Nỗi xót xa của Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng!

(Dân trí) - “Đặt mình vào vị trí người lao động yếu thế, mới thấy xót xa!”. Đó là lời sẻ chia, thấu hiểu và nhân văn của Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng xung quanh phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trên báo Lao động ngày 29/5, vị Chủ tịch đại diện cho hàng triệu đoàn viên công đoàn cả nước đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình: “Tuyệt đại đa số công nhân mà tôi tiếp xúc họ đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ”. Ông nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến "vỡ quỹ” như lập luận của Bảo hiểm Xã hội, ông Tùng khẳng định:” nếu quản lý tốt tiền của người lao động, hãy tiết kiệm và quản lý quỹ như một ngân hàng thì chắc chắn sẽ không vỡ quỹ! Tôi khẳng định sẽ không vỡ quỹ BHXH. Tôi sẵn sàng gặp gỡ để trao đổi, tranh luận và chứng minh lập trường của mình với những ai nói rằng sẽ vỡ quỹ!”.

Không dừng ở đó, ông Tùng còn cho biết:  “Trước đây, khi tổ chức công đoàn còn quản lý quỹ BHXH chi cho 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nếu còn kết dư thì chi cho sự nghiệp nghỉ ngơi, dưỡng sức tái tạo sức lao động cho người lao động, hoặc bồi dưỡng tại chỗ, hoặc chi cho chăm sóc con em công nhân lao động, hoặc chi cho bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động”.

Câu này nói trắng ra là hiện nay quỹ Bảo hiểm xã hội được quản lý kém, rất kém và tất nhiên, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng có đủ dẫn chứng chứng minh cho nhận định này.

Trên Dân trí, đã có nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với chủ tịch Tùng. “Lo Quỹ Hưu trí bị vỡ, tại sao những người làm công chức, viên chức của ngành BHXH lương cao như vậy? Lấy tiền đâu ra để xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan BHXH từ huyện trở lên to như thế, diện tích quá dư thừa  mà huyện nào cũng xây cơ quan rất nhiều lần?” - Trần Văn Chương:  chuongtandx@yahoo.com viết.

 

“Vỡ quỹ BHXH một phần do quản lý yếu kém của ngành BHXH: Bộ máy quá cồng kềnh không hiệu quả, đầu tư Quỹ BHXH hiệu quả thấp, nợ BHXH quá lớn... Bên cạnh đó, CBVC BHXH là công chức nhưng theo tôi biết thu nhập lại gấp đôi mức trung bình của các cán bộ Nhà nước khác. Thử hỏi vì sao không vỡ quỹ?” - Trương Quang Dũng:  tqdung72@yahoo.com

 
Và ông Tùng còn đặt câu hởi: “Tại sao chúng ta lại tiếp tục để người lao động thiệt thòi thêm 3 năm nữa? Tại sao không áp dụng Điều 90 của Bộ luật Lao động? Đáng lẽ Luật BHXH là luật nhánh của Bộ luật Lao động nên phải tuân thủ các điều của Bộ luật Lao động chứ?

Sao các nhà làm luật chỉ "xót" cho người sử dụng lao động không đóng nổi BHXH, mà không nghĩ đến những thiệt thòi của người lao động yếu thế khi phải tiếp tục đóng BHXH trên lương tối thiểu thêm 3 năm nữa? Các nhà làm luật hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy mà xót xa!”.

Quá đúng!

Hãy đặt mình vào vị trí của người lao động yếu thế sẽ thấy mà xót xa chứ đừng ngồi phòng máy lạnh, hưởng lương lậu, bổng lộc để rồi nghĩ ra, tìm ra, kiếm ra muôn vàn mưu cách để “quản”, để “xiết” người lao động chân chính.

Xin đừng “xót” cho các ông chủ, bà chủ mà để người lao động phải “xót xa” như lời Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!