Nâng tuổi hưu, ai hưởng?
Phương án nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã không nhận được sự tán đồng của các ĐBQH. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đề xuất này chính là sức ép của nguy cơ vỡ quỹ BHXH.
Vậy vì đâu vỡ quỹ ? Phân tích của nhiều ĐBQH cho thấy, ngoài yếu tố cho rằng thời gian đóng BHXH của một bộ phận người lao động chưa đủ dài, còn rất nhiều nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến thiếu hụt quỹ BHXH. Theo Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi, trong hơn 16 triệu lao động đang làm việc hiện nay, mới thu BHXH được 10,9 triệu người, khiến quỹ thất thu khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra người lao động khu vực sản xuất hiện mới đóng BHXH cho khoảng 50% tiền lương thực hưởng, nếu đóng đủ quỹ BHXH sẽ thu thêm 20-30.000 tỷ đồng/năm. Tổng cộng, cả hai khoản này quỹ BHXH sẽ có thêm tới 80.000 tỷ đồng mỗi năm. Tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài của các doanh nghiệp cũng rất nhức nhối, ước tính đến cuối năm 2013, số tiền nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc lên tới 4.752 tỷ đồng.
Thêm nữa, cơ sở nào cho chi phí quản lý tối đa 3% mức thu BHXH? Với hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền quỹ, con số 3% sẽ là hàng ngàn tỷ đồng chứ không ít. Ngân sách nhà nước hay chính người đóng BHXH sẽ phải nuôi bộ máy quản lý quỹ vốn cồng kềnh và kém hiệu quả này ? Chuyện lấy hàng trăm tỷ đồng BHXH cho một công ty vay, thành nợ quá hạn, cả gốc lẫn lãi hiện lên tới trên ngàn tỷ đồng cũng được ĐBQH đặt ra.
Vậy vì đâu vỡ quỹ ? Có người tính rằng, chỉ riêng tiền lãi (theo lãi suất tiết kiệm ngân hàng) của một người lao động bình thường đóng BHXH sau 30 năm còn cao hơn cả tiền lương hưu mà họ thực hưởng thì tại sao lại lo vỡ quỹ?
Do vậy, lý do tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ xem ra không thuyết phục được ĐBQH và công luận. Bởi nếu thu đúng, thu đủ, quản lý và phát triển quỹ BHXH chặt chẽ và hiệu quả hơn, hẳn nguồn quỹ BHXH sẽ tăng trưởng thêm đáng kể.
Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, khi nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền vẫn còn nhức nhối, khi đa số người lao động vẫn hưởng những đồng lương còm cõi, vẫn còn phải làm những công việc chân tay, giản đơn, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng tuổi hưu đại trà. Ai sẽ hưởng lợi từ việc tăng tuổi hưu ? Hàng triệu người lao động bình thường làm công ăn lương hay những quan chức tham quyền cố vị ?
Tăng tuổi hưu từ 5-7 năm cũng gián tiếp làm biết bao lao động trẻ nhiệt huyết, có bằng cấp, tay nghề mất cơ hội việc làm ? Xin dành câu trả lời cho những người làm luật.
Theo V.H
Tiền Phong