Một sự xấu xí, một tiền lệ quá nguy hiểm

Tội “Vô ý làm chết người" với BS Hoàng Công Lương, trong vụ án chạy thận Hòa Bình là không đúng, sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm - quan điểm chính thức của Bộ Y Tế chỉ 3 ngày trước phiên phúc thẩm vụ án này.

Một sự xấu xí, một tiền lệ quá nguy hiểm - 1

Tuyên có tội đối với BS Hoàng Công Lương sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm

Có thể nói án văn “có tội” sau phiên toà sơ thẩm, dẫu là “vô ý làm chết người” là một trong những bản án day dứt không chỉ trong cộng đồng ngành y và ngay đối với dư luận nói chung, day dứt đối với cả thân nhân của những nạn nhân.

8 gia đình của 8 nạn nhân đã lần thứ 5 viết đơn kiến nghị trả tự do cho bác sĩ Lương.

Ít nhất 43.000 người đã ký đơn ủng hộ bác sĩ Lương trong đó có đồng nghiệp của anh, bệnh nhân của anh và cả những người chưa từng quen biết anh. Tổng Hội Y dược học Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị về trường hợp của anh.

Và hôm qua, Bộ Y tế đã chính thức có công văn tới TAND, VKSND tỉnh Hòa Bình.

Công văn nêu, ngày 30.1 Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 42 tháng tù với tội danh Vô ý làm chết người. Nhiều ý kiến cho rằng "mức án này khiên cưỡng, chưa đúng tội danh và thậm chí oan sai".

Bản thân việc cơ quan điều tra đã 3 lần thay đổi tội danh chứng tỏ lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội.

"Xử phạt bác sĩ Lương về tội 'vô ý làm chết người' chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm"- Bộ Y tế nêu rõ.

Và theo Bộ Y tế, trong trường hợp tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này với bác sĩ Lương, sẽ là "tiền lệ vô cùng nguy hiểm", "rất xấu", tạo ra tâm lý bất an cho toàn thể thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước.

Công văn không phải là án văn. Nhưng văn bản của Bộ Y tế đang có ý nghĩa một tuyên bố “không có tội” đối với bác sĩ Lương từ chính Bộ chuyên môn, như từ chính cộng đồng ngành y trước đó.

Với công văn này, Bộ Y tế như đang đưa ra một thông điệp sát cánh, không bỏ rơi đồng nghiệp của họ trong hoàn cảnh bi đát nhất.

Một bác sĩ không thể chịu trách nhiệm về một thứ không thuộc trách nhiệm, ngoài chuyên môn nghiệp vụ đào tạo, ngoài sự hiểu biết của anh - đó là một sự công bằng, vượt lên trên rất nhiều cái lý lẽ cần một người chịu trách nhiệm trong một vụ án quá nghiêm trọng, có nhiều nạn nhân tử vong.

Quyền vẫn thuộc về toà án, đương nhiên. Nhưng nếu một án văn “có tội” khiến dư luận day dứt, khiến cộng đồng ngành y cảm thấy bất an, bức xúc, nếu một án văn tạo ra một “tiền lệ vô cùng nguy hiểm”- như khẳng định của Bộ Y Tế thì tại sao phải tuyên một án văn như thế?!

Theo Anh Đào

Báo Lao động