có 3 ca mà đã kêu trời vậy sao? Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy đã từ lâu học sinh ở nhiều thành phố hằng ngày vẫn phải chạy sô 4 ca là chuyện bình thường. Sáng học từ 7h đến 11h30, chiều từ 2h đến 5h, ca xế chiều từ 5h30 đến 7h và ca cuối cùng là 7h30 đến 9h. Đó là chưa kể về nhà còn phải thức đêm làm bài tập. Bữa ăn quen thuộc luôn là cái bánh mì và túi sữa.

 

Dù là học sinh nhưng nghỉ hè chỉ được nghỉ độ nửa tháng là lại tất bật đi học. Giáo viên lên lớp giờ học chính chỉ để ôn tập phần lý thuyết đã được dạy ở chỗ học thêm thì thử hỏi làm gì có em nào dám không học thêm. Thậm chí đầu năm thầy cô còn đọc cho các em chép 1 bản gọi là giấy tự nguyện học thêm đem về cho phụ huynh ký để đối phó với các thanh tra giáo dục. Đây là vấn đề tồn tại bao năm nay và hầu như đã trở thành phố biến rồi!

 
Bạn đọc Trịnh Thu Hương:

 

Tôi hoàn toàn đồng cảm với bài viết của bác Phúc Hưng. Chúng tôi sống tại trung tâm thành phố, có 2 cháu trai; một cháu hiện đang học lớp 11 và một cháu hiện đang học lớp 5. Chúng tôi có may mắn không phải đóng tiền trái tuyến. Cháu bé học bán trú cả ngày tại trường.

 

Tuy nhiên, tình trạng học của con trai lớn tôi mới kinh khủng. Cháu học từ thứ 2 đến thứ 7. Hàng ngày cháu dậy vào lúc 6h sáng và bắt đầu ra khỏi nhà từ lúc 6h15. Các giờ học thêm ở trường là vào các buổi sáng, giờ học chính tại trường là các buổi chiều và học thêm một số bộ môn của các cô tại địa điểm cô thuê bắt đầu ngay sau khi tan trường.

 

Cháu học cả ba ca như thế là vì nếu không đi học thêm cô thì sẽ bị cô mắng là ngu và bị trù úm!  Thế là hàng ngày chúng tôi không gặp nhau đến tận 8h tối. Nhớ con và thương con, tôi cũng chẳng biết làm gì để cải thiện được lịch học này. Có những ngày cháu về đến nhà mà môi cháu nhợt nhạt và tôi chỉ biết nấu những món ăn cháu thích và ép cháu ăn nhiều để lấy sức đi học!

 

Người xin giấu tên:

 

 Tôi là một công nhân bình thường tại thành phố Hải Dương, sau khi đọc được bài “ Học sinh “học 3 ca “  tôi cảm thấy quá bình thường so với học sinh bắt đầu học lớp 1 tại trường tiểu học Nguyễn Lương Bằng tp Hải Dương. Tôi thật sự thất vọng về cách thức giáo dục của trường Nguyễn Lương Bằng, gây bức xúc trong dư luận, xong không ai dám lên tiếng vì sợ con mình bị trù dập.


Xin nói cụ thể nội dung học và lịch học của các cháu như sau: Lớp 1D trường tiểu học này, các cháu học từ thứ 2 đến thứ 6 cả ngày. Thư 7, chủ nhật học thêm cả ngày ở lớp tại nhà cô giáo chủ nhiệm. Như vậy thì các cháu làm gì có thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sức khỏe của các cháu.

 

Mong Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tp Hải Dương quan tâm đến những kiến nghị của những người dân bình thường như chúng tôi. Một lần nữa chúng tôi xin cảm ơn tòa soạn đã đăng những bài báo có ý nghĩa. Chúng tôi như được chia sẻ  những bức xúc trong tâm tư của những người làm cha làm mẹ. Xin chân thành cảm ơn.

 

Bạn đọc Phạm Niên:

 

Tôi thật sự không hiểu vì sao trẻ em bây giờ phải học nhiều và học nhồi nhét đến thế. Ngày trước (chưa phải là xa  vì tôi mới ra trường đi làm được 3 năm), mỗi tuần tôi chỉ phải học thêm 3 buổi, học chính 6 buổi, vị chi cả tuần có 3 ngày học cả ngày, còn lại học nửa ngày, CN nghỉ cả ngày. Ngoài giờ học trên lớp và đi học thêm, tôi chỉ cần dành ra khoảng 2 tiếng để tự học ở nhà  nhưng đã thi đậu vào một trường đại học có uy tín  và ra trường đang làm ở một tổ chức tài chính lớn.

 

Giờ thì đàn em phải học quá nhiều? Sáng học chính, chiều học thêm (hoặc ngược lại); sau giờ học (khoảng 17h) bắt đầu vào ca học tối, có hôm đi đến gần 22h (học thêm 2 ca mà). Đó là các lớp lớn, còn nhỏ hơn (như bậc tiểu học) thì cũng sáng học chính, chiều học thêm (hoặc ngược lại). Nhiều khi thấy bọn nó học mà sót ruột, hỏi có mệt không? Bọn nó chả thèm chả lời....  Có lẽ vì mệt quá. Còn kết quả thế nào? Cái này để mọi người tự đánh giá qua thực tế.

 

Tưởng học nhiều như thế ở thành phố thì mức độ thành công nhiều hơn, nhưng kết quả ngược lại,  học sinh ở vùng nông thôn (ít điều kiện hơn) đạt thành tích thi đại học tốt hơn nhiều... Hơn nữa việc học thêm nhồi nhét và thiếu phương pháp gây nên nhiều mặt tiêu cực khác cho gia đình và xã hội... Đã có bao nhiều vụ tự tử vì học, hoá điên vì học?! Tôi thấy báo đài nói nhiều về hiện trạng này, nhưng chưa thực sự thấy cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm. Đây cũng là một vấn đề mang tính xã hội, có thể điều chỉnh bằng cả biện pháp vận động giáo dục và cần mạnh tay dùng các biện pháp chế tài của nhà nước.

 

Vũ Thị Thanh Nga:


Cháu nhà tôi học lớp 1 cũng chịu sức ép như vậy.Cả ngày học ở trường rồi, về nhà có bài tập theo tuần cô ra theo từng ngày.Thứ 7 và chủ nhật được nghỉ nhưng buổi sáng lại hoc thêm ở nhà cô theo tinh thần "tự nguyện", lại còn 1 tờ A4 kín hai mặt là bài tập thứ 7 và chủ nhật phải làm để thứ 2 nộp cho cô giáo.

 

Chưa kể mặc dù đã quá nhiều bài tâp nhu vậy nhưng cô vẫn bảo về nhà các con tự viết thêm câu (gần như bắt buộc).Tối nào cháu cũng phải học đến 9h30-10h.Tôi thật sự không thể hiểu nổi giáo dục VN sẽ  đi đâu và về đâu khi báo đài cứ nói ra rả về cải cách giaó dục, vậy cải cách về cái gì tôi không hiểu.

 

Các cháu còn quá nhỏ mà khối lượng bài vở quá nhiều, áp lực từ thầy cô cũng không ít khi cô giáo cứ suôt ngày bảo " Cháu viết được 8 điểm , toán 10 cũng không được học sinh giỏi đâu". Tôi nghĩ tỷ lệ học sinh giỏi theo cách này cũng là chỉ để đánh bóng tên tuổi của các thầy cô, lấy thương hiệu, bao nhiêu trút hết lên đàu con trẻ.

 

Đến nay con tôi đã vào học lớp 1 từ 1/7/2011, trải qua 4 tháng nhưng gia đình và bản thân các cháu quá mệt mỏi với bài vở và trường lớp. Khi các cháu còn rất nhỏ mà bắt các cháu học tập căng thẳng như vậy, nhưng khi lên học đại học cần phải học tập chuyên cần, đào sâu nghiên cứu trau dồi kiến thức để ra đời làm viêc thì quản lý lỏng lẻo, ai muốn học kiểu gì thì học .

 

Tôi đề nghị bộ GD-ĐT làm thật mạnh tay để loại bỏ hẳn việc dạy thêm hiện nay của các thầy cô ở phổ thông, không để họ bắt ép bố mẹ ký giấy "tự nguyện" xin học thêm. Không biết các thầy cô có con nhỏ hay không mà đang tâm làm vây? Đó là hành vi đáng lên án mạnh mẽ cần có sự chung tay của tất cả các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.

 

LTS Dân trí - Nỗi bức xúc và lời kêu cứu của nhiều ông bố bà mẹ về tình trạng bắt trẻ em học nhồi nhét đến mức mất hết thời gian vui chơi giải trí, làm các em không phát triển được bình thường theo đúng lứa tuổi.

 

Không biết nỗi lòng đó có thấu đến tai các vị có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý ngành giáo dục-đào tạo từ cấp Bộ cho đến các Sở GD-ĐT hay không? Và tình hình đó đã tồn tại từ nhiều năm rồi, chẳng lẽ không thể tìm ra biện pháp nào ngăn chặn có hiệu quả tình trạng dạy thêm tràn lan.

 

Nếu có biện pháp kiên quyết và mạnh tay đối với các cấp quản lý giáo dục cũng như các giáo viên cố tình bắt ép con trẻ học thêm dưới mọi hình thức, chắc chắn sẽ lập lại được kỷ cương và nền nếp cần thiết của việc dạy và việc học trong nhà trường của chúng ta.