Bạn đọc viết:

Nghĩ từ việc Hà Nội hoãn kỷ niệm “ngày sinh” Hai Bà Trưng

(Dân trí) - Đang tính viết bài về chuyện Hà Nội sẽ tổ chức hoành tráng lễ kỉ niệm 2000 năm sinh Hai Bà Trưng, thì hôm nay đọc được thông tin: Hà Nội chính thức hoãn cuộc lễ nói trên.

(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)
 
Khỏi phải nói, tôi cũng như đông đảo người dân lấy làm hoan hỉ trước quyết định kịp thời này của lãnh đạo Hà Nội.

 

Chuyện đúng sai, hay dở của việc tổ chức “sinh nhật” cho Hai Bà không bàn đến nữa. Chỉ biết rằng, với quyết định này, có thể nói Hà Nội đã tránh được một sự thất thoát, lãng phí về tiền bạc. Bài học của Đại lễ Nghìn năm Thăng Long còn đó. Nhiều công trình tiêu tốn hàng trăm tỉ nhưng xong đại lễ thì không phát huy hết công năng sử dụng, hoạt động kém hiệu quả và rồi xuống cấp nhanh chóng.

 

Quyết định hoãn tổ chức “sinh nhật” Hai Bà Trưng làm mọi người nhớ đến việc Thủ tướng Chính phủ hồi tháng Tư vừa rồi quyết định rút đăng cai Asiad 18. Đó là một quyết định hợp lòng dân, rất được dư luận hoan nghênh. Trước những sự việc như thế, càng thấy vai trò quan trọng của truyền thông đại chúng trong việc phản ánh ý nguyện của nhân dân. 

 

Có thể quyết định hoãn “sinh nhật” Hai Bà khiến cho ai đó không vui vì những dự tính “hưởng lợi” từ đại lễ “sinh nhật” tan thành mây khói? Nhưng có một thứ không thể đánh mất, đó là niềm tin của người dân.

 

Hai ngàn năm nay và vĩnh viễn mai sau, Hai Bà cũng như những anh hùng, liệt nữ khác vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, trong lòng mỗi con dân nước Việt mà không cần một lễ “sinh nhật” hoành tráng nào.

 

Tưởng niệm, tôn vinh các anh hùng dân tộc, không phải chỉ bằng những lễ hội tốn kém mà quan trọng hơn là phải biết cách gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp mà các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu, để nó khắc sâu vào trong tiềm thức của mỗi người, để mạch ngầm trong dòng chảy truyền thống ngàn đời của dân tộc không bao giờ dứt.

 

Nguyễn Duy Xuân