Nhận diện báo lá cải
Đã từng có ý kiến của không ít quan chức cho rằng, ở nước ta không có báo lá cải và tuyệt đối không có báo tư nhân. Tuy nhiên, bạn đọc không khó khăn gì để nhận diện báo lá cải ngày ngày xuất hiện trên sạp báo và trong các xe bán báo rong với tiếng loa oang oang về nội dung 4 T.
Đó là những phụ trương, số cuối tuần, cuối tháng, chuyên đề... nặng mùi lá cải và hầu như đều do tư nhân “đăng cai nhận khoán”.
Thọ Vinh (NLM số 232)
Báo B là một tờ báo trực thuộc cơ quan V. Một ngày mát trời, ông tổng biên tập được bạn bè gợi ý, bỗng dưng nảy ra ý tưởng sẽ ra một tờ báo cuối tuần để vừa có đất thông tin vừa có thêm thu nhập cho anh em. Mọi người đồng ý nhưng lo không có người làm. Nhất dạ sinh bá kế, ông bèn nhờ một nhà báo đàn anh đã nghỉ hưu đang trông nom một trung tâm thông tin hữu danh vô thực của một hội nghiên cứu. Cái trung tâm này không có việc gì làm bởi “cái khó nó bó cái khôn”. Thế là ông nhận béng tờ báo cuối tuần kia giao cho đệ tử thực hiện nhân danh trung tâm. Cái gọi là sự hợp tác này được văn bản hóa và có ràng buộc theo quy định “mở” là quy chế duyệt tin bài và quy định “đóng” là phần thu nộp cho báo mẹ.
Phải nói rằng, đệ tử của ông giám đốc trung tâm này là một tay làm báo thị trường có nghề. Chỉ với vài nhân viên copy-paste, một họa sĩ dàn trang và một nhà báo nghỉ hưu chuyên chế lại sapô và chữa tít, tờ báo cuối tuần này phát triển ngoạn mục sặc mùi thị trường, giỏi lách kiểm soát của tổng biên tập để tồn tại. Đã có lần vớ được thông tin độc về phát hiện khảo cổ ở một dự án rồi sau đó có việc cháy xe, người mất chức, kẻ ra tòa và cái chết của một giáo sư khả kính với những sự trùng hợp khó biện giải. Đây rồi, cơ hội vàng để lách luật. Loạt bài phóng sự điều tra theo ý tưởng ma làm, thánh vật được hình thành và biến thành bài dài kỳ. Sau kỳ đầu bán rất chạy và kỳ sau số lượng in nối bản đến 5 con số mà vẫn không đủ bán. Cơ quan quản lý báo chí tuýt còi vụ “Ma làm”, “Thánh vật” chỉ làm vỡ trận bài vĩ thanh.
Sau đó báo mẹ bị phạt, báo con nộp số tiền “nhỏ như con thỏ”.
Vụ scandal khiến báo nổi như cồn nhưng báo mẹ cũng siết lại vòng cương tỏa. Sau vài năm ăn nên làm ra đến hồi suy thoái, phụ bản không tự nuôi mình và nộp khoán cho báo mẹ. Nhùng nhằng mãi báo B mới dọn xong vụ bán cái này để giao cho nhóm khác. Cũng vẫn là bán cái…
Các nhà báo lão thành nhận xét, buông và mở đã đẩy cơ quan quản lý vào thế kẹt. Theo Tạp chí Nghề báo của Hội Nhà báo TP HCM, hiện có đến 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp, riêng tại TP HCM có 270 trang thông tin điện tử được cấp phép. Chính đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng nhận xét các trang này không phải là cơ quan báo chí nhưng hoạt động như một cơ quan báo chí. Đáng quan ngại là rất nhiều trang thông tin điện tử chỉ làm công việc lấy tin bài của báo chính thống, vi phạm bản quyền và không chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Tôn chỉ, mục đích nào dành cho các trang mạng lá cải và làm sao quản được đám âm binh này nếu pháp sư không cao tay? Đã đến lúc cần sửa đổi Luật Báo chí để đưa hoạt động báo chí và thông tin mạng vào khuôn phép, có vậy mới hạn chế lá cải cỏ dại.