Bạn đọc viết
Nghĩ về chuyện gắn biển số xanh cho xe Lexus ở Hậu Giang
Một vị lãnh đạo hằng ngày đi một chiếc xe sang như vậy đi làm, lướt qua trước mặt mọi người ở một địa phương còn nghèo, là không thích hợp
>> Làm rõ việc cấp biển xanh cho xe Lexus 5,7 tỷ của ông Phó Chủ tịch tỉnh
Xem ra câu chuyện chiếc xe Lexus của phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh được gắn biển số xanh chưa đến hồi kết.
Khi thông tin xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận nghĩ đấy là "chuyện thường ngày ở huyện" bởi xe sang gắn biển số xanh bây giờ không còn là chuyện hiếm hoi. Không chỉ Hậu Giang, Sóc Trăng cũng có nhiều xe Lexus 570 gắn biển số xanh. Người dân cho biết, tỉnh này có 4 xe Lexus 570 biển số 83A-004.68, 83A-033.33, 83A-066.66 và 83A-099.99. Đó đều là những xe đang sử dụng ở cơ quan công quyền của tỉnh.
Nhưng cơn sốt của dư luận đột ngột tăng cao khi phát ngôn của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đăng tải trên mặt báo về chuyện này.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định chiếc xe này là xe cá nhân ông Thanh mượn người quen đưa từ Hà Nội vào để sử dụng đi lại làm việc. Ông Chánh cũng cho biết “Sau khi ông Thanh mang xe vào, lãnh đạo tỉnh thấy rằng nếu ông Thanh dùng chiếc xe mang biển số trắng đi làm việc cũng không tiện, nên đã đề nghị phía công an tỉnh cấp tạm một biển số xe công để ông Thanh tiện đi lại, làm việc trên địa bàn tỉnh".
Trước phản ứng của dư luận về việc lãnh đạo đi xe sang, ông Bí thư Tỉnh ủy nói: "Tôi thấy việc này là bình thường dùng xe cá nhân đi, chứ có dùng xe nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ĩ”.
Dân trí bây giờ cũng cao rồi. Cho nên khi phát ngôn điều gì, nhất là những việc nó đã hai năm rõ mười rồi thì kính mong các quan chức hãy cẩn trọng
Trở lại với chuyện cái biển số xanh đang khiến dư luận ồn ào, tôi xin tổng hợp ý kiến dân bàn luận thời gian qua xoay quanh chiếc xe sang của Phó Chủ tịch tỉnh
Một là tác phong quan cách, xa rời dân.
Theo lời quan chức Hậu Giang giải thích thì ông Thanh đã từ chối việc dùng xe của văn phòng vì "thương" anh em không còn xe đi, từ chối việc mua xe mới vì "sợ" sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách. Đọc đến đây, dư luận giật mình vì đã nghĩ oan cho ông Phó Chủ tịch. Nhưng lại thất vọng ngay vì chiếc xe mà ông đang sử dụng có giá hàng tỉ. Điều này mâu thuẫn với cái mà ông gọi là "tinh thần chia sẻ khó khăn với tỉnh của ông Thanh". Dù ông Thanh không dùng xe Nhà nước nhưng một vị lãnh đạo hằng ngày đi một chiếc xe sang như vậy đi làm, lướt qua trước mặt mọi người ở một địa phương còn nghèo, là không thích hợp. Lối tư duy này mấy chục năm qua đã trói buộc nếp nghĩ, nếp làm của người lãnh đạo, chỉ nặng lí thuyết mà không cần biết cuộc sống bên ngoài đang diễn ra như thế nào, đang đòi hỏi những gì. Bao giờ thì các vị mới gần gũi, thân thiện hòa đồng với dân, để thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả mà họ đã và đang ngày ngày phải đối mặt?
Hai là coi thường pháp luật, đặc quyền đặc lợi.
Dư luận cảm thông khi ông Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang lo lắng, chia sẻ những khó khăn của cấp dưới vừa chân ướt chân ráo từ Hà Nội xa xôi vào Hậu Giang nhậm chức. Nhưng cái cách quan tâm thì dân không tán thành.. Đó là việc chỉ đạo ngành công an "cấp tạm một biển số xe công để ông Thanh tiện đi lại, làm", khi quyết định việc này không nghĩ đến luật pháp? Điều đơn giản nhất ai cũng hiểu là biển số xanh chỉ để cấp cho xe công vụ của các cơ quan nhà nước mà thôi. Không nên tự cho mình cái quyền được "đứng trên" luật pháp?
Người dân tự hỏi, chức trọng quyền cao như các vị thì cần gì cái biển số xanh nhỉ? Chả nhẽ để không bị "thổi" khi vi phạm luật giao thông hay là nhằm mục đích nào khác? Liệu có anh cảnh sát nào dám phạt xe của lãnh đạo cao cấp tỉnh nhà là sếp của sếp mình không?
Ba là không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Chuyện cấp biển số xanh cho xe cá nhân, chuyện lãnh đạo đi xe sang làm công vụ đã hai năm rõ mười nhưng các quan chức Hậu Giang vẫn "quyết" thanh minh. "Không minh bạch" trong việc sử dụng biển số xe, cơ quan công quyền lại tiếp tay cho sự đó thì thử hỏi có còn kỉ cương phép nước nữa không, sao có thể coi đó là chuyện "bình thường"
Dù các vị đã giải thích, đã thanh minh nhưng dư luận vẫn không tin bản thân ông Phó Chủ tịch tỉnh cũng như địa phương "khó khăn" đến mức để ông đi làm phận sự công bộc của mình phải nhờ xe của người khác. Hơn nữa lại là chuyện hiếm hoi khi giữa cuộc đời đầy bon chen này vẫn còn có người tốt đến thế, trao cho ông Phó Chủ tịch cả một tài sản khủng để sử dụng vào việc công mà không màng thiệt hơn. Nên nhớ, ông Thanh trước khi làm Phó Chủ tịch Hậu Giang đã từng là tổng giám đốc các tổng công ty lớn, từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Vì thế, xét ở phương diện nào các ông cũng mắc lỗi. Từ việc thượng tôn pháp luật đến đạo đức tư cách người cán bộ. Có thể trong suy nghĩ của các ông, chuyện này quá bình thường (vì nó không là một là duy nhất?!) nhưng trong con mắt giám sát của dân, nó không hề bình thường. Nó xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, từ tâm nguyện của dân về tiêu chuẩn cần có của người công bộc để dân trao gửi niềm tin.
Mới hôm qua hôm kia đây thôi, ở tận nước Nhật xa xôi, ông Yoichi Masuzoe thị trưởng Tokyo, đã phải cúi đầu xin lỗi người dân vì bị cáo buộc tiêu xài xa xỉ trong đó có việc ông ta dùng xe công đi nghỉ mát ở nhà riêng cuối tuần.
Tôi tin, nhân dân sẽ rộng lòng nếu các ông học được cách hành xử của nước người, nói lời xin lỗi trước công luận. Thiết nghĩ đó là cách lựa chọn tốt nhất, văn hóa nhất giúp giữ được hình ảnh của mình trong con mắt dân chúng.
Nguyễn Duy Xuân