Muốn khoa học không “tuyệt tự” cần gỡ ra từ đâu?

(Dân trí) - Cuộc thảo luận sôi nổi về thực trạng nền khoa học nước nhà đã được đông đảo bạn đọc tham gia. Mới đây, chúng tôi nhận được bài viết của một nhà khoa học từ Bỉ gửi về. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi thấy đây là chủ đề hay và lý thú, rất thiết thực đối với đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nhưng quả thật là khó đối với tôi bởi vì tôi ở xa Tổ quốc đã lâu, không nắm rõ tình hình thực tế. Vả lại, một người làm khoa học chỉ chuyên đi tìm tòi, để hiểu biết đối tượng nghiên cứu nhưng không có quyền phê bình và đưa ra ý kiến riêng tư. Thế giới không phải là thế giới dưới con mắt của một nhà khoa học mà là thế giới vốn tồn tại trong chỉnh thể của nó.

Và cuối cùng, kinh nghiệm ở nước ngoài thì chỉ có thể áp dụng cho nước ngoài. Cứ y như là toa thuốc cho bệnh nhân A, đâu có ai dám tự ý bảo bệnh nhân B cứ dùng đi vì căn bệnh hao hao giống đấy mà ...

Vượt qua tất cả những rào cản ấy, tôi chỉ xin viết vài ý thẳng thắn, có suy nghĩ vì là những thao thức từ nhiều năm nay.

 

Vấn đề lo sợ “tuyệt tự” của nghiên cứu khoa học nước nhà

 

Quản lý khoa học mà tập trung quan liêu thì tội cho người làm nghiên cứu lắm. Nghiên cứu là một công việc khó, cần tận tụy, cần hy sinh, tức là cần động cơ yêu thích và tự do dấn thân.

Vấn đề này, GS Nguyễn Thiện Tống, năm 1999, tại Hội thảo Mùa hè, ở Liège (Bỉ), đã băn khoăn nói lên. Gs Tống, lúc đó còn rất trẻ, làm việc ở Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, cũng dùng từ «tuyệt tự» và đã động viên rất nhiều trí thức Việt kiều.

 

Cũng chính hôm đó, một sinh viên của tôi, người Bỉ, cô Muller, đã trình nghiên cứu của cô về “Sự xuống cấp xã hội của tầng lớp trí thức Việt Nam, một cái nhìn nhân chủng học”. Nhiều năm đã trôi qua, hoàn cảnh có khá hơn không ? Ý kiến của gs Nguyễn Văn Hiệu đăng trên Dân Trí gần đây có thể làm ta  bi quan. Gs Hiệu lại lo lắng về sự “tuyệt tự” của nền khoa học Việt Nam. ...

 

Thế nhưng tôi vẫn có một niềm tin gần như tuyệt đối nơi giới trẻ ở Việt Nam : đâu đó vẫn còn có nhiều sinh viên rất hiếu học, có khả năng, chỉ cần một chất xúc tác thích hợp, đúng nơi, đúng chỗ,  là các em sẽ hoàn thành được những việc “đội đá vá trời”. Nhưng phải làm gấp vì nhân tài cũng như các bông hoa, không săn sóc thì hoa sẽ tàn úa.

 

Chất xúc tác?

 

Tôi đang nghĩ đến hai điều : quản lý và môi trường.

 

Quản lý khoa học mà tập trung quan liêu thì tội cho người làm nghiên cứu lắm. Nghiên cứu là một công việc khó, cần tận tụy, cần hy sinh, tức là cần động cơ yêu thích và tự do dấn thân.

 

Có những khoa học gia phải đi xin tài trợ cho nghiên cứu nhưng họ không nhận đề tài nghiên cứu đi từ ...cơ quan công quyền quản lý đặt hàng và kiểm soát kết quả, ... (họ cũng đã thường từ chối tất cả đơn đặt hàng của các tổ chức tiếp thị và có thái độ rất thận trọng khi ai đó đưa ra những con số của các «nghiên cứu» thị trường).
 
Muốn khoa học không “tuyệt tự” cần gỡ ra từ đâu? - 1

(Ảnh minh họa: crystalinks.com)

 

«Tự do hàn lâm» là một nguyên lý bất khả xâm phạm. Nghiên cứu là đi tìm sự thật. Sự thật thành “ông chủ” duy nhất của khoa học gia – một ông chủ rất hiền lành, dù rằng đôi khi khó tiếp cận, và rất tôn trọng người làm khoa học.

 

Người quản lý có bổn phận cung cấp phương tiện cho nghiên cứu nhưng không có quyền can thiệp hay kiểm soát – Ở nước ngoài các khoa học gia tự kiểm soát mình,  trình báo cáo khoa học và chịu sự kiểm soát của đồng nghiệp.

 

Đồng nghiệp là những người có khả năng hiểu và phán đoán việc làm hay thành tựu của mình. Đồng nghiệp là những người đồng hội đồng thuyền. Có người đi trước có người đi sau. Khoa học lại là một công trình tập thể, công trình chung : nghiên cứu trước dẫn đường cho nghiên cứu sau, khai quang và có giá trị cho đến chừng nào có chứng minh khác đi hay ngược lại.

 

Không là một “hành tinh lý tưởng với toàn những người tốt” nhưng tựu trung, tới bây giờ, cả hệ thống khảo cứu toàn cầu sinh hoạt như thế.

 

Muốn nhập cuộc vào “hành tinh khoa học” có thể chúng ta phải... giải phóng khoa học, trả khoa học về cho Đại học nghiên cứu (khác với Đại học kinh doanh !) và đặt tin tưởng trên các Đại học “tử tế”. Hai chữ “tử tế” đặt vấn đề đạo đức.

 
Môi trường trong sạch và đạo đức khoa học

 

Chuyện “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”  tôi chỉ tin ... phân nửa vì “gần mực” thì có ngày cũng “đen”. Nếu môi trường chỉ thực dụng, chỉ trọng tiền bạc, trọng hình thức, gian trá,...  thì làm sao bắt khoa học gia trung thực, quên mình để đi tìm sự thật ? Vì chính người làm khoa học cũng là thành viên của môi trường, và cũng bị môi trường xã “hội hóa”.

 

Bao giờ «đại gia», «người đẹp», «quan chức» còn được đề cao thái quá thì khoa học còn có khả năng «tuyệt tự» vì làm sao lôi cuốn được giới trẻ đi vào con đường khoa học, một con đường vừa khó, vừa không cho nhiều lợi tức, lại không được xã hội xem trọng?

 

Mà chuyện đạo đức khoa học không phải là chuyện đùa. Trung thành với những kết quả tìm ra, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công trình khác, làm đủ mọi cách để áp dụng những phương pháp thích ứng, tuyệt đối kính trọng các đối tượng nghiên cứu, ...nằm trong cái gọi là vỡ lòng, là cơ sở của đạo đức khoa học. Một người làm khoa học có thể sai lầm, ngoài ý muốn. Nhưng cố tình gian trá, đưa ra những kết quả giả, chép bài của người khác, ... là những điều mà cộng đồng khoa học không chấp nhận – dù là những gian trá trong khoa học nhiều khi rất khó  phát hiện.

 

Về vật chất, dĩ nhiên, người làm khoa học cũng phải sống. Nghĩa là có đủ phương tiện để khỏi phải lo mưu sinh. Xã hội có bổn phận chăm lo đời sống của các khoa học gia bằng cách cho họ ít nhất là một mức lương đủ sống (Ở Bỉ, tối thiểu là gấp đôi mức nghèo, tức là sau khi trừ thuế và bảo hiểm xã hội, khoảng 1700 euros mỗi tháng).

 

Nhưng hai phạm trù “nghiên cứu khoa học” và “làm giàu”,  khó đi đôi.

 

Đạo đức khoa học gồm cả tính phi vụ lợi và ngay thẳng, không để bị mua chuộc hoặc bị quyến rũ bởi «danh», «lợi» hay «chức tước». Tôi xin dành chữ «danh», cho giới giải trí, chữ «lợi»  cho người kinh doanh và chữ  «chức tước» cho chính trị gia. Trong xã hội, lắm khi danh-lợi-chức tước lại liên hệ hỗ tương với nhau.

 

Qua một khảo sát thực tiển nhanh, hỏi bằng điện thoại, 30 nhà khoa học, có 30 năm trong nghề, ở Liège, về ba chữ này, họ cười và xin «miễn bàn» (trong số họ, không ai «nhắm» giải Nobel để có danh, lương của họ chỉ bằng một phần ba lương bộ trưởng, còn lương các giám đốc xí nghiệp có thể cao gấp 10 hay gấp 50 lần). Thậm chí có người trả lời bằng câu khôi hài «tôi không làm khoa học để có ba thứ đó, tôi làm nghiên cứu để được vợ tôi yêu».  

 

Bao giờ «đại gia», «người đẹp», «quan chức» còn được đề cao thái quá thì khoa học còn có khả năng «tuyệt tự» vì làm sao lôi cuốn được giới trẻ đi vào con đường khoa học, một con đường vừa khó, vừa không cho nhiều lợi tức, lại không được xã hội xem trọng?

 

Muốn không tuyệt tự khoa học, ta cần xem lại bậc thang giá trị xã hội và cổ động để mọi người cùng vào cuộc, vì tương lai của toàn xã hội. Phát triển bền vững cần có sự hỗ trợ của khoa học.

 

Đôi chút riêng tư ?

 

Kinh nghiệm cá nhân của tôi  không có nhiều điều để kể.

 

Có chăng là vài hạnh phúc nhỏ khi tìm ra một cái gì mới. Chẳng hạn, khi khám phá ra lý  do khiến các người bệnh ngừng thở lúc ngủ do họ cứ chần chừ mãi không chịu đi khám (nhiều khi họ đợi đến 10 năm, 30 năm !) hay khi thiết lập được mối liên hệ giữa tư cách «chủ ngôi nhà mình ở» của các gia đình đông con  và sự thăng tiến xã hội của các con trong những gia đình ấy. 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bên cạnh đó, xin kể thêm một số khó khăn của một phụ nữ vừa lo việc nhà vừa đi làm khoa học. Nào là phải nhớ  mua sữa cho con sau khi đi phỏng vấn các đối tượng nghiên cứu. Có hôm phải ôm cả ổ bánh mì vào hội trường (vì nếu không, sau buổi họp các tiệm hàng đều đóng cửa)  mà trong lòng ái  ngại hết sức vì mùi thơm của bánh cứ ... tự tiện bay ra tỏa hương trong phòng họp. Đó là chưa nói đến những lo toan  tổ chức thời gian sao cho vẹn toàn cả đôi việc: chăm sóc con và khảo cứu.

 

Nhưng tôi đã sống vui. Các con tôi đã không ngần ngại đi theo nghề của mẹ, chỉ khác ngành, dù đó là một nghề vừa cực khổ vừa thanh đạm nhưng có niềm vui tinh thần thật đáng trân trọng.

 

                                                           Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                 Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí-Một bài viết rất ngắn nhưng hầu như đã nói lên nhiều điều tác giả muốn gửi gắm và người đọc cũng lĩnh hội được những điều cốt lõi cần quan tâm để tạo điều kiện sống còn cho khoa học. Đó là việc xây môi trường xã hội lành mạnh, trong sạch, tạo ra tiền đề khách quan cho khoa học phát triển.  Mỗi đất nước, mỗi dân tộc bao giờ cũng có truyền thống văn hóa và cung cách ứng xử riêng, nhưng khi đã bước vào «hành tinh khoa học» thì phải tuân theo quy luật chung mang tính khách quan chi phối tính trung thực của khoa học.

 

Chúng ta cần xem lại «bậc thang giá tri xã hội» mà những người làm khoa học đang được đặt ở vị trí nào, đã xứng đáng hay chưa,  trong khi có hiện tượng đề cao thái quá các « ngôi sao », các « đại gia » và những người làm «quan chức» ...

 

Về phía người làm khoa học, cũng cần nhìn lại mình xem đã hiểu thấu đáo và thực hiện đầy đủ nội hàm mấy chữ «đạo đức khoa học» hay chưa?

 

Và chắc rằng còn nhiều suy nghĩ sau khi đọc bài viết này, xin mời độc giả trao đổi ý kiến.