Nghĩ về văn hóa học đường

Từ một số vụ việc ở trường học, không ít vấn đề phải được quan tâm, giải quyết không chỉ trong phạm vi ngành Giáo dục. Nếu không có cái nhìn biện chứng, toàn diện thì khó giải quyết vấn đề một cách căn bản, để nhà trường thật sự là nơi đào tạo nguồn nhân lực tương lai có đạo đức, tri thức và sáng tạo.


Ảnh minh họa. (Nguồn: tuoitre.vn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: tuoitre.vn)

Văn hóa, đạo đức học đường dù đã có nhiều đổi mới và tiến bộ hơn trước, nhưng dư luận xã hội vẫn chưa thật yên tâm khi có một số chuyện trái ngang: Cô giáo lên lớp nhưng không giảng bài trong 3 tháng liền; phạt học sinh bằng uống nước giẻ lau bảng; bắt học sinh quỳ...

Dù không phải là phổ quát, nhưng từ một số vụ việc nêu trên phản ánh sự mờ nhạt về chuẩn mực đạo đức, non nớt trong văn hóa ứng xử, kỹ năng sư phạm và coi thường pháp luật ở nơi đặc biệt quan trọng – nơi trồng người. Điều đó khiến các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, dư luận xã hội lo lắng và đi tìm nguyên nhân để có biện pháp giải quyết.

Khi xảy ra chuyện không hay trong môi trường học đường, ngành Giáo dục mới thấy sự cần thiết phải có ngay Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Quy tắc ứng xử là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ có lẽ vẫn là đạo đức, trí tuệ, phông văn hóa, ý thức và trách nhiệm của mỗi nhà giáo. Khi mỗi nhà giáo đều là tấm gương sáng thì học trò cũng sẽ là những ngôi sao sáng và môi trường học đường an toàn, thân thiện hơn.

Sẽ là thiếu nếu chỉ nâng chuẩn giáo viên đang đứng lớp mà quên đi việc phải khẩn trương rà soát nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng cho sinh viên sư phạm về đạo đức nhà giáo, vai trò và trách nhiệm của người giáo viên, ý nghĩa của giáo dục trong việc hình thành nhân cách học sinh, các nguyên tắc của hoạt động giáo dục đi liền với kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm phù hợp. Cùng với đó phải cải thiện văn hóa học đường hiện nay, có cách quản lý, giáo dục học sinh cho phù hợp với những thay đổi của xã hội.

Sẽ là thiếu nếu vấn đề tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học không được thực hiện đồng bộ, quyết liệt với cả thầy và trò, thậm chí với cả phụ huynh. Nếu thầy cô giáo biết việc hành hạ, làm nhục người khác, dù đó là học trò của mình là vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội hình sự, thì chắc chắc sẽ hạn chế tối đa nhưng hành vi lệch chuẩn. Nếu học sinh biết việc xúc phạm thầy cô, đánh bạn, hủy hoại tài sản của nhà trường là vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật, thì cũng không dám làm liều. Nếu phụ huynh biết việc bắt cô giáo dạy con mình phải quỳ tại lớp học (kể cả khi cô giáo có lỗi) là vi phạm pháp luật, thì sẽ khó xảy ra vụ việc tai tiếng như đã xảy ra ở Long An.

Từ môi trường học đường, không thể không suy nghĩ thêm vấn đề tăng cường giáo dục quyền con người. Giáo dục quyền con người chính là truyền đạt các kiến thức, kỹ năng và tạo nên thái độ tôn trọng quyền con người và tất cả các quyền tự do cơ bản; phát triển toàn diện con người và ý thức tôn trọng con người…Khi học về quyền con người, mỗi người được học về ý tưởng tôn trọng, đối xử khoan dung và công bằng. Học để hiểu tầm quan trọng của việc thụ hưởng quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác. Học để mỗi người biết cách sống phù hợp trong cộng đồng, có năng lực và hành động đúng đắn trong mỗi tình huống, hoàn cảnh đặt ra trong đời sống.

Từ môi trường học đường, không ít vấn đề phải được quan tâm, giải quyết không chỉ trong phạm vi ngành Giáo dục. Nếu không có cái nhìn biện chứng, toàn diện thì khó giải quyết vấn đề một cách căn bản, để nhà trường thật sự là nơi đào tạo nguồn nhân lực tương lai có đạo đức, tri thức và sáng tạo; có hoài bão và khát vọng; biết tôn trọng những chuẩn mực đạo đức và nhân phẩm của người khác./.

Theo Thái Vũ

Báo điện tử Đảng Cộng sán Việt Nam