Người người lên chùa cúng sao giải hạn mùng 8
(Dân trí) - Mùng 8 tháng Giêng là ngày cúng sao giải hạn lớn nhất của năm nên trong ngày này, các ngôi chùa tấp nập người đến dâng sớ, thắp đèn cầy cầu mong điều tốt lành cho bản thân và gia đình.
Lễ cúng sao bắt nguồn từ Lão giáo, ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt rồi đi vào Phật giáo. Mọi người tin rằng mỗi năm có một vì sao cai quản mình, có sao tốt có sao xấu. Nếu gặp sao xấu, người ta phải cúng sao giải hạn để được an lành.
Thông thường, lễ cúng sao diễn ra vào tối mùng 8 nhưng mọi người có thể đến dâng sớ từ vài ngày trước. Để biết được sao nào chiếu mệnh của mình trong năm phải dựa vào "tuổi ta" rồi tra cứu. Người viết danh sách phải thuộc nằm lòng cách tính này. Có nơi đã "hiện đại hóa" như chùa Phước Duyên, quận 4 thì dùng máy vi tính để cập nhật danh sách cho nhanh và chính xác.
Chùa Thiên Hưng (quận Bình Thạnh) tấp nập người ra vào viết sớ, dâng sớ cúng sao
Sau khi viết sớ, các tín chủ lên chính điện đội sớ, chờ quý thầy đọc tên
Tiếp theo, sớ dược đưa lên sân thượng, nơi có bài vị của các ngôi sao
Tại chùa Phước Duyên (quận 4), sớ cúng sao được chuẩn bị từ nhiều ngày trước và treo sẵn
Bên cạnh việc dâng sớ, mọi người còn thắp hàng trăm ngọn nến trong nghi thức cúng sao
Các ngọn nến thường ghi tên, tuổi của tín chủ
Cúng sao đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt nhưng chuyện sao xấu, sao tốt thì mọi người có quan niệm không giống nhau. Chị Thanh Bình, một Phật tử ở quận 9 cho rằng: "Tôi không nghĩ là có ngôi sao nào chiếu vào con người ta mà mang phúc hay mang họa đến cho người ấy. Phúc hay họa là do mình, giống như người chạy xe phóng nhanh vượt ẩu sẽ bị tai nạn, học sinh chăm học thì sẽ đạt điểm cao".
Tại chùa Thiên Hưng, các sư thầy cũng khuyên Phật tử nên chăm chỉ làm việc thiện thì sẽ được phúc lành, không nên quá lo lắng hay vui mừng về việc sao xấu, sao tốt.
Hồng Nhung