Cùng lên tiếng vì nền khoa học nước nhà
(Dân trí) - Tiếp theo sự lo lắng của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu về sự “tuyệt tự” của nền khoa học nước nhà, rất nhiều bạn đọc chia sẻ sự lo lắng đó. Chúng tôi liên tục nhận được những ý kiến đóng góp thật chân thành và tâm huyết.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Các bạn sinh viên hãy lên tiếng đi! Sinh viên các bạn ra trường ngày càng đông trong khi KHCN nước nhà còn đang trì trệ chưa phát triển thì tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng là điều đương nhiên. Nước ta không phải là quốc gia giàu dầu mỏ như các nước Trung Đông nên không còn cách nào khác, chúng ta phải làm giàu bằng trí thông minh- tài năng của mỗi con người, muốn vậy chúng ta phải xây dựng một nền KHCN thực sự phát triển.
Phạm Nhật Quang:
“Xin được hỏi nếu các nhà KH hàng đầu thế giới mà phải làm việc trong một môi trường KH như Việt Nam hiện nay liệu họ có thành công không? Bình luận về câu hỏi này, xin Bộ KHCN cùng các Ban, ngành có liên quan, và lãnh đạo các viện nghiên cứu cho biết ý kiến của mình. Đã có rất nhiều người Việt thành công khi làm việc trong các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Còn môi trường KH của nước ta hiện nay sẽ chẳng bao giờ sản sinh ra được các nhà KH tầm cỡ khu vực và thế giới” - Nguyễn Văn Ngọc đặt câu hỏi. |
Trần Văn Phái:
Hiện tại em đang là sinh viên của Học Viện Kĩ Thuật Quân Sự ( Hệ Dân Sự) Học chuyên ngành Chế Tạo Máy. Đọc qua bài viết và phản hồi của độc giả em xin có ý kiến: Đại Học đó là niềm mơ ước nhưng bây giờ đại học không còn mang nhiều ý nghĩa nữa rồi. Trước khi bước vào cánh cửa đại học, ai cũng hy vọng cao nhưng khi vào rồi họ mới thực sự thấy cảm giác thật. Học đại học nhưng chỉ phần ít thời gian dành cho việc Học, còn theo quan niệm thời nay đã là Sinh Viên thì phải biết chơi; không biết chơi, coi như lãng phí cuộc đời Sinh Viên! Đó là câu nói cửa miệng của nhiều Sinh Viên. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nghiên cứu khoa học phát triển kém ở các trường Đại học. Thầy cô dù có nhiệt tình nhưng số đông sinh viên không hăng say nghiên cứu, nguồn kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu của sinh viên lại rất eo hẹp; một số sinh viên có chí tiến thủ muốn tham gia nghiên cứu nhưng không có môi trường.
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
Học ở Việt Nam không có nghĩa là đi đôi với Hành như nước ngoài thì KKHCN sẽ phát triển theo đà đi xuống mà thôi. Vậy tại sao các cuộc thi RobotCon Việt Nam luôn đạt danh hiệu cao nhưng KHCN lại phát triển kém? Một phần là do những nhà Khoa học Việt Nam chưa theo sát thực tiễn. Họ chỉ nghiên cứu những thứ đâu đâu... Thiết nghĩ nên nghiên cứu phát triển từ những thứ đơn giản phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân, làm ra nhiều mặt hàng có giá rẻ mà chất lượng tốt, có sức cạnh tranh với hàng nước ngoài. Cũng nhờ vậy mà sản xuất phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, từ đó đầu tư trở lại cho khoa học tiếp tục phát triển. Có đúng như vậy là con đường phát triển của khoa học không?
“Tôi xin góp ý kiến về khoa học ứng dụng : 1/ Tất cả các Bộ Ngành , Tỉnh , Thành đều vẽ ra rất nhiều dự án để kêu gọi đầu tư nước ngoài và hiện đang có nhiều dự án đang được nước ngoài đầu tư .Vậy VN sẽ được lợi gì về phát triển công nghệ , kỹ thuật khi đều do nước ngoài áp đặt còn kỹ sư công nhân VN không được chủ động thực hiện và cái gì cũng lo nhập ngoại .Phải chăng các cấp quản lý chê các nhà KHCN VN , muốn thoải mái đem tiền đi mua của nước ngoài và còn có cơ hội đi ngao du đây đó! 2/ Thực tế đã chứng minh Việt Nam có thể làm tổng đầu tư trực tiếp và đã xây dựng thành công khu công nghiệp Dung Quất. Một DUNG QUẤT do VN xây dựng thành công vậy một nhà máy DUNG QUẤT thứ 2, VN có làm được không? Hãy trả lời câu hỏi này để biết KHKT VN ở đâu và các Nhà quản lý VN đang ở tầm nhìn nào?” - Nguyễn Việt Triều: |
Nhiều nơi không có trang thiết bị để nghiên cứu trong khi có những nơi sẵn có trang thiết bị nghiên cứu nhưng lại đắp chiếu để đấy. Tôi xin lấy một ví dụ ( sự thực 100%) ) đó là phòng thí nghiệm Quang tử thuộc Viện Ứng Dụng Công Nghệ - Bộ KHCN được đầu tư tới vài chục tỷ đồng nhưng hầu như không hoạt động gì cả. Bộ KHCN có biết? Phải chăng không có một cơ quan chức năng nào đánh giá hiệu quả hoạt động của phòng thí nghiệm? Trang thiết bị không sử dụng có khác nào đống sắt vụn? Chúng tôi nghi ngờ năng lực thực sự của ông giám đốc phòng thí nghiệm này. Việc phòng thí nghiệm trị giá vài chục tỷ đồng ( có lẽ bộ Tài Chính có con số cụ thể ) không đem lại một kết quả nào cũng giống như việc gây thất thoát ngân sách nhà nước và tai hại hơn nó cản trở sự phát triển của KHCN nước ta. Chúng tôi yêu cầu cấp có thẩm quyền nhanh chóng đánh giá hiệu quả hoạt động của phòng thí nghiệm này và nhất là năng lực của ông giám đốc. Phòng thí nghiệm hoạt động không hiệu quả, trang thiết bị mua sắm không hợp lý, không giải quyết được vấn đề gì ai là người chịu trách nhiệm?
Bảo Ngân:
Trước mắt chúng ta không thể "kêu" đãi ngộ chưa xứng đáng mà quên chuyện dài lâu. Sinh viên chúng ta bây giờ tính thực dụng cao quá- cũng không trách các em được. Nhưng có điều đáng quan tâm là nền giáo dục chúng ta chưa đầu tư cho chuyện học tập, nghiên cứu từ thời sinh viên thì thật khó có những nhà khoa học giỏi sau này. Tôi nhận thấy các trường đại học, các viện nghiên cứu ở nước ta việc tìm kiếm tài liệu vô cùng khó khăn. Họ chưa đầu tư vào việc mua tạp chí online cho sinh viên nghiên cứu vì cho rằng chi phí quá đắt. Nhưng tôi nghĩ đắt thì có đắt, nhưng có những khoản chi khác thì các trường luôn mạnh tay (vì mang lại ngay lợi nhuận), còn chuyện đầu tư cho lâu dài thì thờ ơ.
Ở nước ngoài, các giáo sư chỉ cần gợi ý hướng nghiên cứu, các sinh viên phải tự tra cứu tài liệu và dự seminar hàng tuần để bàn luận vấn đề. Sau khi thảo luận xong thì sinh viên triển khai. Việc seminar là chuyện hiển nhiên, trong khi ở nước ta cả học kỳ mới tổ chức cái gọi là hội thảo khoa học ...; còn ở các Viện nghiên cứu thì họa hoằn mới có Viện làm được điều này. Tính tự lập của sinh viên ở Việt Nam chưa cao, các giáo sư cúa chúng ta thì cũng ít tìm ra định hướng cho sinh viên. Còn sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài, họ chịu áp lực từ các giáo sư rất cao, nên họ học tập, nghiên cứu không hề thua kém các sinh viên khác. Chung qui cũng là vì đói thông tin và cơ chế chưa tạo ra áp lực phấn đấu cần thiết cho cả thầy và trò ở bậc đại học!
Nguyễn Văn:
Nói đơn gian là “Tiền nào của đó”. Tại sao chất lượng và hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam thấp? Dễ hiểu thôi :1. Số kinh phí cho một đề tài khoa học phải “chia 5 sẻ 7” nào là chi phí cho các “xếp” duyệt đề tài, cấp kinh phí; chi phí hội đồng; chi phí phản biện; rồi “xử lý” các mối quan hệ khác…; phần còn lại mới dung cho nghiên cứu đề tài. Do vậy, số tiền nào thì chất lượng đó. Nên tranh luận về chất lượng đề tài cũng bằng thừa. 2. Đầu vào của đề tài: a. Nguồn tài liệu để tham khảo thế giới đã làm gì và làm được đến đâu? -Không biết, vì hầu như chẳng có trường đại học nào ở Việt Nam mua cơ sở dữ liệu nghiên cứu; b. Việt Nam làm được gì rồi? -Cũng khô biết nốt, vì không có có sở dữ liệu và nếu có thì chất lượng của dữ liệu từ các đề tài khoa học trước đó cũng không đáng tin cậy. Biết vậy sao mọi người vẫn làm đề tài nghiên cứu: vì mục đích có thêm khoản thu nhập vì lương đâu có đủ sống, rồi còn để được công nhận giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư…
LTS Dân trí - Những ý kiến phản ánh cho thấy tình trạng thật sự đáng lo lắng về chât lượng tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như việc đào tạo ở bậc đại học, thiếu sự gắn bó mật thiết giữa học và hành, chưa tạo điều kiện cho sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học.
Cho nên muốn chấn hưng nền khoa học nước nhà, một mặt phải lập lại kỷ cương, nền nếp trong việc quản lý và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, để vừa chống lãng phí, thất thoát nguồn vốn, vừa tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho các nhà khoa học thật sự có năng lực và tâm huyết với sự nghiệp khoa học; mặt khác, còn cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chấm dứt tình trạng “dạy chay” lý thuyết, giúp cho sinh viên có tinh thần tự học, say mê nghiên cứu khoa học. Đấy là tiền đề không thể thiếu để phát triển vững bền nền khoa học nước nhà.