“Nhà xe bus” hãy thử một ngày luôn mỉm cười thân thiện!

(Dân trí) - Người châu Á nói chung và VN nói riêng được bạn bè nước ngoài nhận xét là rất hay cười. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, ấy vậy mà giờ đây trong cư xử với nhau nhiều khi để thấy được nụ cười cũng gần khó như… lên cung trăng vậy.

“Nhà xe bus” hãy thử một ngày luôn mỉm cười thân thiện!
Nhiều bạn đọc đề nghị: phụ xe bus nên ưu tiên tuyển nữ vì... mềm mại hơn

 

Áp lực công việc

 

Nụ cười ở đây chúng tôi chỉ muốn đề cập tới dưới góc độ bày tỏ sự thân thiện, vui vẻ, hòa nhã với người khác. Nhưng nếu như trong thời bao cấp xa xưa, nhân viên các ngành dịch vụ đã bị gán cho cái danh hiệu “không biết cười” thì cũng là đương nhiên, bởi họ được nhiều người cầu cạnh khi hàng hóa quá ít, người cần sử dụng lại quá nhiều. Nên nghiễm nhiên họ có được cái quyền ban phát, quyền luôn chiếm thế thượng phong trước người khác. 

 

Song trong thời kinh tế thị trường hôm nay, khi phương châm “khách hàng là Thượng Đế” đã tương đối được quán triệt trong nhiều lĩnh vực dịch vụ, thì với ngành xe bus (đặc biệt là của thủ đô Hà Nội) xem ra vẫn chỉ tồn tại… trên khẩu hiệu.

 

Nguyên nhân cũng như nhiều bạn đọc đã phân tích. Đó là do nhà xe bus hiện nay vẫn mang hơi hướng  mạnh mẽ của sự bao cấp. Giá vé rẻ, khách đi đông, nhà xe tự cho mình được những quyền ưu tiên và nghiễm nhiên nhân viên của họ khư khư ôm tư duy: Ai cần ta thì đến, còn ta đây chẳng cần ai. Được yêu mến thì lương cũng có vậy…???

 

Khi bị kêu ca, phê phán quá nhiều, lý do như một bạn đọc có nick Bus 20 vừa  đưa ra cũng chẳng có gì mới: lương không đủ sống, áp lực công việc nhiều, dễ bị “tăng xông” bởi ý thức của một số khách đi xe còn kém…

 

Tất nhiên, những điều đó cũng đúng bởi cũng là 1 thực tế chung ở nước ta  hiện nay, chứ không riêng gì với ngành xe bus. Nên người thông cảm, sẻ chia cũng có, hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc cũng có và cả chán nản, thất vọng cũng có.

 

“Xin chào các bạn ,để hiểu hơn về nghề xe bus, mình xin nói thẳng vào chủ đề luôn nhé. Mình từng là sinh viên ở Hà Nội được 5 năm và ngay lần đầu tiên mình đi xe bus đã có ác cảm với nhân viên xe bus. Nhưng sau khi học xong, tình cờ mình lại làm trên xe bus, âu đó cũng là cái duyên đấy các bạn ạ .Mình nảy sinh ý nghĩ là tìm hiểu tại sao nhân viên xe bus lại có thái độ như vậy và khi trực tiếp làm thì mình đã hiểu tại sao?

 

Các bạn đừng nghĩ công việc xe bus nhàn nhã. Không có đâu, sức ép công việc nặng lắm các bạn ạ.Mình nói thế này cho các bạn rõ nhé: Để đi làm bọn mình phải dậy từ lúc 3h sáng, đến đầu bến kiểm tra xe trước khi ra bến. Nếu không kiểm tra cẩn thận thì chỉ cần xe bị méo hoặc trầy xước, sẽ bị phạt từ 200 ngàn đến nặng thì 1triệu đồng. Khi ra ngoài bến, nếu đến đầu bến muộn là bị phạt 150 ngàn. Hôm nào đi làm mà mệt quá, chốt sai số hoặc chỉ cần không tròn số, hoặc nói chung là cái tờ lệnh bẩn sẽ bị phạt 150 ngàn và đình chỉ công việc một tuần hoặc nhiều hơn.

 

Lương thì ít, phạt thì nhiều. Mà bọn mình còn ăn theo tiền chuyến, lượt nữa. Tức là từ đầu A đến B chẳng hạn sẽ mất khoảng 15 phút, mà nào là tắc đường, đón trả khách muộn… sẽ không đủ lượt thì lấy gì mà ăn? Giờ cao điểm một xe chở hơn trăm người, nếu không may sót một vé thì không những bị phạt mà còn bị đuổi việc ngay vì bị cho là mình ăn trộm vé. Còn nhiều chuyện lắm, các bạn muốn đánh giá nghề xe bus ư, hãy làm lấy 6 tháng thôi sẽ tự biết tất cả” - Lâm Nhất Phương:  computer_winwin86@yahoo.com.vn

 

“Tài xế và phụ xe bus phải đi làm từ rất sớm lúc 3-4h sáng, khi mọi người còn đang ngủ và họ làm việc đến 9h tối mới được nghỉ. Lương bổng không bao nhiêu, mà trong quá trình lái xe lại rất căng thẳng vì hay bị xe máy lạng đầu rất nguy hiểm. Thêm nữa là họ sẽ bị trừ tiền nếu về bến trễ giờ… Thử hỏi làm việc trong tình trạng đó các bạn có tươi cười cả ngày được không? Các bạn là dân văn phòng mới bị sếp la một tí đã thấy căng thẳng rồi, còn người ta thì sao? Đã không thông cảm mà còn ý kiến trách móc này nọ sao nên…” - Anglekhin:  phantienduc190@yahoo.com

 

“Công nhận là nhiều người phụ xe tốt lắm. Việc của họ cũng vất vả nữa. Mỗi ngày mình đứng có 2 tiếng trên xe bus mà đã mỏi hết cả chân rồi, thế mà các anh ấy đứng bao nhiêu lâu. Tuy vẫn còn những phụ xe không ra gì, nhưng cũng không nên chỉ vì thế mà đánh giá chung cho cả. Nhiều lúc họ gắt mà mình cũng thấy thương. Mà mọi người đi ngắn thì cũng nên linh động về vé. Miệng “to” ăn nhiều chứ “bé” thì ăn bao nhiêu, đúng không? Toàn dân lao động chắt bóp từng đồng cả mà” - SHK:  gfgihch@yahoo.com

 

“Đúng là chuyện cư xử tốt của các nhân viên xe bus là hoàn toàn có. Mình là sinh viên học ở Hà Nội đã 4 năm và cả 4 năm đó mình đều đi học bằng xe bus. Nhiều khi có người chỉ đi xe bus có 1 lần là đã nói xe bus thế này xe bus thế kia, nhưng mình thấy mọi người cũng cần hiểu và thông cảm cho ngành nghề của họ bởi lượng người đi xe thường là quá đông.

 

Có đi xe bus nhiều các bạn mới cảm thấy và hiểu cho ngành nghề của họ vất vả như thế nào. Người lái xe thì phải vật lộn khi đường tắc, có những lúc thật sự là nguy hiểm, còn phụ xe thì thường phải len lỏi trong đám đông hàng trăm người trên xe... Mình thấy xe bus không quá đáng để bị kết tội nhiều như vậy.....” - Nhung Nhung:  nhungfocus9x@gmail.com

 

“Đúng vậy, không phải tất cả nhân viên xe bus là xấu cả đâu. Cũng còn nhiều người tốt lắm chứ. Hãy phát huy, học tập gương người tốt. Mình tin cái tốt nhất định sẽ đẩy lùi cái xấu, cái gì còn chưa được hôm nay, phải làm lại cho được vào ngày mai, ngày kia… Mỗi con người hãy sống thân thiện một chút, cảm thông nhau một chút, giúp đỡ nhau thêm một chút. Hãy coi xe bus như nhà của mình, anh em nhân viên xe bus cũng là người thân của mình! Ngược lại, các nhân viên xe bus cũng hãy coi khách hàng như người thân của mình. Có như vậy mới xây dựng được hình ảnh xe bus ngày càng đẹp hơn” -  Nguyễn Học Hải:  nguyenhaisuong@gmail.com.vn

 

“Anh nói rất đúng. Mọi người nên thông cảm và có cách ứng xử khác để việc đi xe bus trở nên tốt đẹp hơn” - Nguyễn Văn A:  nguyenvana@gmail.com

 

“Tôi đã và đang đi rất nhiều tuyến xe bus, cá nhân tôi thấy tuyến 11 (Hà Nội) nhiều lái xe và phụ xe lịch sự, tử tế nhất” - Minh Phương:  minhphuong0885@yahoo.com

 

“Chào bạn Bus 20, tôi đọc mà thông cảm với bạn rất nhiều. Hàng ngày nhìn các bạn chạy ngược chạy xuôi bán vé trên xe bus trong thời tiết nóng tới 37, 38 độ dúng là vất vả lắm chứ. Nhưng bạn có biết là bạn đang bị khiển tránh khi nói lộ ra 1 điều mà BT Thăng rất có thể sẽ xử lý bạn không? Vì BT Thăng đã kêu gọi xử lý thật nghiêm khắc những lái xe chở quá tải và quá số hành khác, vì đây là 1 nguyên nhân làm hỏng đường đấy… Thế mà xe của bạn chở gấp đôi, gấp 3 số hành khách thì chắc chắc là phục vụ bán vé làm sao được? Với việc này, chắc là ngành GTVT vẫn cố tình làm ngơ đây. Chỉ có người dân trả tiền mua vé nhưng bị nhồi nhét là phải chịu khổ. Và những người làm việc như các bạn cũng khổ hơn mà thôi” - Tran Minh Quang: minhquang_0205@yahoo.com

 

“Nói ra làm gì để người ta lại chê mình này nọ.... Ai hiểu được cảnh phụ xe bị chèn ép thế nào thì người ta đã hiểu từ lâu rồi. Còn ai không hiểu thì mình cũng chả cần người ta hiểu!!!” - Min:  mint_xx6886@yahoo.com

 

“Chúng ta cứ quy cho tài xế & phụ xe bus trong khi không xem xét lại chính mình. Tuy không nói những ý kiến trên là sai, nhưng mọi người đi xe bus thử nhìn lại mình đi! Nhiều thanh niên thấy người già, em nhỏ, người tàn tật mà cứ như không thấy. Mình chỉ đi xe bus tuyến 22 trong 6 năm liền, cũng thấy ý thức người đi đáng nói hơn nhiều đấy (chen lấn, xô đẩy, thiếu ý thức, chửi bậy...) Mình nghĩ, để phương tiện công cộng trở nên phổ biến và hữu dụng thì không chỉ các cơ quan chủ quản GTVT CC, mà hành khách cũng phải ý thức nhiều hơn nữa ^_^” - Dương Tuấn Linh: duongtuanlinh@ymail.com
 
“Nhà xe bus” hãy thử một ngày luôn mỉm cười thân thiện!
TPHCM đưa 21 “xe bus Xanh” đầu tiên thân thiện môi trường vào hoạt động từ tháng 8/2011

 

Trông lên, trông xuống…

 

Song song với những lời bày tỏ chia sẻ và động viên các nhân viên xe bus, đa số bạn đọc đồng thời cũng nêu rõ những điểm chưa thuyết phục trong các lý do được nêu ra. Đồng thời vạch rõ những cái được và chưa được ở vị trí làm việc mà nhiều khi trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng trông xuống thì cũng còn nhiều người muốn được như mình đó.

 

“Ai trong chúng ta đều có những khó khăn trong công việc và cuộc sống bạn à. Nhưng cái tôi muốn bạn (hay những đồng nghiệp của bạn) hiểu rằng, chúng tôi đi xe có trả tiền Phí, chúng tôi cần sự quan  tâm đến khách hàng (hành khách) của nhân viên xe bus. Chúng tôi cần sự An Toàn cho cả thể xác và tinh thần.

 

Bạn  thử nghĩ xem, chúng tôi bỏ tiền ra đi xe bus mà nhân viên có những hành vi không tốt như chửi hành khách, đánh hành khách, lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ép những người đi xe máy, xem thường mạng sống con người, vi phạm luật GT....Vậy  tôi xin hỏi bạn, cứ thế mấy ai trong chúng tôi còn dám đi xe bus nữa đây?...” - Dân Việt:  dep113@yahoo.com.vn

 

“Trời, đọc bài viết của bạn thấy mà ớn. Mỗi người mỗi việc, bạn đã chấp nhận vào nghề thu vé thì bạn phải chấp nhận những khó khăn trong nghề. Nghề của bạn với nghề vệ sinh đường phố cái nào khổ hơn, với nghề thợ xây, nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời nghề nào khổ hơn… Nếu không chịu được thì bạn nên chuyển nghề khác…

 

Nếu nhân viên phục vụ bàn, thấy khách hàng làm đổ nước, rơi cốc mà chửi khách thì chỉ có nước nghỉ việc, khỏi nhận lương chứ không được như các bạn đâu. Bạn nói thu tiền không xé vé chỉ là có thêm chút ít để uống nước? Lẽ ra bạn phải lấy lương của mình ra mà trả chứ, sao lại kiếm từ… túi người đi xe để trả? Nói như bạn không lẽ mấy anh công nhân lương ít thì lấy tạm ít đồ trong kho nhà máy để có tiền uống nước à? Có mà bị đuổi thẳng cố ngay ấy chứ.

 

Bạn làm nhà nước mà kêu “thưởng ít, phạt nhiều”? Vậy cứ làm công nhân khu công nghiệp (nhất là làm cho công ty nước ngoài) sẽ thấy thưởng/phạt thế nào. Nói thật với bạn, nếu phụ xe buýt lương 3 triệu mà tuyển công khai thì công nhân xin vào hết, không đến lượt bạn làm đâu. Vài lời góp ý, mong bạn đọc và ngẫm nghĩ thêm” -  Trường:  nguyenminhtruong86@yahoo.com

 

“Làm gì cũng phải có Đức và ngành nghề nào cũng có cái khó, cái khổ riêng. Anh/chị không thể lấy những cái đó ra làm "cớ" cho những hành động "giảm stress", "giảm khổ" của mình được. Trên xe bus cũng như trong cuộc sống, tôi tin sẽ chẳng ai nghĩ xấu, không thông cảm cho anh nếu như anh đối xử tốt với mọi người cả. Anh thử một lần luôn mỉm cười nhã nhặn, đối xử tốt với tất cả hành khách xem thử sẽ có bao nhiêu người yêu mến, mỉm cười lại với anh. Bao nhiêu người sẽ đứng ra bảo vệ anh nếu như có hành khách nào quá đáng... Tôi dám chắc cách làm đó sẽ hiệu quả cực kỳ, hơn là việc là anh cứ phải "nghĩ xấu" về môi trường làm việc, về hành khách để rồi phải đeo lên mình một gương mặt "hình sự" để mà tự bảo vệ mình một cách tiêu cực cả.

 

Hãy làm một nhân viên thân thiện trong 1 tháng, dám chắc nếu anh có dăm ba ngày nhăn nhó, hành khách sẽ hỏi han, động viên anh thay vì tránh xa anh... Bên cạnh đó,  xin nói thêm là tôi cũng rất cảm thông cho anh ở một điểm. Đó là có cái sai khá lớn của khâu tổ chức, của những người quản lý đã để và có thể nói là đã tạo điều kiện cho vấn nạn xe bus xảy ra ngày càng trầm trọng như thế này... Chúc anh sớm có được nụ cười trong công việc. Thân!” - Viễn:  gggragon@yahoo.com

 

“Các bác phụ xe buýt ơi, tôi có ý kiến này mong được thông cảm: các bác không xé vé cho khách vậy là có làm đúng quy định của công ty không, đó là chưa kể tới quyền lợi của khách hàng có được tôn trọng không nữa? Nghề nào thì cũng có áp lực của nghề đó, mọi người đều phải kiếm sống cả và chúng ta đều là vì cuộc sống cả thôi. Vậy tại sao chúng ta không cư xử cho văn minh hơn? Làm vậy tự chúng ta cũng đề cao mình rồi. Mong rằng văn hóa xe bus nói riêng và xã hội nói chung sẽ tốt lên, để chúng ta và các thế hệ mai sau được sống trong xã hội ngày càng văn minh và tốt đẹp hơn” - Chim én mùa xuân:  mtck54@gmail.com

 

“Ôi trời ơi, phụ xe mà nói tiền vé không xé để uống nước thì cũng đến chịu thật. Lương mình công tác gần 15 năm nay mà cũng chưa được tròn 3 triệu. Không hiểu mình lấy tiền uống nước ở đâu ra để bù cho hàng tháng nhỉ? Biết là công việc của lái phụ xe bus rất vất vả, nhưng các bạn không thể đơn giản chỉ đổ lỗi đó cho những thực tế này được. Cứ bao biện như bạn nói thế này, chắc chẳng ai có thể tin tưởng vào việc các bạn sẽ lấy lại được hình ảnh đẹp đẽ vốn phải có của xe bus Việt Nam đâu” - Trần Cung:  trancung@gmail.com

 

“Rất ít người phàn nàn về việc các vị có xé vé hay không, mà hành khách chủ yếu là phàn nàn về ý thức của các anh nhân viên xe bus. Ai cũng biết mỗi công việc có 1 cái khổ nhưng cũng có niềm vui riêng, chứ đâu phải công việc nào cũng sướng. Mấy anh nhân viên xe bus nên coi lại ý thức của mình và suy ngẫm lại. Muốn hành khách đặt họ vào vị trí của mình, thì các nhân viên xe bus trước hết phải biết tôn trọng hành khách chứ!” - Hero:  choa_38@yahoo.com

 

“Người thất nghiệp giờ rất nhiều, để có được việc làm như lái xe bus có lẽ cũng là ước mơ của nhiều lái xe. Tôi hy vọng những người có trách nhiệm nên xử lý thật nghiêm minh đối với những lái xe như vậy. Cứ cho nghỉ việc hết thì đố ông nào dám. Để dân kêu nhiều mà không cải thiện được hình ảnh thì còn lâu người ta mới đi. Người ta mất tiền để mua dịch vụ chứ người ta có xin không đâu. Hay các nhà quản lý nghĩ dân bỏ ra có mấy nghìn đồng thì có chỗ đứng trên xe để đi lại trong thành phố vậy là tốt rồi? Làm gì cũng phải có cái Tâm chứ” - Pham Minh:  theanh_15@yahoo.com

 
“Nhà xe bus” hãy thử một ngày luôn mỉm cười thân thiện!
Triển khai phương thức bán vé xe bus tự động sẽ thuận lợi hơn (ảnh: Người lao động)
 

Tính chuyên nghiệp và nguyên tắc nghề nghiệp

 

Góp ý của khách với “nhà xe bus” đã quá nhiều. Tựu trung lại điều mà người dân mong muốn nhất vẫn là làm sao xóa đi được những hình ảnh “xe bus xấu xí” hiện nay, để cùng nhau phấn đấu xây dựng cho được cái gọi là văn minh xe bus. Có vậy mới biến “giấc mơ” xe bus được đại đa số người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại chủ yếu thành hiện thực.

 

Và muốn thế, trước hết “nhà xe bus” phải tự cải tiến mình sao cho có cách làm việc chuyên nghiệp, tạo được những hình ảnh đẹp, có sức hấp dẫn với người dân.

 

“Thái độ của lái xe trong áp lực công việc, đông đúc, nóng bức (một phần có thể là do ý thức của người đi xe bus) là có thể hiểu được. Tuy nhiên đó chỉ là biện hộ, cũng phải nhìn nhận rằng, lái xe và phụ xe là những người được tuyển chọn, được đào tạo, phổ biến nội quy, cách thức làm việc... mà coi khách hàng như vậy là không thể chấp nhận được. Dù vé xe có là 3000 đ, dù nhà xe hoạt động phải bù lỗ, giờ cao điểm tắc đường hay xe chen chúc...nhưng thái độ đối với khách hàng như hiện nay là không thể được.

 

Theo tôi, dù thế nào cũng cần quán triệt quan điểm phải coi trọng khách hàng. Thái độ của các vị như hiện nay là vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp tối thiểu. Dù chỉ đi 1 lần, 2 lần hay chỉ đi 1km, nhưng hãy thể hiện sự chuyên nghiệp. Người cung cấp dịch vụ không thể đòi hỏi khách hàng trước khi thể hiện khả năng của mình. Người đi xe cũng nên chấp hành nội quy của nhà xe, thể hiện văn hóa của bản thân cũng như ý thức xã hội. Điều đó ai cũng mong mỏi, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Hy vọng trong những năm tới, tất cả đều được cải thiện tốt hơn” – bạn đọc có email:  thienthantrongdemmua@gmail.com 

 

“Bất cứ công việc, ngành nghề gì cũng đều có tính chất vất vả riêng của nó,  không việc gì là sướng cả đâu. Quan trọng là cái tâm, sự nhiệt huyết với nghề. Dù thế nào khi đã nhận công việc thì hãy làm việc để xứng đáng với đồng lương mình được nhận bạn nhé, dù chỉ là ít ỏi” - Quoc Dai:  quocdai291985@gmail.com

 

Nên chăng “nhà xe” cũng mở cuộc thi “Tìm kiếm nụ cười thân thiện nhân viên xe bus Việt” như kiểu các cuộc thi Idol, Got Talent…Tại sao không nhỉ, giải thưởng có khi chỉ cần nho nhỏ thôi, nhưng tính chất động viên, khuyến khích sẽ lớn hơn nhiều đấy.

 

Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm