Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Mùa xuân trong các ca khúc viết về Đảng

Cứ mỗi độ Tết đến, khi cánh én chao nghiêng bay liệng báo hiệu mùa xuân về, hòa cùng những giai điệu xuân tươi vui, chúng ta lại được nghe âm điệu rộn ràng của những bài hát ca ngợi Đảng. Dù sáng tác đã lâu hay mới gần đây, những khúc ca ấy vẫn có sức sống mãnh liệt, đem niềm tin và hy vọng vào một mùa xuân mới, một vận mệnh mới của đất nước trước mỗi mùa xuân mới.

 

Tranh cổ động (Tác giả: Bùi Công Vinh)
Tranh cổ động (Tác giả: Bùi Công Vinh)

Với đề tài Đảng và mùa xuân, nhiều nhạc sĩ đã có những tác phẩm bất hủ, để đời như Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Minh, Tô Vũ, Văn An…

Trong hàng chục ca khúc đó, đầu tiên phải kể đến bài hát “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” của Phạm Tuyên. Ca khúc được viết năm 1960 khi Đảng ta tròn 30 tuổi. Bài hát như một lời reo vui của toàn dân tộc khi được sống trong mùa xuân đất nước do Đảng kính yêu đem lại - mùa xuân ước vọng, của những khát khao, những mơ ước mới đã thành sự thật: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi…”.  Mùa xuân ấy đã “xua đi màn đêm chiến tranh gieo bao khổ đau. Cuộc đời từ nay sẽ sáng tươi như mùa xuân”. Thấm nhuần điều đó, toàn dân đã nguyện “Tiến theo cờ  Đảng là thấy tương lai sáng tươi”. Mùa xuân của đất trời cũng là mùa xuân của dân tộc, hòa quyện làm một, tạo cảm hứng cho nhạc sĩ có những sáng tác bất hủ, sống mãi với thời gian.

Nếu như “Đảng đã cho ta cả môt mùa xuân” là tiếng reo vui, thì qua ca khúc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, Phạm Tuyên lại thể hiện lòng biết ơn Đảng ở góc độ khác. Từ lời thơ của Louis Aragon, qua lời dịch của nhà thơ Tố Hữu, Phạm Tuyên đã có thêm một bài hát để đời, ca ngợi công lao của Đảng đã giác ngộ ý chí, vạch đường chỉ lối cho thế hệ Cách mạng Việt Nam. “Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà, Đảng của tôi ơi cám ơn người dạy dỗ”.  Và  hơn cả là “Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”.  Phạm Tuyên cũng nói được xúc cảm của mình qua bài “Màu cờ tôi yêu”. Nhạc sĩ đã viết “Hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi, búa liềm vàng rực giữa trời, là niềm hy vọng chói ngời tim ta”. Và đã khẳng định “Trong đêm tối, giữa mưa sa, màu cờ đỏ vẫn chói lòa hồn tôi” để rồi tự  hào “ôi màu cờ ấy là lời tình yêu”. Từ “Màu cờ tôi yêu” của Phạm Tuyên đến “Lá cờ Đảng” của Văn An đều có một sự trùng hợp đến lạ kỳ. Thật tự hào khi thốt lên “Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm”. Và nhạc sĩ đã nói hộ triệu triệu người dân Việt Nam: “Trong đêm đen, lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh” để rồi từ đáy lòng xin hứa “trọn đời lòng ta gắn bó, sắt son bước theo bóng cờ”.

Nguyễn Đức Toàn lại có cách thể hiện lòng kính yêu Đảng rất riêng trong ca khúc “Đảng là cuộc sống của tôi”. “Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió”. Những ngày đầu tiên chập chững mò mẫm chưa tìm được hướng đi, “Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, như biển khơi biết đâu là bờ…” thì lúc này “Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao giữa trời tối đêm mịt mùng”. Bằng niềm tin chứa chan vào con đường mà Đảng đã chọn, ông đã thốt lên “Đảng của tôi ơi, mãi mãi ơn Người.”. Bài hát không có một từ nào nhắc đến mùa xuân, nhưng ta vẫn thấy mùa xuân của dân tộc hiển hiện trong đó. Vì mùa xuân là sự khởi đầu vạn vật, mà ánh sáng của Đảng đem lại trong cuộc sống của người dân chẳng khác nào mùa xuân của đất trời đem đến cho cây cỏ hoa lá một sức sống mới, đâm chồi nảy lộc xanh tươi.

Viết về mùa xuân trong các ca khúc của Đảng, ngoài những ca khúc kể trên, còn phải kể đến những bài hát “Người Mèo ơn Đảng” – (Thanh Phúc); Vinh quang Đảng Lao động Việt Nam – (Nguyễn Đức Toàn); Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam – (Đỗ Minh); Như hoa hướng dương- (Nhạc Tô Vũ, thơ Hải Như); Ta dâng Đảng ngàn tiếng ca – (Huy Du)...

Không chỉ dành cho người lớn, những ca khúc viết về Đảng còn hướng đến đối tượng thiếu nhi. Trong bài hát “Đảng là mùa xuân của em”, nhạc sĩ Xuân Giao đã thay lời thiếu nhi Việt Nam khẳng định:  Nếu em là mầm non, thì Đảng là ánh nắng, nắng bình minh chiếu sáng mầm non sẽ thành cây xanh. Nếu em là nụ xinh, Đảng là mùa xuân ấm. Mùa xuân cho nhựa sống nụ xinh sẽ nở thành hoa.

Chủ thể của bài hát là em thiếu nhi. Em đã khẳng định mình là mầm non của đất nước. Và em đã cảm nhận được “nếu em là mầm non, thì Đảng là ánh nắng”. Khi mầm non ấy được “nắng bình minh chiếu sáng” để rồi “mầm non sẽ thành cây xanh”. Bác Hồ đã ví “Trẻ em như búp trên cành”, và những búp non ấy dưới ánh bình minh cuả Đảng chiếu rọi được tiếp thêm sức mạnh, sẽ trở thành cây đời xanh tốt, góp phần cho mùa xuân của dân tộc tươi đẹp hơn.

Ngắm khu vườn xuân tràn ngập ánh bình minh, em bé thấy mình như những nụ hoa xinh xắn kia, khi được nắng xuân tiếp thêm nhựa sống sẽ đơm hoa kết trái ngọt lành, giúp ích cho đời. Và liên tưởng “Nếu em là nụ xinh” thì “Đảng là mùa xuân ấm”. 86 mùa xuân ấy đã tiếp thêm nhựa sống cho biết bao thế hệ mầm non đề “nụ xinh sẽ nở thành hoa”. Chỉ bằng hai hình ảnh thể hiện chủ thể cho và nhận: “mầm non - ánh nắng” và “ nụ xinh - mùa xuân ấm” thôi, tác giả đã khéo léo vẽ lên một bức tranh thiên nhiên bừng sáng trước muà xuân tươi đẹp của đất trời. Và qua bức tranh ấy là sự liên tưởng dưới con mắt cuả trẻ thơ: “Đảng là mùa xuân cuả em”. Ánh nắng xuân đã tiếp thêm nhựa sống cho cây,  còn Đảng đã vun trồng cho tương lai cuả trẻ em được đơm hoa kết trái thành hoa thơm trái ngọt  giúp ích cho đời. cũng 86 mùa xuân qua, ánh bình minh của Đảng chiếu rọi đã vun trồng cho biết bao thế hệ măng non, nay đã trưởng thành và góp phần không nhỏ giúp cho đất nước ta được sánh vai với các cường quốc năm châu. Niềm tin ấy sẽ mãi mãi là động lực thúc đẩy để tuổi thơ tiếp tục rèn luyện học tập sao cho xứng đáng với những gì Đảng Bác đã chăm chút cho thế hệ măng non của đất nước ta.

Còn trong ca khúc “ Em là mầm non cuả Đảng”, nhạc sĩ nhạc sĩ Mộng Lân lại viết:“Em là búp măng non em lớn lên trong mùa Cách mạng. Sướng vui có Đảng tiền phong, có Đảng như ánh thái dương sống yên vui trong tình yêu thương, cuộc đời ngàn năm bừng sáng...”

Bài hát là tiếng reo vui cuả những em bé đựơc sinh ra khi có Đảng và như những búp măng non lớn lên trong vườn xuân cuả Cách mạng. Những búp măng non ấy được vun trồng uốn nắn, được sống yên vui trong vòng tay cuả cha mẹ, trong tình thương yêu cuả Đảng, Bác Hồ. Cuộc đời tăm tối bao năm nay bỗng bừng sáng bởi ánh sáng cách mạng. Ánh sáng cuả Đảng ta đã sưởi ấm cho tất cả mọi người dân- đặc biệt là trẻ thơ - những “búp trên cành”. Ở đây, tác giả dùng hình ảnh những “búp măng non” được lớn lên trong mùa Cách mạng. Hình ảnh búp măng non trên huy hiệu của các em như biểu tượng của “tre già măng mọc” - một sư kế thừa và phát huy. Mùa Cách mạng - mùa xuân. Vâng. Khởi thuỷ cuả mọi sự sinh sôi phát triển đều từ mùa xuân, lại có thêm ánh thái dương đã bừng sáng làm tràn ngập hy vọng cuả vườn xuân Cách mạng.

Đảng và những lý tưởng cuả Đảng là những khái niệm trừu tượng đối với trẻ thơ, nhưng những gì Đảng đem lại cho các em lại rất cụ thể. Tâm hồn trẻ thơ đón nhận tự nhiên như những búp măng non đón ánh mặt trời, được nuôi dưỡng, ươm mầm trong mùa xuân cách mạng - vườn xuân cuả dân tộc. Đảng đã đem lại ánh sáng cho dân tộc, đem lại mùa xuân cho đất nước. Nhưng đối với trẻ em, những thứ thiết thực nhất là “sách mới, áo hoa”. Và em bé vui sướng bởi không chỉ có “áo hoa”- vật chất, mà còn có “sách mới” - tri thức. Cao trào của bài hát được sử dụng những nốt nhạc âm khu cao thể hiện như một tiếng reo vui của trẻ thơ vì được hưởng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, đầy đủ về vật chất và được chăm chút về tri thức, tinh thần:“ Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta. Ghi công ơn em ca: có Đảng cuộc đời nở hoa”.

Mạch nguồn cảm xúc về Đảng và mùa xuân vốn là vô tận. Trong hơn 80 năm qua, những khúc ca về Đảng mãi ngợi ca mùa xuân tươi đẹp của đất trời, mùa xuân trong lòng mỗi con người Việt Nam. Những khúc ca ấy cũng sẽ mãi đem lại cảm xúc tươi mới cho người nghe, góp thêm vào vườn xuân âm nhạc Việt Nam, khơi gợi những xúc cảm về Đảng trước mùa xuân - một đề tài không bao giờ cạn.

Diễm Nguyệt