Nắng nóng 60 độ và 106 cây cổ thụ đang dần chết khô

Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa lên tiếng giải thích về cái nóng 60 độ ở Hà Nội đang trở thành trend về sự khiếp đảm và khắc nghiệt của thời tiết.

Cái nhiệt kế ở mức đỏ lừ 60 độ khi đo trên mặt đường. Không phải vì dự báo thời tiết sai, cũng không do máy hỏng. Nó chỉ phản ánh tình trạng sa mạc hóa ngay tại thủ đô khi hồ nước, cây xanh dần thu hẹp để chỉ còn lại toàn bêtông và bêtông.

Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa lên tiếng giải thích về cái nóng 60 độ ở Hà Nội đang trở thành trend về sự khiếp đảm và khắc nghiệt của thời tiết.

Nắng nóng 60 độ và 106 cây cổ thụ đang dần chết khô - 1
Dọc hai bên đường trục Tây Nam Hà Nội (đoạn qua khu đô thị Thanh Hà) xuất hiện nhiều cây chết khô, bị cắt cụt ngọn sau thời gian được trồng mới. Ảnh Quang Minh

Giải thích ấy đại ý là hiện tượng đảo nhiệt. Các bề mặt bêtông cốt thép và đường trải nhựa hấp thụ và tỏa nhiệt rất lớn, khiến nhiệt độ đo gần các bề mặt này vọt lên cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ không khí.

Còn về dự báo 39 độ trong khi nhiệt kế đo ngót 60 độ, chuyên gia giải thích: Tiêu chuẩn đo lường quốc tế về khí tượng, nhiệt độ đo đạc trên toàn cầu đều phải thực hiện đúng quy chuẩn: Đo nhiệt độ không khí trong lều khí tượng, điểm đo có độ cao 2m so với mặt đất.

 Rất rõ ràng. Dự báo 39 độ là đo theo tiêu chuẩn. Còn 60 độ là vì đặc thù. Còn giải pháp để giảm hiệu ứng đảo chiều, thì ai cũng biết: Có nhiều cây xanh và tăng diện tích mặt nước các hồ điều hòa.

Nhưng nói đến cây xanh thì buồn quá. Hà Nội đang có những kỷ lục kinh khủng khi một con đường chỉ 2km nhưng gánh đến 40 tòa cao ốc. Trong tương quan với môi trường thì đó là 40 cục bêtông siêu to siêu khổng lồ, 40 trung tâm... phát nhiệt với hàng vạn chiếc điều hòa tỏa hơi nóng.

Nói đến cây xanh, không thể không nhắc tới phát biểu của GS Nguyễn Lân Dũng về đề án chặt hạ 6.700 cây xanh năm 2015 là họ đã “không thèm quan tâm đến nhân dân”, rằng, “không thể cứ quy hoạch là chặt cây”.

Nói đến cây xanh, không thể không nhắc tới 106 cây cổ thụ được đánh bứng để làm đường sắt trên cao đoạn Kim Mã - giờ, đang dần chết khô ở vườn ươm Đa Tốn, Gia Lâm.

Nói đến cây xanh, không thể không nhắc tới đề án xén dải phân cách, chuyển 1.900 cây xanh trên 15 tuyến đường ở 12 quận, huyện năm 2019.

Và nói đến cây xanh, không thể không nhắc đến “cảnh báo đỏ” từng được đưa ra trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, rằng tại Hà Nội, TPHCM, diện tích cây xanh chỉ có 2m2/người, bằng 1/10 so với thế giới và diện tích này đang bị xén dần do mật độ xây dựng quá cao.

Bao nhiêu cây xanh đã bị hạ, đổi lại là những công trường, những con rồng bêtông lù lù nằm đó như một thủ phạm của hiện tượng đảo nhiệt

Không chỉ khó thở, rồi có một ngày chúng ta sẽ chết khô khi tự tay tiêu diệt môi trường sống của chính mình. 

Theo Đào Tuấn

Báo Lao động