Bạn đọc viết:

Lựa chọn đúng đắn

(Dân trí) - Trong mọi hoàn cảnh, tôi mong mọi người hãy cố giữ cho mình một cái đầu lạnh. Đồng thời tăng cường tình đoàn kết và giữ vững tinh thần. Việc gì phải đến thì sẽ đến. Ở thời điểm đó, hoàn cảnh đó, ta sẽ có lựa chọn sao cho thật đúng đắn...

Tinh thần đoàn kết được thể hiện rõ trên trang cá nhân của các bạn trẻ
Tinh thần đoàn kết được thể hiện rõ trên trang cá nhân của các bạn trẻ

 

Thế hệ như tôi gần như là "mù tịt", hầu như không biết chút gì về bom đạn. Nhưng thế hệ tôi vẫn nghe được những “dư chấn” từ thời đạn bom ấy qua lời kể của ông bà, cha mẹ….Đó là những tháng ngày gần như chỉ có máu và nước mắt, loạn lạc và chia lìa…. Chiến tranh chưa bao giờ đem lại niềm vui, cho dù với người thắng hay kẻ thua. Tất cả đều bị ám ảnh mãi không thôi về sự chết chóc cùng những vết thương cả về thể chất và tinh thần mãi không thể chữa lành.

 

Mẹ tôi vẫn còn nhớ như in những lúc nằm ôm mấy đứa em dưới hầm tránh bom, giữa bốn bề ầm ầm tiếng bom rơi đạn nổ như sấm rền, khiến các em gào khóc vì sợ hãi và sức ép của bom đạn. Bố tôi quáng quàng đi chạy loạn trên cái xe đạp cò cử, với đống đồ đạc chất như núi phía sau. Ông bà vơ vội mọi thứ vào quang gánh để di tản, con cái họ hàng ly tán khắp chốn cùng quê. Họ chỉ ước mơ đến lúc được trở về….
 
Chiến tranh trong ký ức của họ là như thế!

 

Rồi những người  ra mặt trận... uống nước trong những hố bom... nhặt  xác những đồng đội ngã xuống sau lệnh xung phong... chiến đấu trong đói khát và những cơn sốt rét hành hạ khốn khổ.... Đau đớn hơn là khi phải nhìn những người hôm trước còn chia với họ một hơi thuốc, kể với họ câu chuyện... hôm nay đã nằm xuống chưa kịp nói dù chỉ một lời từ biệt.

 

Chú tôi kể về thành cổ Quảng Trị - “cối xay thịt” khét tiếng một thời. Chú đã chiến đấu ở đó và là một trong những người may mắn còn sống sót khi hàng trăm đồng đội ngã xuống. Nhiều người còn chưa thấy được mặt trận đã nhắm mắt xuôi tay vì bom tọa độ…. Những ám ảnh đau thương theo người sống sót mãi cho đến cuối đời, vẫn trở về trong cả những giấc mơ thời bình.

 

Khi tôi hỏi họ, họ chưa bao giờ muốn chiến tranh lại xảy ra một lần nữa vì: Máu đã đổ quá nhiều và vì họ đã thấy quá nhiều cái chết.

 

Mảnh đất nhỏ bé hình chữ S này đã yên tĩnh được bao lâu? Cũng chỉ vài chục năm vắng tiếng súng. Những ký ức kinh hoàng như vẫn còn nguyên đó từ những bảo tàng chứng tích, những thước phim tư liệu, những cuốn sách còn lưu lại và cả những tấm ảnh mà mỗi lần nhìn vào đó ta không khỏi bàng hoàng vì ghê sợ. Ký ức đó được viết lại bằng cả những nỗi căm hờn và niềm đau vì mất mát máu xương quá lớn…

 

Tôi nhặt nhạnh lại những lời kể chắp vá đó và tự hình dung cho mình hình ảnh một cuộc chiến, giữa lúc khắp nơi đang sôi sục vì Biển Đông lại một lần nữa dậy sóng… Trong lúc xem thời sự, bên mâm cơm…. tôi nói: Nếu có chuyện đó xảy ra thật, tôi sẽ đi. Nếu có tổng động viên, tôi cũng sẽ xung phong đi. Không chỉ vì yêu nước, mà vì tôi còn nhìn sang đứa em trai của mình. Em còn quá trẻ để ra trận, một cậu sinh viên năm nhất khờ khạo việc đời. Tôi nhìn sang bố đã quá già để một lần nữa cầm súng. Nếu mỗi nhà chỉ lấy một người, tôi sẽ đi. Bình yên sẽ ở lại với những người tôi yêu quý nhất. Chỉ duy nhất ý nghĩ đó vụt hiện ra trong đầu tôi…. Cả nhà im lặng.

 

Nói thật là tôi cũng sợ chứ vì tôi đã đọc và xem khá nhiều về chiến tranh. Tựu trung lại đó luôn là những cái chết thường trực hiện hữu… Tôi không hô hào khẩu hiệu, cũng chẳng mong mỏi gì phải đánh, phải chiến… Tôi chỉ mong điều đó không bao giờ xảy ra cả bởi tôi tin nếu có nổ súng, nó sẽ khác xa lắm với những gì chúng ta đang ngồi trong êm ấm no đủ, gõ bàn phím mà tưởng tượng.

 

"Không có người nào điên rồ đến mức muốn chiến tranh hơn hòa bình: Vì trong hòa bình con chôn cất cha, còn trong thời chiến thì cha chôn cất con" (Herodorus)

 

Bao nhiêu người dám dũng cảm ra trận? Bao nhiêu người dám nổ súng vào người khác? Bao nhiêu người nói là không sợ chết?...

 

Cái tôi suy nghĩ trong mọi hoàn cảnh là: hãy cố giữ một cái đầu lạnh, tăng cường tình đoàn kết và giữ vững tinh thần. Việc gì phải đến thì sẽ đến. Ở thời điểm đó, hoàn cảnh đó ta sẽ có lựa chọn sao cho thật đúng đắn.

 

Thay vì việc chúng ta tranh còn mải tranh cãi với nhau vì những chuyện nho nhỏ như cái dây điện thoại (trong ảnh chụp một vị giới chức) đã cắm đúng hay chưa? Về việc tại sao VN có tàu ngầm, tên lửa… lại không mang ra sử dụng? Đặt bao câu hỏi: tại sao không thế này mà lại thế kia.... Theo tôi, ta hãy tự chuẩn bị cho mình mọi thứ cần thiết và hãy luôn sẵn sàng.

 

Bởi đây là thời điểm ứng xử cực kỳ khó khăn cả trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế địa chính trị… Không đơn giản chỉ là việc ghét thì đánh, thích thì chiếm, muốn là nổ súng và tiêu diệt. Bởi nếu như vậy sẽ không còn có những đường biên giới, những luật lệ, nhiều chủng tộc và tiếng nói màu da trên thế giới như bây giờ.

 

Chúng ta không cúi đầu. Chúng ta sẽ chiến đấu vì mảnh đất này, vì lá cờ đỏ màu máu bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh này... Chúng ta sẽ sống và chết như cha ông chúng ta một thời đã ngã xuống để giữ gìn độc lộc tự do cho Tổ quốc.  Mong mọi người hãy cùng nhớ những điều đó. Nhưng cùng với  đó, hãy giữ bình tĩnh, rèn luyện sức khỏe và chờ đợi. Hãy khôn ngoan đừng để mình dễ bị kích động mà trở nên cực đoan.

 

Dù tình hình thế nào đi nữa, tôi tin rằng, nếu chúng ta, Bắc – Trung - Nam đoàn kết sát cánh bên nhau như những phút giây qua, triệu con tim chung một nhịp đập thì không có gì là không thể.

 

Dân tộc này, dải đất này không cần những lời nói sáo rỗng, những lời hứa không được thực hiện mà là tinh thần đoàn kết một lòng. Chính sức mạnh ấy giúp chúng ta đi qua những năm tháng máu lửa để đến với độc lập, với tự do...

 

Đồng bào ạ!

 

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

 

Nguyen Phuong:  phuong.intop@gmail.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm