Bạn đọc viết
Lúc cần phất cờ, lúc nên thõng tay là phải đạo
Cái bệnh nan y mà người ta hay mắc phải chính là anh trước chê anh sau. Nếu cách chê ấy thực sự là thiện ý xây dựng thì quá tốt, nhưng phần lớn là không thiện chí. Phần lớn tay đã từng cầm cờ lại chê tay đang cầm cờ chỉ là để ngầm ý khẳng định thời của mình, của bản thân mình là "giá trị" hơn
Ngồi nói chuyện phiếm, một người bàn chuyện thế sự:
- Tục ngữ có câu: "Cờ đến tay ai người đó phất", khi quyền hoặc địa vị đến tay ai, người đó có thể thực thi theo đúng phận sự mà mình được giao phó, cho dù năng lực thực tế của họ ra sao. Nói đơn giản, cờ đến tay thì ai cũng có thể phất được, dọc ngang, đông tây, nam bắc, xuôi ngược, nhanh chậm, mạnh yếu... phất hết!
Người kia không tán thành:
- Phất lung tung có mà chết dân! Tôi biết có vị chức sắc trình độ năng lực có hạn lại ít nghe ý kiến của quần chúng, cậy quyền thế cứ phất "tứ tung ngũ hành"; gây ra nhiều hệ lụy trong và ngoài đơn vị. Mọi người trong cơ quan đều xì xào là cờ trong tay ông ấy phất dở quá, phất ngẫu hứng, phất bạt mạng thế này mà cứ kéo dài thì không hiểu tương lai của đơn vị sẽ đi đến đâu?
- Thế bảo ông ta đừng phất nữa!
- Đâu có dễ, việc này phải do trên quyết định đấy.
- Dĩ nhiên rồi, nhưng ý kiến của cơ sở là rất quan trọng. Đề nghị trên tổ chức họp lấy ý kiến tín nhiệm cán bộ...
- Đúng vậy! Lúc đó chắc chắn ông ta sẽ phải thõng tay, không thể khua khoắng cờ quạt gì được nữa!
* * *
Một thời gian sau, câu chuyện "Cờ đến tay ai" lại được tiếp tục với mấy người bữa trước:
- Các ông biết không, vị chức sắc phất cờ "tứ tung ngũ hành" gây ra nhiều hệ lụy trong và ngoài đơn vị đã bị cấp trên ra quyết định miễn nhiệm chức vụ và nghỉ rồi đấy. Đúng là trời cũng có mắt!
- Mình cũng nghe thấy rồi, ông ấy mà kéo dài thêm ít nữa thì tình hình đơn vị không biết sẽ "nát" như thế nào nữa!
- Thế là ông ta đã hết thời, cờ đã đến tay người khác. Tuy nhiên, lẽ ra ông ta đã nghỉ rồi, phải tôn trọng người kế nhiệm, để người kế nhiệm mình phất cờ theo cách của người đó, chẳng nên hung hăng can thiệp vào. Bởi vì cái thời phất ngang, phất dọc... của ông ta đã qua, không thể hồi trở lại, nghĩa là những gì ông ta làm được thì đã làm, không làm được thì đã không làm được, hết cơ hội rồi. Do vậy, không nên dạy kẻ sau cách phất cờ. Thế nhưng ông ta lại tỏ ý chê cái tay cầm cờ sau mình là làm không bằng mình, thời của mình oách hơn, "hoành tráng" hơn, chất lượng hơn. Có lúc ông ta còn cao hứng đóng góp, xây dựng, phân tích và hô hào phải phất thế nọ, phất thế kia mới đúng.
- Ối giời! Lúc còn cầm cờ thì chẳng phất cho tử tế, cho hết mình, nay lại xui người kế nhiệm phải cầm cờ phất theo cách của mình thì có mà xui người ta uống thuốc sâu tự tử!
- Đúng vậy! Cái bệnh nan y mà người ta hay mắc phải chính là anh trước chê anh sau. Nếu cách chê ấy thực sự là thiện ý xây dựng thì quá tốt, nhưng phần lớn là không thiện chí. Phần lớn tay đã từng cầm cờ lại chê tay đang cầm cờ chỉ là để ngầm ý khẳng định thời của mình, của bản thân mình là "giá trị" hơn. Đúng là kiểu "mèo khen mèo dài đuôi"!
- Cờ đã chuyển sang tay người khác thì nên thõng tay cho nó thanh thản, chẳng nên khua khoắng là gì. Nhiều khi im lặng chứng kiến cũng là thiện tâm. Các ông đồng ý với mình như thế chứ?
Đặng Việt Thủy
(Hà Nội)