Luật nhà thơ để làm gì?

(Dân trí) - Thảo luận về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu bất ngờ trước những dự án luật chưa cần thiết như Luật Nhà thơ, Luật Thư viện, nhưng lại thiếu vắng những luật để điều chỉnh những vấn đề cấp bách hiện nay.

Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn: "Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình.

 

Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri".

 

Quả thực rất khó hiểu khi chúng ta đưa những dự luật này vào chương trình xây dựng luật. Trước hết, xin được hỏi các nhà làm luật muốn xây dựng Luật Nhà thơ để phục vụ mục đích gì, điều chỉnh quan hệ gì của đời sống xã hội. Thơ ca thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, ai thích thì làm thơ, chẳng lẽ lại có quy định về đối tượng, tuổi tác, ai được làm thơ và ai không được làm thơ. Chẳng lẽ rồi đây còn soạn thảo luật nhà văn, luật họa sĩ, luật nhạc sĩ, luật ca sĩ...

 

Còn về Luật Thư viện, sống trong thời đại ngày nay, với công cụ công nghệ thông tin ngày càng phát triển và internet là cái thư viện khổng lồ, thì thư viện không phải là nơi phục vụ một cách phổ biến cho công tác nghiên cứu, học tập như trước đây. Cho nên hoạt động thư viện ngày càng bị thu hẹp, chưa cần thiết phải soạn thảo một đạo luật để điều chỉnh.

 

Trong khi đó, có những dự án luật liên quan đến các quyền cơ bản của công dân rất cần được thúc đẩy nhanh lại không được chú trọng như Luật Trưng cầu  ý dân, Luật Bảo vệ quyền riêng tư, Luật Biểu tình. Thảo luận vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu: "Không nên sợ thực tiễn cuộc sống, cần sớm có luật để người dân có thể biểu tình một cách trật tự và thể hiện ý kiến của mình một cách đúng luật".

 

Thời gian làm việc của Quốc hội có giới hạn, hãy chắt chiu thời gian đó cũng như trí tuệ của các đại biểu để tập trung vào những việc cần thiết, có ích cho dân, cho nước hơn. Quốc gia có vùng biển đảo rộng lớn và có 3.260 km bờ biển nhưng chưa có Luật Biển Việt Nam, các đạo luật khác như Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Luật Phòng, Chống tham nhũng cần phải sửa đổi nhanh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 

Mỗi một giờ làm việc của Quốc hội là một giờ chi tiêu tiền của dân. Mỗi chiếc vé máy bay, phòng ở của đại biểu là tiền của dân. Mà nước mình còn nghèo, dân còn khổ, cho nên phải chi tiêu tiền của dân cho hợp lý

           

Lê Chân Nhân