Bạn đọc viết
Lưỡi không xương…
Lẽ nào lại hợp đồng là thép Hàn Quốc/Nhật Bản bỗng hóa thành thép Trung Quốc. Còn máy móc, thiết bị của Nhật quá "xịn" nên mau… hỏng?
Chưa bao giờ câu ngạn ngữ của cha ông xưa "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo", lại được "vận" vào thực tế một cách phổ biến như hiện nay.
Lí giải cho chuyện này, chỉ có thể nói một cách đau buồn rằng: Tất cả bắt nguồn từ sự gian dối. Chưa bao giờ gian dối công khai, lộng hành trong xã hội như bây giờ. Trong một bài viết gần đây - "Quyền gia dối" - chúng tôi cũng đã bàn về vấn đề này. Có một cái quyền vô lối - quyền gian dối - đang làm đảo điên mọi giá trị chân thực của xã hội.
Và để gian dối, người ta phải ngụy tạo, phải lươn lẹo, phải áp đặt bằng quyền lực, bằng tiểu xảo dù thực tế sờ sờ ra đấy, ai cũng biết, ai cũng hiểu.
Có những sự gian dối, lươn lẹo đã đúc thành ngạn ngữ hiện đại kiểu "cong mềm mại", "đúng qui trình", "tập thể đồng thuận", "người dân nhất trí",… để rồi kết cục từ thứ ngôn từ ma mị kia gây bao nhiêu hệ lụy xã hội
Chuyện những con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định có giá trị hàng chục tỉ đồng đồng loạt “nằm bờ” vì bị rỉ sét, hư hỏng trong mấy ngày qua chỉ là một trong chuỗi gian dối, lươn lẹo
Những con tàu "hiện đại" ấy nằm trong chương trình của Chính phủ khuyến khích ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ nhằm bảo vệ ngư trường, khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Nhưng trớ trêu thay, những con tàu có giá gần hai chục tỉ đồng mỗi chiếc ấy, vừa mới ra khơi đã trục trặc phải quay vào bờ sửa chữa, nhưng càng chữa càng hỏng, đành phải đắp chiếu nằm bờ.
Lí giải về việc những con tàu do công ti đóng nhanh chóng xuống cấp khi vừa đưa vào sử dụng, ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định) nói: “Tàu xuống cấp, nước sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong bị hư hỏng là do nước mặn của thời tiết".
Về việc chuyển đổi từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc, ông Đài khẳng định thép Trung Quốc giá trị cũng rất tốt (?)
Còn ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc công ty đóng tàu Nam Triệu (quận Kiến An, TP Hải Phòng) cho rằng: “Tàu hư một phần do bà con sử dụng chưa thành thạo. Về phần sơn vẫn chất lượng, nhưng rỉ sét là do nước biển rất mặn (!?).
Vậy là theo các ngài Phó tổng của hai công ti đóng tàu cho ra những sản phẩm kém chất lượng ấy thì lỗi thuộc về "nước biển" và ngư dân Bình Định. Nước biển làm rỉ sét, bong tróc mối hàn, còn ngư dân không biết vận hành nên máy móc chóng hỏng! Lại kiểu "lỗi tại thằng đánh máy".
Thưa hai vị phó tổng! Cứ như hai vị nói thì hàng triệu con tàu trên thế giới đang ngày đêm ngang dọc trên khắp các đại dương cũng bị hư hỏng như tàu các vị đóng vì nước biển "rất mặn", vì người dùng kém cỏi?
Các vị nói thế ai mà tin! Lẽ nào lại hợp đồng là thép Hàn Quốc/Nhật Bản bỗng hóa thành thép Trung Quốc. Còn máy móc, thiết bị của Nhật quá "xịn" nên mau… hỏng?
Những lời nói "có gang có thép" (nhưng là thép Trung Quốc) của các vị, ngư dân Bình Định dẫu có nhẫn nhịn đến mấy cũng không thể không bày tỏ nỗi bức xúc của mình. Hàng tỉ đồng vay lãi ngân hàng, công việc làm ăn đình trệ,… Đau, đau xót lắm các vị ạ!
Nếu các vị còn chút lương tâm xin trung thực với Đảng, với nước, với dân. Hãy sửa chữa ngay tàu cho bà con, đảm bảo chất lượng đúng như hợp đồng thì mới mong lấy lại được chữ tín, chữ liêm, chữ sĩ trong con mắt ngư dân miền Trung.
Nguyễn Duy Xuân