"Mổ xẻ" căn nguyên làm khoa học yếu kém

(Dân trí) - Cảm ơn bài viết của GS. Nguyễn Văn Hiệu đã bắt đầu chỉ ra những vấn đề mà lâu nay những người làm khoa học nghiêm túc chưa có điều kiện, chưa có dịp và có lẽ là cũng ... chưa dám nói ra.

Hoa Lửa :

 

Ngay cả GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, một người có uy tín trong khoa học và đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quản lý, người đủ tầm để biết rõ và có thể nói ra sự thật, nhưng có lẽ vì những lý do tế nhị mà một người ở vị trí như GS. chưa thể nói ra hết, mặc dù ông cũng đã chỉ ra được những nguyên nhân khá cốt lõi.

 

Với quan điểm hệ thống, có thể nói môi trường khoa học của Việt Nam cũng đang bị những thói hư tật xấu của xã hội bây giờ làm cho ô nhiễm. Đấy là thói ích kỷ, vụ lợi, thích được tâng bốc, xu nịnh và nhất là tệ nạn tham nhũng khá phổ biến (từ nhỏ đến lớn, đủ loại hình thái). Những thủ đoạn thấp hèn thường được che dấu bởi cái vỏ bọc lời hay ý đẹp, rồi tính bè phái, thích khoa trương nhưng lại lười lao động và suy nghĩ, không thích ai hơn mình...

 

Thực tế đó cho thấy có nhiều người chỉ vì cái danh hão mà đánh đổi cả uy tín và danh dự thực. Rõ ràng là mặc dù đất nước ta còn nghèo, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành ra những khoản tiền không nhỏ (cũng là tiền đóng thuế của người dân và doanh nghiệp) để đầu tư cho đào tạo và khoa học. Tuy nhiên, nếu thực sự nghiêm túc nhìn nhận từ việc xây dựng các đề tài, các dự án cấp nhà nước, cấp nộ ngành cho đến các dự án của địa phương và nhỏ hơn nữa là của các cơ quan, doanh nghiệp (tất nhiên là xài tiền của Nhà nước - tạm gọi là “tiền chùa”), thì bao nhiêu đề tài và dự án được xác lập có căn cứ khoa học - thực tiễn và nghiên cứu nghiêm túc để đóng góp có hiệu quả thật sự cho sự phát triển đất nước và tạo ra động lực mới cho phát triển khoa học và công nghệ (KHCN)?
 
"Mổ xẻ" căn nguyên làm khoa học yếu kém - 1

(ảnh minh họa)

 

Có ai xem xét cử bao nhiêu đoàn đi nghiên cứu, học tập nước ngoài, tốn bao nhiêu tiền và nghiên cứu được những gì? Có bao nhiêu người được cử đi trong các đoàn này thực sự có đủ kiến thức chuyên môn cũng như ý thức trách nhiệm, để khi trở về biết vận dụng sáng tạo những điều học hỏi được vào thực tiễn? 

 

Tại sao có nhiều thiết bị đắt tiền đã được mua để trang bị cho các cơ quan khoa học từ trung ương đến địa phương lại phải trùm chăn, hoặc thi thoảng đem ra khoe cho đến khi hết sử dụng được thì lại thay cái mới và tiếp tục xây dựng các dự án mới. Lại tổ chức các chuyến đi tham quan, học tập ở nước ngoài... nhưng hiệu quả thiết thực mang lại thì chẳng thấy đâu.

 

Có nhiều người, kể cả những người không hẳn là không có năng lực, khi đã tìm cách leo lên được một chỗ nào đấy trong bộ máy thì lại tìm cách và bằng mọi thủ đoạn để không cho những người có năng lực khác được sử dụng đúng với khả năng của họ. Chưa kể còn tìm cách để kéo dài cái hũ bổng lộc, đến tuổi về hưu nhưng vẫn tìm cách để tiếp tục “cống hiến”.

 

Khi những người này leo được lên những vị trí có quyền phê duyệt, biên soạn chính sách (trở thành nhà quản lý) thì lợi dụng để thủ lợi bằng cách làm méo mó chính sách. Những người nói thẳng và tâm huyết thực sự thì không được lắng nghe, hoặc được nghe chỉ để chứng minh rằng “tôi luôn có thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp” còn làm hay không thì ... “cứ để đấy”.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Cũng may mà có những “Hai Lúa” hay “Thần đèn” đang làm được những việc đáp ứng đích thực những nhu cầu thực tế, trong khi các nhà khoa học chúng ta chưa kip nhận ra những nhu cầu thiết thực ấy và hình như vẫn còn mơ màng trong “tháp ngà” của mình!

 

Quả thật là có nhiều điều ngáng trở sự phát triển của khoa học VN và xem ra thì càng ngày càng nặng nề hơn.

 

Tại sao nhiều cá nhân khi làm việc ở môi trường nước ngoài (kể cả công ty nước ngoài tại VN) - nơi cũng đầy rẫy sự cạnh tranh, lại có thể phát triển thành đầu tàu. Không ít người có tầm ở cả khu vực và quốc tế, nhưng khi làm trong môi trường của nhà nước thì không thể vươn cao vươn xa?

 

Cái cơ chế “xin – cho” cũng chỉ là biểu hiện của một cơ chế quản lý đã lỗi thời, cho nên rất cần có quyết sách của nhà nước nhằm thay đổi về cơ bản cơ chế quản lý để khoa học Việt Nam có thể đứng trên đôi chân của mình.  

 

Nguyễn Khắc Kinh:

 

Là một cán bộ kỹ thuật đã nghỉ hưu, tôi thật sự lo lắng cho cái gọi là nền móng của nền KHCN của đất nước hiện nay! Sự lo lắng của những cán bộ khoa học kỹ thuật đã về hưu như chúng tôi xuất phát từ thực tế những năm tháng đã đi qua và thực trạng công tác KHCN hiện nay, với những “nghịch lý” xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên mặt trận nghiên cứu và triển khai KHCN ở trên hầu khắp các lĩnh vực trong giai đoạn “thị trường quá độ” này.

 

“Có cơ chế cũng như bộ máy quản lý là để giúp cho khoa học phát triển. Vậy mà KHCN lại trong tình trạng trì trệ, không phát triển được thì cần xem xét lại cách quản lý cũng như đội ngũ những người làm quản lý. Xin được hỏi trong số các vị quản lý ở ngành KHCN có bao nhiêu vị đã từng làm nghiên cứu thật sự? Có bao nhiêu vị có các bài báo đăng trên các tạp trí KH quốc tế có uy tín? Có bao nhiêu vị có bằng phát minh, sáng chế?” - Bùi Quang Phúc:

Cái nghịch lý nhãn tiền là: Quản lý KHCN thật sự yếu kém, cơ chế chính sách còn bất hợp lý, chắp vá và không tạo ra được động lực cho người làm nghiên cứu, triển khai KHCN áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Nhà khoa học chưa có cơ hội “gặp” nhà sản xuất, đề tài nghiên cứu khoa học chưa có mặt ở nơi sản xuất và trong đời sống, chưa đáp ứng các đòi hỏi cấp bách!

 

Nguồn kinh phí cấp cho nghiên cứu, triển khai KHCN mang tính hành chính đơn phương, chưa giám sát tính hiệu quả một cách chặt chẽ, nếu không nói là quản lý cấp phát, nghiệm thu, đánh giá hiệu quả... thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm. Người điều hành, cầm trịch công tác nghiên cứu, triển khai ở một số địa phương, đơn vị KHCN không có chuyên môn sâu, quản lý chung chung, nông cạn, chạy theo thành tích nên hiệu quả nghiên cứu triển khai thấp, tính thực tiễn, thiết thực rất hạn chế.

 

Tác hại của sự yếu kém này dẫn đến làm mất uy tín của công tác nghiên cứu, triển khai KHCN và cán bộ KHCN không nhận được sự đãi ngộ xứng đáng, không thể sống bằng “đồng lương” mà cực chẳng đã phải làm vô số “nghề tay trái” để mưu sinh. Có thể nói là ta không thiếu trí tuệ- “chất xám” nhưng khai thác, sử dụng nó đúng chỗ, đúng mức thì hoàn toàn là một vấn đề còn phải bàn thảo thấu đáo từ quản lý “vĩ mô” đến quản lý “vi mô”.

 

Nền móng KHCN Việt Nam chỉ có thể phát triển vững bền một khi KHCN được nhìn nhận, được đầu tư như một lực lượng sản xuất đặc biệt trong nền kinh tế. Đó là đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, có cân nhắc đi liền với chất lượng công tác quản lý có trách nhiệm và khách quan, khoa học nhất.

 

Hà Anh:

 

Bài viết “Cùng trăn trở về thực trạng khoa học” của báo Dân trí thật sâu sắc. Những người tâm huyết với nền khoa học nước nhà cũng đang cùng nhau trăn trở, nhưng biết làm thế nào? Tôi, bạn, GS. Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Văn Hiệu hay các trí thức yêu nước khác có thể làm gì?  “Một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa xuân”.

 

Khi chúng ta có một "kẻ thù" quá lớn đó chính là “cơ chế” mà các cấp quản lý đang cưng chiều, nuôi dưỡng nó như một công cụ để trục lợi cá nhân. Cơ chế “xin – cho”; cách thức “làm chơi, ăn thật”; “Bằng cấp không = bằng lòng”; “Nhất thân, nhì thế”... Cũng vì vậy không thiếu những người lãnh đạo quản lý chỉ học bổ túc, tại chức thì đương nhiên các ông đó có học cơ bản đâu mà biết đến khoa học. Họ chẳng cần biết khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là gì, chúng sinh ra để làm gì? Chỉ làm sao có cái bằng, học hàm này học vị kia và nếu cần thì mua được tất.
 
Người lãnh đạo, quản lý như vậy thì khoa học yếu kém là phải. Vậy nên những trăn trở của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu hoàn toàn có cơ sở thực tế. Không những trăn trở mà thật buồn khi phải nhìn nhận thực trạng khoa học như vậy.

 

LTS Dân trí - Hầu như mọi người tham gia Diễn đàn đều có nhận định giống nhau về hiện trạng khoa học cũng như những nguyên nhân chủ yếu làm cho khoa học chưa phát huy được vai trò là động lực phát triển đối với đất nước.

 

Nhằm khắc phục thực trạng đó, làm cho khoa học và công nghệ thật sự xứng đáng ở vị trí “quốc sách hàng đầu”, điều quan trọng trước hết là cần đổi mới cơ chế quản lý để tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học thông qua những chính sách “đòn bẩy” giúp cho khoa học gắn bó mật thiết hơn với sản xuất và đời sống. Cũng thông qua đó, người làm khoa học được đãi ngộ xứng đáng với năng lực và đóng góp thực tế của mình.