Chúng ta vẽ quy hoạch trong phòng lạnh, nhưng chúng ta là ai?
Chúng ta đang phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội.
Năm 2017, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có lần nói thật: Chúng ta đang phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội. Vừa hôm qua, ông tiếp tục những sự thật: Phải họp 4-5 lần, truy tận nơi mới phát hiện cán bộ quy hoạch đã không xuống tận nơi kiểm tra thực tế.
Những sai phạm tại đất rừng Sóc Sơn rất nóng trong buổi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri hôm 19.6.
Nóng, khi Sóc Sơn từ một điểm nóng về sai phạm, đã có thêm một sắc thái mới khi trở thành điểm nóng về khiếu kiện. Bởi dù Thanh tra Thành phố đã công bố kết luận sai phạm từ tháng 3 năm ngoái, nhưng hơn một năm qua, hàng chục hộ dân vẫn liên tục gửi đơn đề nghị xác định lại ranh giới đất rừng/đất ở.
Và nóng, khi - một cách thẳng thắn và sòng phẳng, ông Chủ tịch nói về lý do chủ quan của sự chồng lấn.
Nguyên văn: Trong thời gian 2009-2011, khi làm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nhóm cán bộ thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch không xuống hiện trường ở huyện Sóc Sơn kiểm tra, cho nên dẫn đến sự chồng lấn như hiện nay.
Chủ tịch Chung nói thêm rằng: "Theo quy trình, các tổ công tác làm quy hoạch phải xuống khảo sát thực tế, sau đó về báo cáo những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, tôi họp đến 4-5 buổi và phải truy đến tận cùng thì phát hiện nhóm cán bộ này không xuống tận nơi kiểm tra thực tế, nên dẫn đến chồng lấn".
Trời ơi, cán bộ làm quy hoạch mà không xuống hiện trường, làm quy hoạch mà bút thước kẻ vẽ đo đạc xác định trong... phòng máy lạnh? Trong khi đó là những gì liên quan đến tài nguyên đất, là đất đai của dân.
Nhớ năm 2017, chính Chủ tịch Chung cũng có lần nói thật, nói rất đắng, rằng: Chúng ta đang phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội.
Chúng ta trả giá thì rõ rồi. Đó là những nạn nhân- người dân của những con đường uốn lượn. Đó là là sự ngộp thở trong những “khu đất 5-7 ha cũng bị băm ra cho 2-3 chủ đầu tư”. Đó là ùn ứ, tắc nghẽn, ngập lụt khi nhà cao tầng chồng lên đầu dân, khi một trục đường 2km như đoạn Lê Văn Lương - Tố Hữu gánh đến 40 tòa chung cư. Và giờ, chúng ta là người dân Sóc Sơn, nạn nhân của thứ quy hoạch mà người làm quy hoạch không thèm xuống hiện trường, một thứ quy hoạch phòng lạnh bất chấp thực tế, bất kể đúng sai...
Nhưng còn “chúng ta” gây ra sự trả giá đó là những ai? Phải chăng chỉ là những “kiến trúc sư chỉ làm cho xong việc”, những cán bộ quy hoạch phòng lạnh?
Có thể “chúng ta”- những người đã băm nát Thủ đô giờ không thể, không thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch Chung. Nhưng không lẽ những chúng ta ngồi phòng lạnh vẽ quy hoạch chồng lấn lung tung, để dân khiếu nại suốt cả năm qua lại cũng không thể xử lý?
Thế thì liệu vài năm nữa sẽ lại phải có thêm một hoặc những lời nói thật?!
Theo Anh Đào
Báo Lao động