"Nhà ta ta cứ xây..."

Đường ta ta cứ đi. Nhà ta ta cứ xây”. Lời bài thơ cũ là định mệnh mới. cứ mỗi tháng qua đi, chúng ta lại tiến hành một “cuộc chiến tranh Irắc” trên các nẻo đường đất nước.

Hàng ngàn người chết và bị thương chỉ vì: Người xe thì đông đúc, còn ý thức chấp hành luật lệ giao thông thì trống vắng ở trên đường. “Đường ta ta cứ đi”!

So với chuyện “đường ta ta cứ đi”, chuyện “nhà ta ta cứ xây” cũng khốc liệt không kém. Chỉ có điều, chết và bị thương ở đây là mỹ quan đô thị và bản sắc văn hoá dân tộc.

Cứ nhìn vào các dãy nhà, dãy phố mọc lên từ thời dân chủ cộng hoà trở lại đây, ít ai có thể tin rằng mọi cái sự xây dựng và sửa chữa tại Hà Nội đều phải xin phép và đều phải được phê duyệt. Các dãy nhà, dãy phố nói trên gần như đa số đều ống, đều lép kẹp; tất cả đều tân cổ giao duyên, tây ta lẫn lộn... Không biết chúng ta cần cấp phép và cần phê duyệt cái sự bát nháo này để làm gì?

Cái cần làm hơn là bảo tồn phố cổ, thì phố cổ lại đang bị xâm hại nặng nề. Hàng ngày hàng giờ, phố cổ đang bị biến dạng áp lực dân số và sự cơi nới và sửa chữa do áp lực này gây ra. Phố cổ rất có thể trở thành phố thiên cổ trong một ngày không xa. Lý do là: Có phép hay không có phép, phê duyệt hay không phê duyệt, phố cổ đã bị “nhà ta ta cứ xây” không khéo gần hết mất rồi. Các khu phố do người Pháp xây dựng cũng là những di sản quý cần bảo vệ. Tuy nhiên, không ít ngôi biệt thự  cũng đã bị phá dỡ, bị xù xì hoá bởi cái sự “nhà ta ta cứ xây”.

“Nhà ta ta cứ xây” xảy ra do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là ý thức chấp hành pháp luật của người dân không cao. Thái độ ác cảm đối với pháp luật có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử hàng chục thế kỷ bị đô hộ. Trong những thời kỳ này, pháp luật đồng nghĩa với ý chí thống trị của kẻ thù. Và phản ứng tự nhiên của người dân là bất tuân thủ pháp luật. Thời thế đã thay đổi, nhưng sự phản kháng nằm trong bản năng sinh tồn vẫn còn đọng lại. Thiếu một chiến lược truyền thông và giáo dục pháp luật hữu hiệu, thái độ ác cảm đối với pháp luật vẫn sẽ còn tồn tại dài dài như một nét tâm lý của người Việt. (Ngoài ra, về lâu về dài điều này chỉ có thể đạt được khi tính chất của pháp luật cũng phải thay đổi. Nếu pháp luật chỉ là ý chí của những người cầm quyền, thì sự phản cảm của người dân vẫn rất khó được khắc phục).

Hai là, thủ tục cấp phép xây dựng là hết sức nhiêu khê và bất khả thi. Có những thời kỳ, đã từng có đến trên 80% các nhà xây dựng trên địa bàn nhiều thành phố không có giấy phép.

Ba là, khả năng áp đặt việc tuân thủ các quy định nêu trong giấy phép là không cao. Các thủ tục cấp phép khó khăn đã trở nên ít có ý nghĩa. Bởi vì cứ có giấy phép là có thể “vận dụng sáng tạo” để xây thêm, để nới rộng.

Bốn là, việc cấp phép có vẻ như không phải bao giờ cũng gắn với một ý đồ kiến trúc tổng thể và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Cấp phép vì vậy nhiều khi rất giống với một quyền quản lý chỉ mang ý nghĩa tự thân.

Cuối cùng, công bằng mà nói một vài khu đô thị mới đã được quy hoạch khá tốt. Tuy nhiên, hiện tượng “nhà ta ta cứ xây” vẫn đang là xu thế không thể xem thường. Để khắc phục được xu thế này, phải làm được nhiều việc hơn là chỉ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.    
Theo Lao động