Nghề đặc biệt cần hành xử đặc biệt

(Dân trí) - Nhiều phi công của VNA xin nghỉ việc để chuyển sang hãng máy bay khác. Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ thị yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA.

Nghề đặc biệt cần hành xử đặc biệt

Nhiều phi công của VNA xin nghỉ việc để chuyển sang hãng máy bay khác. Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ thị yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA.

Trước đó, ngày 6.1, Hội đồng thành viên VNA có nghị quyết về việc phi công Đoàn bay 919 báo ốm, tăng bất thường trong dịp Tết Dương lịch 2015, trong đó có nội dung kiến nghị với các cơ quan nhà nước: “Không chấp thuận các hãng hàng không lôi kéo, vận động chuyển dịch lao động đặc thù giữa các hãng hàng không VN trong thời hạn từ nay đến hết năm 2020, cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định mới. Cục Hàng không VN không cấp bằng, chứng chỉ đối với các phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác trong thời gian chờ quy định mới trên”.

Lẽ thường theo cơ chế thị trường, các hãng hàng không cùng cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì DN nào sử dụng và đãi ngộ lao động tốt sẽ thu hút được nguồn nhân lực. Đó là quy luật của cạnh tranh và đó cũng là sự công bằng. Và cũng theo luật pháp hiện hành, phi công, kỹ sư máy bay là người lao động, họ có quyền làm việc ở bất cứ nơi đâu phù hợp với điều kiện, nguyện vọng, trong đó có thu nhập, đãi ngộ, thăng tiến. Bộ Luật Lao động còn quy định, ngay cả trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, thì họ sẽ bị xử lý theo thỏa thuận trong HĐLĐ như bồi thường tiền đào tạo (nếu có), không được hưởng trợ cấp… Sau khi hoàn thành các thủ tục đó, họ có quyền tìm công việc mới.

Cho nên, nếu như Cục Hàng không VN không cấp bằng, chứng chỉ khi phi công chuyển từ hãng này đến hãng khác là chưa phù hợp. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ thị tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA có thể vì mục đích tránh gây xáo trộn đột ngột đội ngũ phi công của VNA trong thời gian tết. Bộ trưởng Thăng cũng thừa biết ông không có quyền cấm cái quyền tự do làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, vì lao động kỹ thuật cao trong ngành hàng không nói chung và phi công nói riêng mang tính đặc thù rất đặc biệt. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn bay, kế hoạch, lịch vận chuyển hành khách trong và ngoài nước. Bởi một khi tâm tư nguyện vọng của người lao động chưa thông, chưa thoái mãi, thậm chí còn ức chế sẽ nguy hại thế nào tới chất lượng lao động trong lĩnh vực cực kỳ đặc biệt như đã nói ở trên. Bởi vậy, trước mắt có thể các giải pháp hành chính của ngành hàng không nhằm ổn định đội ngũ cán bộ kỹ thuật và phi công của VNA là có thẻ chia sẻ và cảm thông. Về phía người lao động cũng cần nhận thức trách nhiệm trong việc chuyển dịch công việc đột ngột và tức thời của họ ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới hình ảnh của ngành hàng không nước nhà.

Còn về lâu về dài, VNA cũng như bất cứ hãng hàng không nào khác chỉ có thể giữ được phi công và kỹ sư máy bay giỏi bằng các chính sách đãi ngộ phù hợp và thỏa đáng với đóng góp của họ mà thôi.

Lê Thanh Phong

Theo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm