Bạn đọc viết

Mọi việc vẫn chậm chuyển biến…

(Dân trí) - Trong thời gian vừa qua, Đảng, nhà nước không ngừng đưa ra các chủ trương, giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, áp đặt, cừa quyền của cơ quan hành chính nhà nước cũng như chính quyền ở nhiều địa phương. Tuy nhiên thực tế đang cho thấy mọi việc vẫn chậm chuyển biến.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Mập mờ trong ban hành các văn bản

Mỗi khi nói đến người dân là nghĩ đến những điều giản dị và yên bình, yên bình vì họ chỉ biết đến lao động, làm việc để phục vụ cuộc sống của gia đình họ nhưng mỗi khi có sự việc xảy ra, nếu sự việc hợp tình, hợp lý thì người dân không những chấp hành, ủng hộ mà còn tạo mọi điều kiện tốt nhất, nhưng nếu giải quyết sự việc không đúng, không hợp tình, hợp lý thì người dân không đồng tình.

Khi có chủ trương phá dỡ, tu tạo các công trình xây dựng hay đưa vào áp dụng các mô hình quản lý điều hành với mục đích nhằm cải thiện, nâng cao đời sống sinh hoạt cho người dân đó là điều cần thiết và nên làm, nhưng khi làm phải đảm bảo đúng quy trình, trình tự, đúng quy định cũng như phải đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Tuy nhiên không ít các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền địa phương đã coi nhẹ về lợi ích của người dân, thậm chí còn lợi dụng vào sự hạn chế hiểu biết của dân để ban hành các văn bản với nội dung mà khi đọc, người dân không thể hiểu nổi các ngôn từ, lý lẽ nêu trong văn bản. Trong khi công đoạn tuyên tuyền, hướng dẫn, giải thích văn bản cho dân lại không được các cơ quan, chính quyền thực hiện một cách nghiêm túc và bài bản.

Từ né tránh đến…những lời hứa

Văn bản đã được ban hành và đã được người dân “chấp thuận”, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương bắt đầu thực hiện đồng loạt, rất bài bản đối với những vấn đề đã nêu trong văn bản thì quyền lợi chính đáng của người dân cũng bắt đầu bị xâm phạm và từ đó đã hình thành lên những vụ kiện cáo khi người dân đã cố gắng hết sức, tìm mọi cách để lấy lại quyền lợi chính đáng của mình và một trong những cách mà người dân thường làm chỉ đơn giản là tìm đến nơi đã phát hành ra những văn bản đó (là cơ quan quản lý nhà nước hoặc chính quyền địa phương) để hỏi cặn kẽ, cũng như tìm một lời giải thích hoặc phản đối.

Không thể không phủ nhận việc các cơ quan quản lý nhà nước hay chính quyền địa phương đã tiếp đón và giải thích cho dân sau thời gian không thể đưa ra bất kỳ lý do gì nữa khi dân muốn gặp nhưng những lời giải thích liệu có hợp lý, đúng đắn? hay lại chỉ mang tính hình thức, lấy lệ bằng cách đưa ra rất nhiều nguyên nhân, lý do rồi hứa hẹn rồi cam kết sẽ làm thế này, làm thế kia và khi gặp phải sự không đồng tình của người dân thì… “chúng tôi chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên”, vậy cấp trên ở đây là ai? ở đâu? Và giải quyết như vậy phải chăng lại tiếp tục thách đố người dân?

Áp đặt

Tất cả các loại văn bản như thông báo, quyết định hoặc kế hoạch…khi đưa ra không thể thiếu phần rất quan trọng, đó là thời gian thực hiện và đây là cơ sở để các phòng ban, bộ phận hay đơn vị cấp dưới tổ chức thực thi nhiệm vụ, không cần biết nhiệm vụ đó có được người dân đồng tình ủng hộ hay không, người dân có phản đối hay không phản đối và khi đã thực thi nhiệm vụ thì không thể để bất cứ ai cản trở với hàng loạt các phương án đưa ra, thậm chí còn đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc và người dân lúc này chỉ còn biết đứng nhìn, nhìn họ thực thi nhiệm vụ, nhìn những quyền lợi chính đáng của mình đang bị lấy đi một cách không công bằng. Không ít người dân không thể đứng nhìn nên có những hành động để phản đối nhưng có lẽ những hành động đó không những không giúp gì được cho họ mà còn để lại những hậu quả vô cùng lớn về cuộc sống sau này. Người dân đâu có biết được rằng những người đang thực thi nhiệm vụ họ chỉ là người thực thi nhiệm vụ, họ đâu phải là người đưa ra quyết định thực hiện nhiệm vụ đó.

Sự im lặng đáng sợ

Đơn thư kêu cứu, khiếu kiện, thậm chí còn xảy ra nhiều sự việc người dân kéo nhau đến các cơ quan công quyền để đòi lại sự công bằng cũng như quyền lợi chính đáng của mình, đó là thực trạng đã và đang diễn ra hiện nay tại nhiều địa phương, có lẽ nguyên nhân duy nhất là quyền lợi chính đang của người dân bị xâm hại. Không ít lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước hay chính quyền đia phương đã làm ngơ, trước những bức xúc của dân, làm ngơ trước quyền lợi chính đáng của dân đang bị mất, phải chăng các cơ quan quản lý nhà nước này và chính quyền được phép làm như vậy với dân? Hay tự đưa ra “những nguyên tắc và cách làm riêng” để vì mục đích tư lợi cá nhân?

Rất nhiều vụ việc người dân đã phải nhờ đến sự vào cuộc can thiệp của các cơ quan ngôn luận và các cơ quan ngôn luận đã tìm hiểu phát hiện ra hàng loạt uẩn khúc, sai phạm giúp đưa sự việc ra ánh sáng, tìm lại sự công bằng cho dân nhưng cũng không ít vụ việc dù báo chí đã vào cuộc, đã tìm ra những điều bất hợp lý, sai phạm nhưng vẫn đề vẫn không được giải quyết xử lý triệt để vì đơn giản, báo chí chỉ phát hiện, phản ánh, lên án và đấu tranh, còn việc giải quyết xử lý lại thuộc về các cơ quan chức năng và đây có lẽ là nguyên dân dẫn đến tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền một số nơi im lặng trước quyền lợi chính đáng của dân và im lặng khi báo chí lên tiếng, phản ánh.

Về nguyên tắc, khi đã tiếp nhận ý kiến và những phản ánh của dân, cũng như khi đã nhận được đơn thư kiến nghị của dân, cơ quan chủ quản cũng như các cơ quan công quyền phải vào cuộc đề nghị và chỉ đạo các cơ quan cấp dưới giải quyết xử lý theo quy định nhưng trên thực tế còn tồn tại tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc không giải quyết xử lý dứt điểm, giải quyết xử lý chưa thấu đáo nên không ai hết chính là những người dân phải chịu thua thiệt khi họ đã làm tất cả, làm hết những gì cần phải làm để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình nên họ lại đành phải chấp nhận trong sự im lặng. Còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nơi đưa ra các chủ trương, kế hoạch thì có lẽ đã tạo thành thông lệ với cái mác “tất cả vì dân” nên đã bất chấp tất cả để thực hiện mà quên mất rằng mình đang làm vì “ai” và câu hỏi đặt ra là ai sẽ được lợi từ những việc làm này? Người dân được lợi? tập thể được lợi hay cá nhân những ai đó được hưởng lợi

Chủ trương, đường lối và các giải pháp của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, hợp với lòng dân, được dân ủng hộ và những chủ trương, giải pháp đó càng thiết thực và hiệu quả hơn khi các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm cao với nhân dân và không ít các địa phương đã làm được việc này, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nhưng thực tế cho thấy cũng không ít địa phương còn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, thiếu tinh thần trách nhiệm với dân với Đảng, không thực hiện tốt vai trò quản lý lãnh đạo, cậy quyền cậy thể, áp đặt nhũng nhiễu làm khổ dân, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người dân và nếu tình trạng trên không được giải quyết xử lý nghiêm, triệt để sẽ dẫn đến hậu quả không hay

Nguyễn Hiển

nguyentronghien.1710@gmail.com