Nhân tài và trách nhiệm công dân

Nhân tài cần môi trường làm việc, được trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng khi có những phát minh, sáng kiến xứng tầm, mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhưng nhân tài cũng phải thực hiện trách nhiệm công dân..

 

Nhân tài và trách nhiệm công dân - 1

    Ảnh minh họa. ( Nguồn:dantri.com.vn)

Những năm qua, chính sách hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đã được thực hiện ở nhiều địa phương và đạt được hiệu quả nhất định.

So với nhiều địa phương khác, Đà Nẵng đã có những bước “đột phá” trong việc thu hút nguồn nhân lực trẻ để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bằng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), 10 năm qua, Đà Nẵng đã bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng để đảm bảo kinh phí đào tạo đại học, sau đại học (trong và ngoài nước) cho 630 lượt sinh viên, nghiên cứu sinh.

Đi học bằng nguồn ngân sách nhà nước hay nói đúng hơn là tiền thuế của nhân dân, người học phải cam kết với chính quyền không ngừng tu dưỡng, học tập và sau khi học xong phải về địa phương làm việc với thời gian là 7 năm.

Trong số 630 lượt sinh viên, nghiên cứu sinh được hưởng ưu đãi theo Đề án 922, thì có 394 lượt tốt nghiệp, 359 người đã về nhận công tác tại các cơ quan, sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng. Những người đã tốt nghiệp, đã nhận công tác theo đúng cam kết của Đề án 922, dù không phải đều là những nhân tài, nhưng họ là nguồn nhân lực trẻ, có trình độ để đảm đương được nhiều vị trí trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước...

Trong khi đó, có 24 người sau khi đã tốt nghiệp vi phạm cam kết với chính quyền Đà Nẵng. Họ vi phạm thông qua hai hình thức: Không về địa phương làm việc mà ở lại nước ngoài làm việc hoặc nghiên cứu khoa học tiếp; về nước nhưng không làm việc ở các cơ quan đã được bố trí, quy hoạch.

Việc chính quyền Đà Nẵng khởi kiện 7/24 trường hợp ra Tòa án để yêu cầu hoàn trả lại tiền Nhà nước đã đầu tư theo Đề án 922  là bài học chung cho các địa phương khác khi đầu tư cho nguồn lực chất xám.

Sau khi bội tín với chính quyền Đà Nẵng, đáng ra, người vi phạm phải chủ động hoàn trả lại tiền hoặc bồi thường thiệt hại cho Nhà nước. Việc để chính quyền kiện ra Tòa án, rồi mới tính chuyện trả tiền sau khi thua kiện, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, không phải là cách ứng xử đúng, nhất là đối với những người trí thức.

Cuộc sống không thể không nghĩ đến lợi ích và cơ hội việc làm tốt hơn, nhưng cũng không vì thế mà chạy theo bằng mọi giá, không nghĩ đến những người nông dân “ dầm mưa, dãi nắng” đóng thuế để có tiền thực hiện Đề án 922.

Vẫn biết nhân tài hay những người có chất xám không làm việc ở cơ quan nhà nước thì họ vẫn có thể cống hiến, làm lợi cho xã hội. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, bởi là trí thức, nhân tài thật sự cần đặt giá trị đạo đức, sự trung thực trong nghiên cứu khoa học, chữ "Tín" trong nghề nghiệp và trách nhiệm công dân lên hàng đầu!

Đăng Dương

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)